Bài Toán “con cừu và ông thuyền trưởng” không phù hợp với học trò lớp 2
(Dân trí) - Bài Toán “con cừu và ông thuyền trưởng” áp dụng cho học sinh lớp 2 dường như không đúng với khả năng tư duy của các em. Và bản thân người ra đề vẫn rớt vào thói quen kết luận “đúng, sai” khi ra một đề bài nâng cao thế này?
Với đề toán "con cừu và thuyền trưởng”, có thể vô tình sẽ tạo cho HS lớp 2 một thói quen khi gặp bài toán nào khó và có vẻ thiếu hợp lý một chút, các em sẽ nói rằng đề đó là đề sai. Khi đó giáo viên sẽ hết sức cực khổ để giải thích và thuyết phục các em rằng đề đó đúng chứ không sai như bài “con cừu và thuyền trưởng”. Muốn hay không, chúng ta đã đã chất thêm một gánh nặng lên vai của các giáo viên tiểu học vốn đã quá căng thẳng với việc dạy và học bình thường.
Việc ra đề toán như vậy là đáp ứng được quan điểm đổi mới giáo dục của Đảng và Nhà nước theo lý giải của nhà giáo Phạm Đình Thực làm tôi băn khoăn rất nhiều. Nếu trước đây việc truyền thụ kiến thức là mục tiêu, là nhiệm vụ chủ yếu thì quan điểm đổi mới giáo dục là nhà trường tập trung vào đổi mới phương pháp, lấy người học làm trung tâm của quá trình giáo dục, người học chủ động chiếm lĩnh những kiến thức căn bản làm công cụ để phát triển năng lực.
Như vậy việc đưa ra một đề toán vô nghĩa để “lừa" các em không thể nói là liên quan đến quan điểm đổi mới giáo dục. Nếu thực muốn đổi mới, tại sao chúng ta không cho các em những bài toán gắn liền với thực tế cuộc sống, đòi hỏi các em sự tư duy linh hoạt nhưng không xa rời thực tế để các em có thể vận dụng những điều mình đã học vào thực tế cuộc sống?
Có thoát được tư duy áp đặt?
Như vậy, đề toán mở nhưng thật ra người ra đề vẫn đang áp đặt tư duy “không giải được” của mình yêu cầu các em lớp 2 phải công nhận. Và người ra đề cũng khẳng định đề toàn sai. Nhưng nếu trường hợp HS trả lời “Thuyền trưởng phải trên 18 tuổi theo luật định của Nhà nước về độ tuổi có quyền điều khiển phương tiện giao thông” hay "Trên 18 tuổi là hợp lý" - nghĩa là đã sai với đáp án - thì liệu lời giải hợp lý này có được chấp nhận hay không?
Theo tôi được biết, bài toàn này chỉ là một ví dụ mang tính đùa vui chứ không phải là bài toán kinh điển. Một ví dụ đùa vui khác hoàn toàn với một bài toán kinh điển. Hơn nữa, đề này thường dùng trong phương pháp sư phạm, dành cho sinh viên trường sư phạm đã có sự trưởng thành nhất định về tư duy chứ không phải dành cho các em HS lớp 2 khi các em bước đầu tập thói quen tư duy.
Có thể tác giả mong muốn tạo ra những đột phá, đổi mới trong việc giảng dạy toán trong trường phổ thông. Tuy nhiên, trước khi dạy cho các em tư duy “nghịch”, theo tôi, cần dạy cho các em nắm vững tư duy thuận. Với lớp 2, việc nắm vững tư duy thuận đã là một vấn đề khó khăn với HS và giáo viên.
Tôi e rằng, với kiểu bài như “con cừu và thuyền trưởng” của nhà giáo ưu tú Phạm Đình Thực, các em HS lớp 2 chúng ta không nắm được cả tư duy thuận lẫn tư duy nghịch mà chỉ đẩy các em vào trạng thái luôn nghi hoặc đề đã cho đúng hay sai. Như vậy thật là lợi bất cập hại.
Đề toán này không có gì sai, chỉ có điều nếu áp dụng đề này cho HS lớp 2 thì dường như không đúng với khả năng tư duy của các em. Và thật ra, bản thân người ra đề trong đáp án của mình vẫn lại rớt vào thói quen kết luận “đúng, sai” khi ra một đề bài nâng cao thế này và vẫn làm khổ học trò.
Thạc sĩ Giáo dục Phạm Phúc Thịnh