Bản giao hưởng nhiều chương của Nhà giáo Văn Như Cương

(Dân trí) - Tên tuổi của Nhà giáo Văn Như Cương gắn liền với ngôi trường mang tên Lương Thế Vinh bởi ông là người sáng lập. Sau 25 năm xây dựng và phát triển, nhà giáo Văn Như Cương ví trường Lương Thế Vinh giống như một "khúc dạo đầu" cho một bản "giao hưởng"nhiều chương của ông.

PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh - Hà Nội qua đời rạng sáng ngày 9/10 hưởng thọ 80 tuổi.

Là một người con của quê hương xứ Nghệ, thầy giáo Văn Như Cương sinh năm 1937 tại Làng Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), trong một gia đình nhà nho có truyền thống hiếu học.

Ông từng có thời gian học chương trình nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.

Sau khi bảo vệ thành công luận văn Phó Tiến sỹ ngành Toán học năm 1971, ông đã trực tiếp tham gia giảng dạy tại khoa Toán, trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trường Đại học Sư phạm Vinh (nay là trường Đại học Vinh).

Thầy Văn Như Cương được nhiều người biết tới khi là chủ biên của nhiều đầu sách giáo khoa, sách tham khảo và tham gia biên soạn trong nhiều cuốn giáo trình Đại học.

Sau khi nghỉ hưu, thầy Văn Như Cương là người sáng lập ra trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam từ sau thời kỳ đổi mới, đồng thời đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Lương Thế Vinh từ năm 1989 tới nay.

Dân trí xin giới thiệu bài viết tự sự của cố Nhà giáo Văn Như Cương với ngôi trường mà ông tâm huyết gây dựng và ví như bản Giao hưởng nhiều chương.


Nhà giáo Văn Như Cương

Nhà giáo Văn Như Cương

Năm 1987 tôi vừa tròn 50 tuổi đời và 30 tuổi nghề (dạy học). Tôi có viết bài tự vịnh:

Năm chục như ta cũng khối người,

Hơn nhau chỉ bởi bộ râu thôi.

Cao nhà rộng cửa ơn nhờ Đảng,

Buộc bụng thắt lưng lỗi tại Giời.

Thơ viết dăm bài vui với bạn,

Sách in mươi cuốn góp cho đời.

Tài năng cũng muốn đem thi thố,

Chỉ sợ năm mươi đã lỗi thời !

Hai câu cuối nói lên ý định của tôi ở nửa sau của cuộc đời: thôi, không đua chen làm gì nữa, tài năng không biết có chút gì không, nhưng chắc chắn năm tuổi mươi tuổi đã lỗi thời rồi…

Thế mà không hiểu vì lí do gì, trời xui đất khiến hay sao mà ngay sau đó tôi đã đổi ý. Tôi muốn sửa câu cuối “Chỉ sợ năm mươi đã lỗi thời !” thành ra “Chẳng sợ năm mươi đã lỗi thời”.

Vì “chẳng sợ….lỗi thời” nên tôi quyết định xin mở trường Tư thục mang tên Lương Thế Vinh, nhà toán học đầu tiên của Việt Nam, tác giả cuốn sách “Đại thành Toán pháp”.

Có thể nói rằng trong cả cuộc đời của tôi, đây là quyết định liều lĩnh nhất, táo bạo nhất, phiêu lưu nhất. Hai vợ chồng với đồng lương giáo viên còm cõi, nuôi một con út đi học và một mẹ già, lương tháng nào tiêu hết tháng ấy, không có một xu gửi tiết kiệm…, thế mà dám xin mở trường Tư thục.

Bạn bè khuyên : “ Anh cứ nói cái ý tưởng ấy cho mọi người nghe, đừng có làm, thất bại là chắc chắn …”. Nhưng đã đâm lao thì phải theo lao , đã gửi đơn xin mở trường lên Bộ Giáo Dục rồi, báo chí đã đăng rồi…, không thể rút lui như Việt Nam ta rút lui Asiad 18 được …

Và thật không ngờ, ngày 1-6-1989 trường Lương Thế Vinh được cấp phép hoạt động , và tôi được phong chức Hiệu Trưởng. Hồi ấy kể cũng lạ, thủ tục hết sức đơn giản, chẳng ai đòi hỏi tôi phải đưa trình Đề án hoạt động, chẳng đòi hỏi ông Hiệu trưởng viết lí lịch, kê khai bằng cấp … Chỉ có Ông GĐ Sở Giáo dục và một vài cán bộ xuống hỏi tôi: trường ở đâu, phòng học đâu . . Tôi trả lời rằng các phòng học đều đi thuê ở trường ĐH SP và ĐH Tổng Hợp… và dẫn họ đi xem …Chẳng ai đòi hỏi cho xem hợp đồng thuê và thời hạn được thuê, cũng chẳng ai hỏi phòng thí nghiệm đâu, thư viện đâu, phòng y tế đâu, phòng thể chất đâu , sân chơi cho học sinh đâu ???.

