Bàn ghế không đạt chuẩn, ảnh hưởng đến thể chất học sinh

(Dân trí) - Nhiều học sinh khác khối lớp (cũng đồng nghĩa với việc khác về chiều cao, cân nặng) đang phải sử dụng chung một loại bàn ghế. Đây chính là một điều mà không một nhà khoa học giáo dục, hoặc một chuyên gia y tế học đường nào có thể chấp nhận.

Do thực tế hiện nay không đủ điều kiện về phòng học, bàn ghế để tổ chức việc dạy 2 buổi/ ngày. Mỗi phòng học được sử dụng cho 2 lớp/ ngày, bình quân khoảng 10 bộ bàn ghế phải chia đèu cho 40 hoc sinh ngồi. Cả ngày có 80 em/2 buổi. Các nhà quản lý thường phân khối lớp học cùng buổi để phù hợp về bộ môn, thời khoá biểu, thời lượng các tiết…nên dẫn đến tình trạng này.

 

Theo một kết quả khảo sát tại 215 trường học của chương trình Y tế học đường TPHCM thì 96,3% số bàn ghế học sinh không đạt chuẩn, vì thế gần 35% các em ngồi học, ngồi viết không đúng tư thế dẫn đến các bệnh vẹo lệch cột sống, bệnh cận thị ngày một gia tăng.

 

Nếu lúc nào có dịp đứng ngoài của lớp nhìn vào quang cảnh  ngồi học hẳn sẽ không tránh khỏi sự buồn lòng khi nhìn thấy vài ba em viết chính tả theo cách không ngồi mà cứ… nhón trên mấy đầu ngón chân, vài ba em khác thì cuốn vở xộc xệch trước mặt vì cái bàn cao quá. Bệnh vẹo và lệch côt sống, dáng đi, đứng gù gù bởi những chiếc bàn đã là quá rõ ràng. Có khi nào, những người làm cha làm mẹ đang ngồi làm việc trên những bộ bàn ghế tiện nghi và thoải mái nghĩ đến cảnh vặn vẹo trên bàn học của con em mình?

 

Bàn ghế lệch pha đâu chỉ vì đời sống khó khăn, ngay tại một số địa phương có mức sống cao với các ngôi trường khá khang trang nhưng bàn ghế vẫn có cái cao cái thấp đan xen như là một sự cố tằn tiệm của ngành giáo dục! Còn học sinh ở những vùng đầm phá, núi non chỗ học chật hẹp, bàn ghế tạm bợ chặp vá miễn là có đủ chố ngồi cũng là may mắn lắm rồi.

 

Giáo dục thể chất cho hoc sinh đến nay có nhưng chất lượng toàn diện vẫn thiếu và yếu, một phần do thiếu thốn các điều kiện dạy và học, trong đó bàn ghế cho học sinh là một câu hỏi không biết đến bao giờ mới có lời giải đáp.

 

Mỗi năm học mới, nhiều ngôi trường mới mọc lên như là một trong những tín hiệu khởi sắc của ngành giáo dục. Nhưng có lẽ, chỉ lo cái ăn, cái mặc, sách vở vẫn chưa thể đủ. Xin đừng coi nhẹ, lơ là vấn đề y tế học đường, trong đó “chỗ ngồi” cho học sinh chiếm vị trí quan trọng nhất.

 

 

Châu Minh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm