Bàn về kinh nghiệm xử lý khủng hoảng giáo dục
(Dân trí) - Với liên tiếp những sự vụ không hay diễn ra trong thời gian qua, cộng thêm số lượng học sinh đi du học ngày càng tăng khiến nhiều người cho rằng giáo dục Việt Nam đang trên bờ vực khủng hoảng. Tuy nhiên nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng không nên quá bi quan và nên có giải pháp xử lý.
Hội thảo "Giáo dục Việt Nam và kinh nghiệm xử lý khủng hoảng giáo dục tại Hoa Kỳ" do Hội Hữu nghị Việt Mỹ tổ chức tại TPHCM ngày 21/11 vừa qua đón nhận nhiều tranh luận của các khách mời là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục. Đã có những băn khoăn rằng giáo dục Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu của sự khủng hoảng như những vụ việc gian lận thi cử, sinh viên ra trường thất nghiệp….
Du học nhiều không phải là “tị nạn giáo dục”
Tại hội thảo, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright chia sẻ rằng dù có nhiều ý kiến cho rằng giáo dục chúng ta đang gặp rất nhiều vấn đề nghiêm trọng nhưng ông đã nêu lên nhưng số liệu nghiên cứu phản bác.
Theo TS Du, khi tìm trên Google sẽ có gần 600 triệu bài báo nhắc đến “khủng hoảng giáo dục” nói chung trên thế giới. Nhưng tách ra từng quốc gia thì ở Hoa Kỳ thì có 500 triệu kết quả, ở Nhật Bản thì 162 triệu, ở Anh có gần 300 triệu, ở Việt Nam là 9,2 triệu.
“Như vậy, cứ tìm khái niệm “khủng hoảng giáo dục” ở bất kỳ nước nào trên thế giới, nhất là các nước phát triển trên thì có đến trên 100 triệu kết quả liên quan. Điều đó cho thấy thế giới cũng luôn luôn gặp khủng hoảng giáo dục. Nhưng nếu nhìn vào Việt Nam thì thấy rằng tình hình không đến nỗi nghiêm trọng. Thời gian này hàng loạt vấn đề như gian lận thi cử kỳ thi THPT, tình trạng thất nghiệp… nhưng nhìn vào số liệu thì kết quả không đến nỗi bi đát”, ông Du nói.
Ngoài ra, thời gian gần đây nhiều người cho rằng giáo dục Việt Nam đang “tị nạn”, nhưng theo ông Du, số liệu nghiên cứu lại cho ra kết quả ngược lại. Cụ thể, theo số năm đến trường bình quân so với thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam đứng trên đường trung bình của thế giới; số năm đến trường kỳ vọng thì chúng ta vẫn tốt hơn trung bình so với thế giới. Ngoài ra, số liệu dựa trên chỉ số phát triển con người do HDI của Liên hiệp quốc công bố thì tỷ lệ vào ĐH ở độ tuổi của nước ta dưới đường trung bình.
Trong 20 quốc gia có số lượng du học sinh đông nhất thì Việt Nam đứng thứ 9. Con số này nói lên điều gì? “Nhìn vào những nước, lãnh thổ phát triển như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kong… thì số du học sinh của họ đông hơn hẳn những quốc gia kém phát triển hơn như Thái Lan, Indonesia. Chúng ta ở nhóm đi du học đông, có nghĩa là tốt cho sự phát triển của quốc gia chứ không phải tị nạn giáo dục”, ông Du nói.
Minh chứng thêm, ông Du đưa ra những con số khác như: “Đa số những nơi du học sinh đến là những nước phát triển. Ở Việt Nam dù trường tốt mấy đi nữa thì chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ, trong khi đó muốn phát triển theo con số của Hàn Quốc thì phải nửa triệu người Việt Nam đi du học thì mới tạo ra sự phát triển”. Với quan điểm của mình, TS Du cho rằng đây là tín hiệu tích cực chứ không phải là tị nạn giáo dục.
