Bằng cấp như nhau: Cần lộ trình chuyển đổi

Nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về quy định mới được thông qua quanh việc công nhận giá trị bằng chính quy, tại chức tương đương nhau.

Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Trong đó, một trong những vấn đề được đưa vào luật này là việc cấp văn bằng, chứng chỉ ĐH vẫn đang khiến nhiều người băn khoăn.

Khác chuẩn thì khó thể chung bằng

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH chỉ quy định văn bằng giáo dục ĐH thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, gồm: bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. Quy định này được hiểu là bằng chính quy với bằng tại chức, bằng từ xa, bằng liên thông, văn bằng 2 là tương đương.

Như vậy, sự phân biệt về bằng cấp giữa các hình thức đào tạo đã không còn. Trong thực tế, nhiều ý kiến vẫn lo lắng, hoài nghi về việc tuyển sinh, đào tạo và chuẩn "đầu ra" giữa những người học ở các loại hình đào tạo văn bằng.

Theo ThS Trương Tiến Sĩ, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, trước hết, cần nói rõ là trên thế giới, các trường ĐH chỉ có một chương trình đào tạo, một chuẩn đầu ra cho một bậc đào tạo. Sinh viên, học viên tích lũy đủ tín chỉ của chương trình thì được cấp bằng. Dù học theo loại hình đào tạo nào (liên thông, văn bằng 2, trực tiếp hay trực tuyến, từ xa...) thì cũng phải theo một chuẩn chung và vì vậy, bằng cấp chỉ có một loại.


Học sinh tìm hiểu các hệ đào tạo của một trường đại học. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Học sinh tìm hiểu các hệ đào tạo của một trường đại học. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Ở Việt Nam, do vấn đề lịch sử để lại, bên cạnh cái giống với quốc tế là nhiều loại hình đào tạo như đã nói ở trên, ta còn cho phép tồn tại 2 hệ đào tạo khác nhau: chính quy và không chính quy. Không chính quy ở đây được hiểu là "tại chức" hay "vừa làm vừa học".

"Người đã đi làm và đi học thì có kinh nghiệm thực tế nhưng bị hạn chế về trình độ, khả năng tiếp thu và quỹ thời gian cho việc học. Vì vậy, nếu áp chuẩn chương trình chính quy cho đối tượng này thì khả năng hoàn thành chương trình gần như bằng 0. Vì vậy, phần lớn các trường buộc xây dựng chương trình đào tạo riêng cho hệ này và đương nhiên chuẩn thấp hơn so với chương trình đào tạo chính quy" - ThS Trương Tiến Sĩ phân tích.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho biết hệ thống giáo dục ĐH nước ta có nhiều hệ đào tạo, từ chính quy đến tại chức, văn bằng 2, liên thông, từ xa. Mỗi hệ đào tạo được mở ra, người học hoàn thành đều có tên bằng chung là bằng ĐH nhưng giá trị khác nhau. Điều này lý giải tại sao bằng ĐH lại ghi rõ cử nhân ĐH hệ chính quy, liên thông, từ xa… mà không phải chỉ đơn thuần là cử nhân ĐH.

Xét về đầu vào thì sinh viên hệ tại chức không bằng hệ chính quy do họ thường đã rớt ĐH. Xét về khối lượng của chương trình đào tạo thì hệ tại chức chỉ bằng 75% hệ chính quy. Xét về chất lượng thì hệ tại chức nói chung kém xa hệ chính quy.

Ông Tống nêu thực tế: "Có một sự thỏa thuận "ngầm" hầu như phổ biến về việc hạ bớt khối lượng, chất lượng dạy và học của cả phía người dạy cũng như người học của hệ ĐH tại chức. Việc thi cử của các môn học hệ tại chức cũng không nghiêm túc bằng hệ chính quy. Từ sự khác nhau đó, nếu xếp bằng ĐH chính quy có giá trị như bằng tại chức, văn bằng 2, liên thông, từ xa là thiếu cơ sở. Nói cách khác, việc này là thiếu thực tế".

Hãy để các trường tự quyết

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng sở dĩ sinh viên hệ không chính quy không đạt chất lượng như sinh viên chính quy là do đầu vào không cạnh tranh, động lực học không lớn, tiêu chuẩn đầu ra không chặt chẽ bằng.

"Theo lộ trình, 1-2 năm nữa, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM sẽ ngưng đào tạo hệ tại chức. Việc không phân biệt bằng cấp giữa các hình thức đào tạo cũng giống như bán một món hàng như nhau nhưng một món là đồ dỏm, một món đồ thật, đến khi bán đồ thật thì người ta lại không tin" - ông Dũng so sánh.

Theo ông Dũng, thị trường lao động sẽ quyết định tất cả. "Những trường không có tầm nhìn xa, chỉ thấy lợi nhuận trước mắt mà dễ dãi trong việc tuyển sinh, đào tạo, đầu ra của hệ ngoài chính quy sẽ bị trả giá bằng chính uy tín của mình" - ông Dũng nhận xét.

Dù đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo giữa hình thức chính quy và tại chức là như nhau nên giá trị bằng cấp cũng tương tự nhưng nhiều người vẫn băn khoăn về điều này. Theo ông Dũng, không phủ nhận vai trò của hệ tại chức trong thời gian qua - tạo điều kiện cho những người muốn học cả đời. Tuy nhiên, sứ mệnh của nó đã qua và cần được thay đổi mới mong được sự đón nhận của xã hội.

PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho rằng văn bằng là do cơ sở đào tạo cấp và họ là người tự quyết định giá trị của nó, thị trường sẽ đánh giá chất lượng. "Có trường dù đào tạo theo hệ nào cũng bảo đảm chất lượng. Còn có trường thì ngay cả hệ chính quy cũng chưa tạo được lòng tin" - ông Ngoạn nói.

Theo ThS Trương Tiến Sĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên ban hành một quy chế đào tạo thống nhất, tiến tới xóa bỏ luôn hệ chính quy và hệ không chính quy. Khi đó, chỉ gọi là bằng ĐH với chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra duy nhất. Đối tượng chiêu sinh là ai, tổ chức dạy học như thế nào (ngày, đêm, cuối tuần, offline, online trực tuyến...) là do mỗi trường tự quyết.

Không thể phiên ngang ngay

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho rằng việc Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH quy định không phân biệt giá trị văn bằng thể hiện yêu cầu nâng chất lượng các loại hình đào tạo khác phải đạt các tiêu chuẩn đào tạo như loại hình chính quy toàn thời gian. Tuy nhiên cần có những quy định và lộ trình chuyển đổi cụ thể, chứ không thể đương nhiên phiên ngang tương đương ngay.

Theo TS Nghĩa, muốn đạt được độ tương đương về chất lượng của các loại hình đào tạo thì cần có sự thống nhất về thời gian, thời lượng đào tạo và nội dung chương trình đào tạo.

Theo Lê Thoa - Huy Lân

Người Lao Động