Bài thi khoa học tự nhiên: Đỉnh của phổ điểm sẽ ở mức 5,5-6,5 điểm

Nhóm PV

(Dân trí) - Với mức độ đề khoa học tự nhiên, các thí sinh hoàn toàn yên tâm với mục tiêu xét điểm tốt nghiệp, chỉ cần ôn tập và nắm chắc kiến thức sách giáo khoa là có thể đạt được điểm 6-7 một cách dễ dàng.

Bài thi khoa học tự nhiên: Đỉnh của phổ điểm sẽ ở mức 5,5-6,5 điểm - 1

Thí sinh TPHCM cười tươi sau tan thi (Ảnh: Hữu Khoa).

Theo tổ giáo viên khối Tự nhiên - Hệ thống giáo dục HOCMAI, nhìn chung mỗi môn thi thành phần Vật lí, Hóa học và Sinh học vẫn bao gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút và tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ GD-ĐT đã công bố, đảm bảo mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông, có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu xét tuyển đại học.

Đối với môn Vật lí: 90% số câu hỏi trong đề thuộc chương trình lớp 12; 10% số câu hỏi thuộc chương trình lớp 11. Khoảng 70 % số câu hỏi ở mức độ Nhận biết và Thông hiểu; 20% số câu ở mức độ Vận dụng; 10 số câu hỏi thuộc mức độ Vận dụng cao.

Đề thi có 44% (22 câu) số câu hỏi là câu hỏi lí thuyết, 36% (18 câu) số bài tập tính toán. Đề thi không xuất hiện các câu hỏi thuộc dạng bài mới.

Cấu trúc đề thi hoàn toàn tương đồng với đề thi tham khảo mà Bộ GD-ĐT đã công bố ngày 31/3/2022. Đề thi có độ phân hóa tốt ở vùng câu hỏi vận dụng cao phục vụ cho mục tiêu xét tuyển đại học.

Ma trận đề thi như sau:

Bài thi khoa học tự nhiên: Đỉnh của phổ điểm sẽ ở mức 5,5-6,5 điểm - 2

  Đối với môn Hóa học: Đề thi đáp ứng tốt mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp với 75% câu hỏi (30/ 40 câu) thuộc mức độ Nhận biết - Thông hiểu, 25% câu hỏi (chiếm 10/ 40 câu) thuộc mức độ Vận dụng - Vận dụng cao. Các câu thuộc vận dụng - vận dụng cao có 2 câu lớp 11, còn lại thuộc chương trình lớp 12 với độ khó tương đương đề thi Tốt nghiệp THPT năm 2021 và và đề tham khảo tốt nghiệp THPT năm 2022.

Đề chỉ có 4 câu hỏi thuộc mức độ Vận dụng cao (cực khó) chiếm 10% tổng số câu hỏi trong đề thi và không xuất hiện câu hỏi về peptit như đề thi các năm trước. Các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao đáp ứng mục tiêu phân loại để tuyển sinh đại học.

Ma trận đề thi như sau:

Bài thi khoa học tự nhiên: Đỉnh của phổ điểm sẽ ở mức 5,5-6,5 điểm - 3

 Đối với môn Sinh học: Đề thi tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ GD-ĐT đã công bố qua Đề thi tham khảo ngày 31/3/2022. Đề phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp, có độ phân hóa vừa phải để xét tuyển Đại học. Đề đổi mới theo hướng đánh giá năng lực, ít yếu tố toán, tăng bản chất sinh, thí sinh cần kĩ năng đọc hình và bảng biểu, sơ đồ, nhưng đề không quá khó; số lượng điểm 10 khả năng sẽ không ít.

Ma trận đề thi như sau

Bài thi khoa học tự nhiên: Đỉnh của phổ điểm sẽ ở mức 5,5-6,5 điểm - 4

 Về độ khó: 60% câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, phù hợp với mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp. Chỉ có 40% câu hỏi dùng để phân hóa trong đó khoảng 10% câu hỏi là vận dụng cao.