Mọi thủ tục hành chính đều đơn giản và nhanh chóng, chẳng ai hành mình cả . Thế là tôi và những người giúp việc có thời hạn hơn hai tháng để chuẩn bị cho khóa học đầu tiên của trường Lương thế Vinh….

Ngoài cái giấy phép được hoạt động, trường Lương Thế Vinh bắt đầu từ những con số không tròn trĩnh: không tiền vốn, không nhà tài trợ, không cổ đông , không cán bộ, không giáo viên, không học sinh, không bàn ghế , không bảng đen…

Nhưng cũng thật không ngờ, những “con số không” ấy đã đẻ ra một “tài sản” khổng lồ: Đơn xin vào học lên tới 1600, trong đó có 400 đơn vào lớp 10, 200 đơn vào lớp 11, 200 đơn vào lớp 12. Sau kì thi tuyển chọn với 70 phòng thi (đi thuê), năm học đầu tiên của trường có : 10 lớp 10, 5 lớp 11, 5 lớp 12 với tổng sô 800 học sinh. Đấy là những con số mở đầu đẹp “như mơ” và càng ngày càng tăng trưởng …, cho đến bây giờ LTV đã có 3.500 học sinh. Đúng là đối với ngành Giáo dục, không phải có nhiều tiền là có thể làm gì cũng được …

Nhiều lần đọc lại bài thơ tự vịnh lúc 50 tuổi, tôi vẫn thấy băn khoăn và ngượng ngùng vì câu thứ 7 : “Tài năng cũng muốn đem thi thố”, vì thực ra thì mình chẳng có tài năng gì đặc biệt ngoài cái tính nói thẳng , nói thật, rồi …nói ngang.

Tất cả thành công của trường Lương Thế Vinh đều quyết định bởi đội ngũ có chất lượng của thầy cô giáo và sự cố gắng chuyên cần của học sinh, ngoài ra sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh, công luận cũng rất quan trọng. Bởi thế nhân dịp kỉ niệm 10 năm thành lập trường Lương Thế Vinh, tôi đã cho treo vế đối sau đây để khẳng định điều đó :

Mười năm qua, thầy giỏi trò hay, góp cánh hoa thơm cho đất nước

Thập kỉ tới, dân yêu bạn mến, tặng chùm qủa ngọt tới quê hương.

Khúc dạo đầu sẽ tiếp tục được lặp lại

25 năm đã trôi qua …, đó là một quãng đường dài trong cuộc đời tôi. Nhưng 25 năm chỉ là một giai đoạn mở đầu cho danh hiệu Lương Thế Vinh, nó giống như một KHÚC DẠO ĐẦU cho một bản GIAO HƯỞNG nhiều chương. Những chương tiếp theo sẽ được viết bởi nhiều thế hệ thầy cô giáo, nhiều thế hệ học trò…Tôi tin tưởng rằng các giai điệu trong Khúc dạo đầu sẽ được lặp lại và biến tấu vang vọng hơn, đằm thắm hơn trong những chương kế tiếp .

Nhìn lại quãng đường đời đã đi qua, tôi cũng có đôi chút tự hào vì ngôi trường Lương Thế Vinh mà mình sáng lập. Nhưng sẽ không công bằng nếu không nói đến vai trò của người vợ tôi - Hiệu phó của trường, và của ba cô con gái, những trợ thủ đắc lực của vợ chồng chúng tôi.

Với trọng trách là người giữ tay hòm chìa khóa ,vợ tôi đã giúp tôi thực hiện được nguyên tắc về tài chính của trường : ‘thu học phí không cao và giả tiền thầy cô không thấp”. Với sự năng động của mình, các cô con gái đã vừa làm việc vừa học tập và quyết tâm giữ vững thương hiệu Lương Thế Vinh mãi mãi là cánh hoa thơm, chùm quả ngọt….

Cố nhà giáo Văn Như Cương