Ban đại diện phụ huynh: “Chọn vàng gửi mặt”!
(Dân trí) - Hầu hết những thành viên nằm trong Ban đại diện cha mẹ học sinh được nhà trường, giáo viên "chọn vàng gửi mặt", là những người có tiềm lực về tài chính. Thế nên họ rất "mạnh dạn" trong việc đề xuất thu và chi tiền.
Mạnh vì gạo, bạo vì tiền
Chị Nguyễn Thu Trang (tên phụ huynh đã được thay đổi) có con học lớp 6, tại một trường THCS ở quận 1, TPHCM kể, ngay buổi đầu họp phụ huynh đầu năm, của học sinh đầu cấp nhưng mọi thứ đã được "an bài" sẵn. Ban đại diện Cha mẹ học sinh (BĐD CMHS) đã được giáo viên "gửi gắm" từ trước, là những người cực kỳ mạnh về tài chính.
Vô họp, chẳng phải ý kiến hay bàn cãi nhiều, họ thông báo những khoản cần đóng cho con như tiền lắp điều hòa, tiền cơ sở, tiền quỹ hoạt động.... và phụ huynh cứ vậy mà đóng.
"BĐD CMHS là toàn những người cực giàu, họ đưa ra những khoản chung cho mọi người, một vài người không bằng lòng thì cũng rất khó để mà có ý kiến. Chẳng lẽ con mình vào học đây, ai cũng đóng, con mình không đóng", chị than thở.
Câu chuyện được chị Nguyễn Thanh Thúy, Hội trưởng một tổ chức xã hội tại TPHCM kể, đầu năm học khi con chị vào lớp 10, thấy "chức danh" của chị trong hồ sơ phụ huynh, giáo viên đã đề nghị chị vào BĐD CMHS. Biết đang bị "hiểu nhầm" nên nói thẳng với giáo viên, chị chỉ hoạt động xã hội, còn tiền chị... không có thì có phù hợp không. Giáo viên ngờ ngợ rồi... im re, tìm những ngời "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" khác tham gia hội.
Ngay tiêu chí "chọn vàng gửi mặt" lựa chọn BĐD CMHS đã cho thấy mục tiêu của Hội Phụ huynh trong trường học, rất nặng đến vấn đề về thu chi, tiền bạc. Chính điều này, trở thành ám ảnh đối với nhiều phụ huynh, nhất là phụ huynh nghèo với nỗi lo, không biết rồi mấy ông bà trong BĐD sẽ nghĩ ra những cái gì, đề xuất những cái gì. Được gọi là BĐD CMHS nhưng trên thực tế mục tiêu, hoạt động... của ban này lại ít khi đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh.
Một giáo viên tiểu học ở quận Phú Nhuận, TPHCM thừa nhận, hoạt động của BĐD CMHS liên quan rất nhiều đến vấn đề tiền bạc. Nhiều khoản chi tiêu, vận động trong trường học "không tách rời" với Hội phụ huynh, vậy nên khi tìm người vào ban đại diện, ngoại việc "chịu làm" thì không thể thiếu tiêu chí là người có tiềm lực về tài chính.
"Méo mó" Hội Phụ huynh
Hội Phụ huynh liên dễ dàng "can thiệp" quá nhiều nhiều đến các hoạt động trong nhà trường ở khía cạnh tiền bạc, đã làm méo mó ý nghĩa thật sự của Hội phụ huynh. Thế nên, rất nhiều tiêu chí, hoạt động của BĐD theo Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT về điều lệ BĐD CMHS đều bị "ngó lơ".
Theo quy định, các thành viên BĐD CMHS lớp là những người nhiệt tình, có trách nhiệm trong việc phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn, nhà trường và đại diện cho cha mẹ học sinh trong lớp thực hiện các hoạt động giáo dục học sinh.
Về nhiệm vụ của BĐD CMHS, Thông tư nhấn mạnh: Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục HS; Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp CMHS trong năm học; Tham gia giáo dục đạo đức cho HS; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác...
Thế nhưng, những nhiệm vụ này đang bị lu mờ, thay vào đó, BĐD CMHS lại "dốc sức" cho nhiều khoản xây dựng, cơ sở, đầu tư trong trường học; cho nguyện vọng của ban giám hiệu. Như thể, ở đâu cần tiền, ở đó có... hội phụ huynh.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh, nguồn lực xã hội hóa giáo dục rất đa dạng. Mỗi phụ huynh một ngành nghề, một thế mạnh... chính là nguồn lực rất lớn trong xã hội hóa để cùng góp công với nhà trường trong nhiều hoạt động, trải nghiệm chứ xã hội hóa không chỉ là đóng góp về vật chất. Nhưng thực tế, hiện nay các trường chưa quan tâm tốt đến nguồn lực này, thu hút phụ huynh tham gia hỗ trợ vào các hoạt động của con trẻ.
Đầu năm học này, Sở GD-ĐT TPHCM cũng ra văn bản yêu cầu các trường phải đề cập đến các vấn đề của HS nhiều hơn trong buổi họp phụ huynh như tăng cường quản lý giờ giấc học tập, vui chơi và sinh hoạt cá nhân của con em; chú trọng đến việc thay đổi tâm sinh lý của con em để có giải pháp giáo dục cho phù hợp...
Theo bà Nguyễn Thanh Thúy, các trường cần đa dạng hơn hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh như đưa ra những ý tưởng các hoạt động mang tính giáo dục như hoạt động xã hội, đọc sách, chia sẻ... tác động đến con trẻ chứ không chỉ đóng tiền cho nhà trường.
Hoài Nam