Bất ngờ gặp lại cậu bé “hạt tiêu” dự thi khoa học kỹ thuật

(Dân trí) - Từng gây ấn tượng mạnh ở Cuộc thi khoa học kỹ thuật toàn quốc năm 2013, cậu bé “hạt tiêu” Nguyễn Văn Hoan bất ngờ “tái xuất” ở cuộc thi năm 2015 với đề tài “Rô bốt cứu hộ đa năng”. Gian hàng của Hoan thu hút được khá nhiều người tham qua ghé thăm và đánh giá cao về mặt ý tưởng

Còn nhớ năm 2013, khi đang là học sinh lớp 9, Nguyễn Văn Hoan mạnh dạn tham dự kì thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh với đề tài “Băng tải tự xúc”. Vượt qua kì thi tỉnh, đề tài của Hoan được chọn làm đại diện của tỉnh Bắc Giang dự thi cấp toàn quốc. Ở kì thi này, mình Hoan giành hai giải thưởng: một giải của nhà tài trợ và giải Nhì chung cuộc.

Cuối năm 2014, trong một chuyến công tác ở Bắc Giang, phóng viên Dân trí tình cờ gặp lại Nguyễn Văn Hoan lúc này là học sinh lớp 11 ở Trường THPT Lạng Giang 2 (huyện Lạng Giang) khi tìm hiểu về phong trào nghiên cứu khoa học của trường. Tại thời điểm đó, đề tài của Hoan còn sơ khai, các thiết bị lắp ráp rô bốt còn rất bộn bề. 

“Sau một năm dành thời gian ôn tập để dự thi vào lớp 10 và tập trung học tập, năm nay em quyết định tham gia kì thi khoa học kỹ thuật. Đây là một sân chơi rất bổ ích, cá nhân em học hỏi được rất nhiều điều khi tham dự ở cuộc thi năm 2013” - Nguyễn Văn Hoan chia sẻ.

Theo Ban giám hiệu Trường THPT Lạng Giang 2, Nguyễn Văn Hoan chính là “ngọn lửa” thắp sáng cho phong trào nghiên cứu khoa học của nhà trường. Rất nhiều học sinh hồ hởi tham gia phong trào này.

Trong năm 2014, sáng tạo mô hình băng tải đa năng của Nguyễn Văn Hoan đã giành Huy chương vàng triển lãm sáng tạo khoa học công nghệ trẻ châu Á năm 2014, được tổ chức tại Malaysia. Đây là niềm khích lệ rất lớn dành cho thầy và trò Trường THPT Lạng Giang 2.

Ý tưởng nghiên cứu ngày càng lớn dần

Nếu như năm 2013, Nguyễn Văn Hoan nghiên cứu đề tài đề tài “Băng tải tự xúc” xuất phát từ thực tế em nhìn thấy bố mẹ phải vất vả đi làm thuê xúc cát đầy lên xe ô tô mất rất nhiều thời gian mà hiệu quả không cao, thì năm 2015, lý do xây dựng ý tưởng của Hoan đã trưởng thành hơn rất nhiều.

“Em sinh ra và lớn lên ở một vùng trung du, hay nói chính xác hơn là một bán sơn địa, vừa có rừng nói, lại lắm ao hồ, sông suối. Do đó, việc xảy ra hỏa hoạn hay đuối nước là một vấn nạn xảy ra thường xuyên và phổ biến. Song mỗi khi xảy ta những tai nạn nói trên, việc cứu chữa rất khó khăn, vì địa hình hiểm trở, bị chia cắt, một phần do không có phương tiện. Chính vì vậy, nhiều hậu quả, kể cả về người lẫn của cải đáng tiếc đã xảy ta, gây mất mát, đau thương” - Nguyễn Văn Hoan chia sẻ về việc hình thành nghiên cứu dự án “Rô - bốt cứu hộ đa năng”

Đề tài của Nguyễn Văn Hóa được nhiều người đến tham quan và đánh giá cao về mặt ý tưởng.

Đề tài của Nguyễn Văn Hoan được nhiều người đến tham quan và đánh giá cao về mặt ý tưởng.

Cũng theo Hoan, cuộc sống luôn luôn ẩn chứa nhiều khả năng xảy ra tai nạn, nhất là khí hậu biến đổi không ngừng, nhiều thiên tai. Khi kinh tế phát triển, đô thị hóa ngày càng nhanh, những phương tiện hiện đại được sử dụng như con dao hai lưỡi, nhất là những phương tiện dễ gây cháy nổ như điện, gas... Trong khi đó, ở một vùng trung du, trình độ phát triển còn hạn chế như quê của Hoan, việc ứng biến, tổ chức cứu nạn còn quá thụ động, chứ chưa nói là phương tiện cứu hộ, cứu nạn phù hợp, hiện đại, có hiệu quả cao.

