Băn khoăn vì nhiều đứa trẻ không có chỗ trong sách giáo khoa mới?
(Dân trí) - Với những khuôn mẫu và còn cả định kiến, sách giáo khoa mới có thể vẫn chưa có chỗ cho gia đình mẹ, bố đơn thân hay trẻ em trai thích chơi búp bê...
ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh, Trường phát triển tài năng và tính cách John Robert Power, nguyên chuyên viên Sở GD&ĐT TPHCM kể, trước đây, một người bạn gọi cho bà bày tỏ Sách giáo khoa lớp 1 mới Bộ Chân Trời Sáng tạo không có chỗ cho con bạn.
Mới đây, xem sách Chân trời Sáng tạo lớp 2, người bạn bức xúc nhắc lại điều này và thêm: Cả gia đình bạn cũng không có chỗ trong bộ sách.
Con trai người bạn 5 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1, cháu thích vẽ, thích chơi búp bê và bạn là single mom.
ThS Thụy Anh đã tìm đọc trọn bộ sách lớp 1 và mới đây là sách tiếng Việt lớp 2 khi biết các tác giả bộ sách này đang mời gọi mọi người góp ý.
Đọc xong, bà đã hiểu vì sao bộ sách không có chỗ cho con trai của bạn và gia đình của bạn mình. Và chắc chắn sẽ còn nhiều đứa trẻ, gia đình khác.
Bà lấy ví dụ, trong bộ sách tiếng Việt lớp 2 (tập 1) , trang 12 và 13, hình vẽ minh họa: Trẻ trai là có quả bóng, bạn trai là cầu thủ nhí, thời khóa biểu của cậu bé này sáng tham gia CLB bóng đá, chiều chơi bóng đá và tối xem bóng đá...
Các môn khác của lớp 1, có thể thấy rõ: Hình ảnh bé gái được gắn với hình ảnh búp bê; gấu bông (trừ hình ảnh trang 116 của sách Tự Nhiên Xã Hội 1 có hình ảnh bé gái đá bóng); bé trai gắn với quả bóng, chơi đá bóng; hình ảnh người mẹ gắn với cảnh tết tóc cho con, nấu ăn; đi chợ, chọn rau, củ quả, trái cây. Bà thử tìm hình ảnh bé trai với búp bê nhưng không có.
Thêm nữa là hình ảnh gia đình gồm cha, mẹ, con (một hoặc hai); có khi có thêm ông bà.
Phóng viên Dân trí tìm hiểu qua cuốn Tự nhiên xã hội lớp 1 của bộ sách này, ngay bài đầu tiên về chủ đề Gia đình, ở hai phần Gia đình của em và Sinh hoạt trong gia đình có đến 8 trang, tất cả hình ảnh gia đình đều là bố mẹ, con cái hoặc có thêm ông bà.
Giới hạn quyền tham gia của trẻ?
Cô Nguyễn Thu Minh, một giáo viên và cũng là một phụ huynh tại TPHCM chia sẻ, gia đình cô hiện tại có bố mẹ, con cái chung nhà.
Nhưng cô luôn nói với con, có nhiều mẫu gia đình, có gia đình có mẹ với con, bố với con, hay có gia đình chỉ có một người, có khi họ nuôi thêm chú mèo, chú cún... cũng là một gia đình.
Thứ nhất, để con có cái nhìn đa chiều, cởi mở về cuộc sống, không bị gò bó trong khuôn mẫu nào. Nếu như bố mẹ chia tay, không sống chung cũng không có nghĩa là gia đình tan vỡ, hay oán trách gì nhau.
Thứ hai là qua đó, để dạy con biết tôn trọng người khác khi họ không giống mình.
Cô cũng nói với con trai, con có thể chơi búp bê, còn bạn gái có thể đá banh, bơi lội... Đó là quyền của các con.
Con trẻ hiện nay, khi mới 4 - 5 tuổi nhiều em đã hiểu điều đó. Cô hy vọng điều này sẽ thể hiện trong sách giáo khoa mới nhưng sách vẫn đang đi sau, vẫn chưa thoát được khỏi những khuôn mẫu, định kiến.
ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh cho hay, dù muốn hay không, các nhà soạn sách cần nhận thức thực tế khái niệm gia đình trong xã hội ngày nay đang thay đổi: gia đình gồm bố mẹ và con; gia đình có ông bà và cháu; gia đình có hai bố, gia đình có hai mẹ; gia đình có bố mà không có mẹ ; gia đình có mẹ và không có bố. Chắc chắn " mái ấm gia đình" không chỉ có bố mẹ và con.
Bức tranh gia đình vẽ 3 mẹ con
"SGK luôn là một trong những yếu tố đặt nền móng cho hiểu biết, nhân sinh quan... của cả thế hệ.
Tôi rất biết ơn cô giáo mầm non trường làng dạy con mình, đã khen tranh con đẹp mà không thắc mắc gì khi con vẽ gia đình mình có 3 mẹ con", chị Phạm Hà, một phụ huynh.
Việc "đóng khung" hình ảnh bé gái chơi búp bê, bé trai chơi đá banh theo bà Thụy Anh, kể cả khi chúng ta vô tình giới hạn quyền được tham gia của trẻ bằng những hình ảnh rập khuôn như trên, ta cho trẻ cảm giác bị bỏ lại bởi trẻ không được chấp nhận, không được công nhận, không tìm thấy chỗ để lắp vào trong cái khuôn ta vẽ ra...
"Tự hỏi, có bao nhiêu trẻ không lắp được vào cái khuôn con trái đá bóng, con gái thì búp bê? Có bao nhiêu trẻ không lắp vào được cái khuôn mà ta đặt ra mái ấm gia đình là cha, mẹ và con?", bà băn khoăn.
ThS Thụy Anh bày tỏ, khuôn mẫu định sẵn sẽ hạn chế quyền tham gia của trẻ em. Và chúng ta nghĩ sao về quyền trẻ em, quyền con người, về giới, bình đẳng giới?
"Đây là một vài góp ý ban đầu với các tác giả sách giáo khoa cho trẻ, hy vọng góp ý của mình sẽ được lắng nghe, phản hồi", bà nói.