Bài thi văn của một người mẹ gửi lính cứu hỏa

Khi đọc câu nghị luận xã hội trong đề thi tốt nghiệp phổ thông vừa qua, tôi cũng đã tự hỏi, với tư cách người mẹ, tôi có khuyến khích con em mình xả thân như em Nguyễn Văn Nam?<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2248/Chay-kinh-hoang-tai-cay-xang-gan-vien-108.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Cháy kinh hoàng tại cây xăng gần viện 108</b></a>

Những người hùng cứu thành phố thoát khỏi thảm kịch trong tích tắc.

Những người hùng cứu thành phố thoát khỏi thảm kịch trong tích tắc.
 

Song khi trực tiếp xem những người lính cứu hỏa (đa phần đều rất trẻ) sẵn sàng hi sinh thân mình dập lửa, tôi hiểu, con em mình cần gì. Và tôi nghĩ, mình cũng nên viết bài văn nghị luận muộn về lòng dũng cảm:

 

Theo tôi, lòng dũng cảm là sẵn sàng chấp nhận rủi ro để làm những việc có ích cho cộng đồng. Lòng dũng cảm là bao lớp người đi trước đã hi sinh thân mình để mang về độc lập tự do cho dân tộc. Lòng dũng cảm là em Nguyễn Văn Nam, bỏ mạng để cứu người...

 

Và lòng dũng cảm là những con người đã lấy thân mình dập lửa trong cuộc chiến với "giặc lửa" cả buổi chiều 3/6 nóng rực.

 

Là người tận mắt chứng kiến vụ việc, tôi biết, trang thiết bị của các em không thật tối tân. Song các em đã chấp nhận mọi thứ để sà vào ngăn không cho téc xăng hay những bình gas phát nổ.

 

Ai đó gọi đấy là dại dột?

 

Nhưng họ nào đủ thời gian để nghĩ ngợi, cân nhắc thiệt hơn trước khi lao vào đám cháy. Với những người trai trẻ ấy, cứu lửa là phản xạ tự nhiên, là bản năng nghề nghiệp. Đó không phải hành động bột phát, càng không phải sự dại dột. Đấy là lòng quả cảm có sẵn trong mỗi con người.

 

Tôi sẽ không thể quên hình ảnh 3 chiến sỹ PCCC đã lao cả trăm mét cùng kéo được bình gas ra khỏi dòng lửa cháy trong tích tắc. Và tôi cùng cả trăm người còn sống cũng nhờ khoảnh khắc quả cảm ấy...

 

Ai đó gọi đấy là nhiệm vụ của lính cứu hỏa buộc phải làm?

 

Song họ có cần phải lao sát đám cháy để xúc cát đổ vào đám lửa để dập tắt thật nhanh khả năng phát nổ (thay vì dùng vòi rồng)? Họ có cần trèo lên cả téc xăng vẫn âm ỉ khả năng phát nổ để vô hiệu hóa kịp thời ngọn lửa?

 

Họ có nhiều lựa chọn, nhưng họ chọn lối hiểm nguy với bản thân và an toàn cho hàng trăm, hàng nghìn người đang ở Viện Trung ương Quân đội 108. Đó là lòng dũng cảm!

 

Hình ảnh ấy, khiến tôi cảm thấy tin yêu hơn vào những người trẻ. Rằng những sự vô cảm, thờ ơ không nằm ở số đông. Và thế hệ "sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình" vẫn có lớp lớp người tiếp lửa.

 

Chưa bao giờ tôi sợ hãi như hôm 3/6, song chưa bao giờ tôi tin yêu cuộc sống đến thế. Bởi cuộc sống tươi đẹp còn được bảo vệ bởi lòng dũng cảm.

 

Và ngay hôm nay, khi nhìn con mình tươi cười bước vào trường tiểu học, tôi tự nhủ rằng bài học tối nay tôi sẽ dạy cháu là:

 

Cuộc sống tốt đẹp không phải đo bằng ngắn hay dài mà là hay hay dở!

 

 

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2013 môn Ngữ văn

 

Câu 2: Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam từ thông tin sau:

 

Chiều ngày 30/4/2013, bên bờ sông Lam, đoạn chảy qua xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12T7, Trường trung học phổ thông Đô Lương 1) nghe tiếng kêu cứu có người đuối nước dưới sông, em liền chạy đến. Thấy một nhóm học sinh đang chới với dưới nước, Nam đã nhảy xuống, lần lượt cứu được ba học sinh lớp 9 và một học sinh lớp 6. Khi đẩy được em thứ năm vào bờ thì Nam đã kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi.

 

 

Theo Lê Thị Thông

Thể Thao&Văn Hóa