“Việc em nghiên cứu đề tài sáng tạo “Rô - bốt cứu hộ đa năng” để góp phần tạo ra phương tiện cứu hộ hiệu quả, phù hơp với địa hình, kinh tế, đặc điểm kiến thức ở địa phương, hạn chế được thiệt hại, rủi ro do thiên tai, hỏa hoạn. Mặc khác nó còn góp phần thức tỉnh ý thức phòng chống cứu hộ, cứu nạn, tạo cơ sở cho những sản phẩm nghiên cứu khác, tạo ra cuộc sống an toàn, hạnh phúc cho người dân nơi đây” - Nguyễn Văn Hoan mạnh dạn bày tỏ.


Theo tìm hiểu, mô hình “Rô - bốt cứu hộ đa năng” của Nguyễn Văn Hoan có thể di chuyển được trên cả hai địa hình là trên mặt gồ ghề và trên mặt nước; Cánh tay được thiết kế tốt hơn, có thể gắp và cứu hỏa linh hoạt, với tốc độ nhanh hơn, có khả năng xoay theo nhiều hướng; Rô bốt được gắn hệ thống camera, micro không dây để quan sát hình ảnh và theo dõi âm thanh truyền về trung tâm điều khiển...

Học hỏi được nhiều kiến thức từ việc nghiên cứu

Nói về việc nghiên cứu giúp ích được gì trong công tác học tập, Nguyễn Văn Hoan tươi cười cho biết: "Mô hình này sẽ là cơ sở đầu tiên để em và các bạn học sinh tiếp cận với những nguyên lý tự hóa cơ bản, ứng dụng công nghệ thông tin trong sáng tạo.

Đặc biệt việc sáng tạo này còn là phương pháp học tập tốt, kết nối giữa học với hành, lý thuyết với sáng tạo, để học sinh chúng em có thể nắm bắt tốt hơn giữa những kiến thức của môn học trong mối quan hệ tương tác liên môn, nhất là vật lý và công nghệ. Ngoài ra, quá trình thực hiện còn rèn cho chúng em tư duy khoa học, nắm bắt những nguyên tắc vận hành máy móc, tích lũy và trang bị hành trang tri thức và ý thức thiết yếu nhất cho việc học tập lên và lớn hơn nữa, có thể là những sản phẩm sáng tạo khác sau này của em".

“Cuộc thi này và cụ thể là sản phẩm này của em chính là một cách rất tốt để học sinh được làm quen với khoa học, hiểu biết và có nhiều tri thức, thậm chí là hệ thống về khoa học” - Hoan tâm sự.

Việc nghiên cứu khoa học giúp Nguyễn Văn Hoan học hỏi được nhiều điều.

Việc nghiên cứu khoa học giúp em Nguyễn Văn Hoan học hỏi được nhiều điều.

Hoan cũng thẳng thắn nhìn nhận: Đề tài của em do hạn chế về kiến thức, hiểu biết, trình độ kỹ thuật cũng là nguồn lực vật liệu, kinh tế, chỉ dừng lại ở mức ban đầu; sáng tạo ra một rô bốt cứu hộ đa năng hoạt động được. Sản phẩm được đem ra ở dưới dạng mô hình với những tiêu chí kỹ thuật cụ thể, đã qua thử nghiệm. Tuy nhiên, từ một mô hình sản phẩm cụ thể, công trình nghiên cứu này có khả năng tạo những sản phẩm ứng dụng hiệu quả từ nguyên lý hoạt động chung.

Bên cạnh đó, phạm vi tri thức sử dụng chủ yếu là những kiến thức vật lý về tự động, chuyển động học qua sách vở nhà trường, qua mạng internet và các nguồn khác. Vì là đề tài ứng dụng nên em chủ yếu thực hành, thực nghiệm, tự tìm tòi lắp ráp từ các vật liệu là đỗ cũ, đồ phế thải, tái chế.

Theo thông tin từ Ban tổ chức cuộc thi, đề tài của em Nguyễn Văn Hoan được lựa chọn đưa vào chấm thi vòng chung cuộc. Kết quả cuộc thi sẽ được công bố vào ngày mai 10/3.

Nguyễn Hùng

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!