Có 4 câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 nằm trong chương I - Chuyển hóa vật chất và năng lượng, câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, 90% số câu hỏi nằm trong chương trình lớp 12, phân bố gồm 9 câu Cơ chế di truyền và biến dị, 9 câu Quy luật di truyền, 1 câu di truyền người, 2 câu di truyền học ứng dụng, 3 câu di truyền quần thể, 4 câu Tiến hóa và 8 câu Sinh thái.

Các câu khó nhất của đề thi vẫn năm trong phần quy luật di truyền và di truyền quần thể. Không có câu phả hệ ở mức vận dụng cao như truyền thống các năm qua.

Các câu hỏi được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, giống như hầu hết các đề môn Sinh trong những năm gần đây và đề tham khảo mà Bộ GD-ĐT đã công bố. Ở 10 câu cuối cùng của đề các câu hỏi sắp xếp không theo thứ tự mà ngẫu nhiên do phần mềm trộn đề. Điều này giúp hạn chế các thí sinh lựa chọn ngẫu nhiên đáp án cho 4 câu vận dụng cao mà trước đây thường nằm ở cuối cùng.

Nhìn chung, với mức độ đề như hiện tại, các thí sinh hoàn toàn yên tâm với mục tiêu xét điểm tốt nghiệp, chỉ cần ôn tập và nắm chắc kiến thức sách giáo khoa là có thể đạt được điểm 6-7 một cách dễ dàng.

Do vậy, đỉnh của phổ điểm có thể ở giá trị 5,5-6,5 điểm. Có sự giảm của việc lồng ghép toán vào câu hỏi, tăng tỉ lệ dạng câu hỏi đánh giá năng lực đặc biệt là các năng lực đọc, phân tích hình ảnh, đồ thị và bảng biểu để khai thác dữ liệu từ đó làm nguyên liệu cho việc trả lời câu hỏi.

Môn Hóa: Có nhiều kiểu câu hỏi lạ, dài và khó

Thầy Phạm Thanh Tùng, giáo viên tại Tuyensinh247 cho biết, đề Hóa năm nay có mức độ phân hóa tốt với học sinh khá giỏi và học sinh có học lực trung bình. Đủ để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học.

+ Về phổ điểm: Phổ điểm chủ yếu của đề thi chủ yếu tập trung ở mức độ 6,0 - 6,5

+ Về nội dung: Đề thi chủ yếu vào chương trình lớp 12 và có một số câu hỏi ở chương trình lớp 11. Đề thi không cho vào chương trình giảm tải.

Môn Vật Lí: Phổ điểm trung bình từ 5-7

Theo thầy Phạm Quốc Toản, giáo viên Vật Lí tại Hà Nội, đề thi Lí năm nay dễ thở với học sinh có mục tiêu tốt nghiệp (dễ kiếm điểm 5), phân loại tốt với học sinh dùng môn này để xét tuyển Đại học (10 câu cuối).

+ Về cấu trúc: 40 câu hỏi sắp xếp từ dễ đến khó, chủ yếu nội dung kiến thức lớp 12 THPT (90% - 36 câu hỏi) và một phần nhỏ kiến thức lớp 11 (10% - 4 câu).

+ Về phổ điểm: Phổ điểm chủ yếu từ 5 - 7; ít điểm  9 - 9,5; rất ít điểm 10 tuyệt đối.

Bài thi khoa học tự nhiên: Đỉnh của phổ điểm sẽ ở mức 5,5-6,5 điểm - 5

Đề Vật Lí năm nay khoảng 70% cơ bản và 30% mang tính phân loại (Ảnh: Mạnh Quân).

 Môn Sinh: Dễ dàng đạt 6-7 điểm

Theo thầy Nguyễn Đức Hải, giáo viên tại hệ thống Tuyensinh247 cho biết: 

Cấu trúc: Sinh 11: 4 câu; Sinh 12: 36 câu.

Mức điểm dễ đạt được khoảng 6 - 7 điểm.

Đề hoàn toàn phù hợp với mục tiêu thi tốt nghiệp THPT năm 2022, trong đó cấu trúc đề có sự thay đổi, tăng số câu phần sinh thái học.