Trong khi đó, ở chuyện chi ngân sách cho giáo dục thì Việt Nam cũng ở nhóm rất cao, có nghĩa nhà nước cực kỳ quan tâm đến lĩnh vực này và chi rất nhiều cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có môi trường giáo dục đa dạng. “Gia đình thu nhập thấp thì cho con học trường công, với gia đình điều kiện tốt hơn có thể cho con vào học trường có học phí nửa tỷ đồng/năm, từ bậc tiểu học đến ĐH. Như vậy chúng ta có rất nhiều lựa chọn, vậy thì khủng hoảng ở đâu?”, ông Du đặt câu hỏi.
Ngoài ra, dựa vào chỉ số phát triển vốn con người của Ngân hàng Thế giới mới xếp hạng, trong các nước châu Á thì Việt Nam tương đương với Trung Quốc và chỉ thua các nước phát triển, đồng thời cao hơn tất cả các nước còn lại trong khu vực. Còn theo chỉ số xếp hạng đổi mới sáng tạo của WIPO (Tổ chức về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Thế giới), chúng ta đứng thứ 45, gần bằng Thái Lan trong số 200 quốc gia. Những quốc gia có tiến triển liên tục trong nhiều năm từ 2010-2018, Việt Nam đứng hàng thứ 2. Điều đó cho thấy trong 8 năm qua, nước ta luôn luôn tiến triển về chỉ số đổi mới sáng tạo.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du đặt vấn đề, “nhìn thông tin trên truyền thông có vẻ giáo dục Việt Nam khủng hoảng đến nơi rồi, nhưng những con số tôi đưa ra lại cho thấy chúng ta đang nằm trong nhóm cực tốt. Giáo dục chúng ta có rất nhiều vấn đề nhưng tôi tin rằng vẫn có nhiều điều tốt hơn”.
Ngành giáo dục phải tự thân thay đổi
Là khách mời của hội thảo này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng cục biên Chương trình giáo dục phổ thông mới chia sẻ rằng là chuyên gia hoạch định chính sách cho giáo dục Việt Nam, điều làm ông trăn trở, đó là “trên đe, dưới búa”, đủ các văn bản của tất cả các cấp… và dư luận xã hội không thuận. Xác suất kêu ca về giáo dục cao hơn so với thực tế. Dù giáo dục cũng có hạn chế khuyết điểm, nhưng việc thổi phồng và định kiến giáo dục cũng là điều ông cảm thấy khó khăn nhất cho các nhà hoạch định chính sách.
“Tham vọng của người dân ta, nhà nước đối với giáo dục rất lớn, nhưng điều kiện cơ sơ vật chất lại cực kỳ hạn chế mặc khác lại muốn giữ những ưu việt khác như miễn học phí… Luôn luôn có những mâu thuẫn giằng co giữa điều muốn làm với hiện thực”, ông Thuyết nói.
Còn ông Nguyễn Hoài Chương, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM thì cảm thấy băn khoăn, bức xúc đó là những vấn đề liên quan giáo dục trong thời gian gần đây. “Tôi nhìn ở góc độ xã hội nhiều hơn dù là người trong ngành. Tôi có cảm giác giờ đây có một sự khủng hoảng lòng tin, nhưng có cảm giác ngành giáo dục mình làm như “đẽo cày giữa đường”. Có những vấn đề thì xã hội phải quyết định. Xã hội mất lòng tin nên tất cả điều gì đưa ra thì người ta phủ định hết, rồi đúng sai tính sau”, nguyên phó giám đốc Sở GD TPHCM nói.
Trước tình trạng này, ông Chương cho rằng “cách xử lý vấn đề, tôi cho rằng giải pháp cũng cần tính lại. Ngành giáo dục cũng phải tự thân phải thay đổi, phải thích ứng theo với những thay đổi và dự báo được sự thay đổi”.
Chia sẻ về niềm tin giáo dục, Tiến sĩ Trần Ngọc Châu, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Mỹ, cho rằng: “Khi có dấu hiệu khủng hoảng, chính phủ phải có một điều tra xã hội học nghiệm túc và phải công khai tất cả dữ liệu dù có tệ hại đến đâu. Nhiều quốc gia đã tham khảo bài học cải tổ giáo dục theo mô hình giáo dục Hoa Kỳ trong việc tổ chức các hội nghị thượng đỉnh về giáo dục, lôi kéo sự chú ý của mọi giới, mọi ngành trong xã hội”.
Lê Phương