Giáo dục đại học Mỹ:

Bài học Thế giới phẳng cho sinh viên thế giới thực

(Dân trí) - Các trường đại học Mỹ đang đặc biệt chú ý đến việc chuẩn bị cho sinh viên nghề nghiệp phù hợp trong nền kinh tế toàn cầu.

Trường Đại học Portland State đang mang đến cho sinh viên của trường nhiều hy vọng. Sinh viên sẽ học cách làm việc sao cho đạt kết quả tốt nhất trong môi trường đa ngôn ngữ và đa văn hoá. Họ sẽ hiểu hơn thế giới bên ngoài biên giới nước Mỹ. Họ sẽ tự tin khi làm việc với các cá nhân và tổ chức nước ngoài.

 

Hầu hết các trường đại học ngày nay đều cảm thấy áp lực và yêu cầu phải chuẩn bị cho sinh viên tốt nghiệp của trường những kỹ năng cần thiết như hiểu rõ văn hoá, hệ thống kinh tế và chính trị của các nước để thành công trong một thế giới có mức độ quốc tế ngày một cao.

 

Về truyền thống, giáo dục đại học của Mỹ sử dụng chương trình học ở nước ngoài để trang bhi cho sinh viên những kiến thức quốc tế, nhưng các học viện bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến những gì họ dạy sinh viên trong trường và nhận thấy họ đang tụt hậu.

 

Người sử dụng lao động đồng ý với nhận xét này. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Mỹ, hơn 60% người sử dụng lao động cho biết sinh viên tốt nghiệp thời gian gần đây thiếu các kỹ năng cần thiết để thành công trong nền kinh tế toàn cầu.

 

Năm ngoái, Ủy ban Phát triển Kinh tế - tổ chức phi lợi nhuận của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và học viện - nêu rõ, nhu cầu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng quốc tế đang vượt xa nguồn cung cấp.

 

Để giải quyết tình trạng này, nhiều trường đại học và cao đẳng, kể cả trường Portland State, đang đưa ra thiết lập điều kiện giáo dục quốc tế hoặc cố gắng đưa kiến thức toàn cầu vào các môn học có phạm vi hẹp, như khoa công trình và một số môn khoa học. Họ cũng đang sử dụng công nghệ để kết nối với các lớp học ở nước ngoài và thử nghiệm nhiều phương pháp cải tiến nhằm thu hút sự tham gia của sinh viên và giáo sư quốc tế. Ngoài ra, các trường đại học cũng đang hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức cộng đồng trong nước có nhiều lĩnh vực hoạt động quốc tế để giúp sinh viên có cơ hội học tập kiến thức và kinh nghiệm thực tế về những vấn đề quốc tế.

 

Quốc tế hoá kinh nghiệm đại học là thách thức lớn đối với bất kỳ học viện nào, nhưng nó đặc biệt khó khăn với một nơi như Portland State - một trường đại học nơi nhiều sinh viên đang phải vật lộn để kiếm đủ tiền sống và nhà trường phải sử dụng nguồn lực của mình một cách có chiến lược.

 

Sinh viên ngày càng quan tâm ít hơn đến tua du lịch sang Italy hoặc trở thành sinh viên chuyên nghiên cứu những vấn đề toàn cầu. Thay vào đó họ tập trung học các kỹ năng cần thiết để bắt đầu một công việc ổn định trong nền kinh tế khu vực - một nền kinh tế ngày càng mang tính quốc tế: Gần 1/5 nghề ở bang Oregon có quan hệ với thương mại và dịch vụ toàn cầu.

 

Các doanh nghiệp địa phương cũng đang chú trọng đến việc tuyển dụng sinh viên có kiến thức về các vấn đề toàn cầu. Douglas M. Fieldhouse, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Công ty Vesta - công ty thanh toán điện tử trụ sở tại Portland - cho biết, trong công ty đa quốc gia của ông, những hiểu lầm về văn hoá đôi khi làm trì hoãn các thoả thuận hoặc gây ra những căng thẳng giữa những người công nhân làm việc cùng nhau nhưng xuất thân từ các nền văn hoá khác nhau.

 

Nếu có 2 người nộp đơn xin việc với mọi điều kiện tương tự nhau, công ty sẽ chọn người có kỹ năng quốc tế.

 

Trường Portland State đang thảo luận công khai chủ đề quốc tế hoá. Hiệu trưởng trường Portland State, Roy ông Koch gần đây đã chỉ định hàng chục giảng viên, sinh viên và nhà quản lý vào một Ủy ban Quốc tế hoá mới thành lập. Ủy ban này sẽ đưa ra những cách thức cụ thể nhằm bổ sung kỹ năng toàn cầu vào chương trình học của sinh viên.

 

Các quan chức trường Portland State đang làm việc cật lực nhằm xác định những kỹ năng cần thiết mà một sinh viên toàn cầu cần có. Mặc dù họ đồng ý về nguyên tắc nhưng việc xác định các kỹ năng cụ thể mà sinh viên nên có và phương thức “đo” các kỹ năng này như thế nào thực sự còn nhiều khó khăn.

 

Quốc tế hoá phải là nội dung cần có trong tất cả các môn học và mục tiêu hướng đến của các khoa trong trường. Sinh viên cần biết toàn cầu hoá ảnh hưởng thế nào đến lĩnh vực học tập của họ. Và giảng viên các khoa không nên coi việc giảng dạy vấn đề quốc tế là nhiệm vụ của khoa ngoại ngữ hoặc nghiên cứu quốc tế.

 

Dunca A. Carter, phó trưởng khoa trường Đại học Nghệ thuật và Khoa học Tự do và là thành viên của Ủy ban Quốc tế hoá, cho biết, “Luôn có xu hướng cho rằng vấn đề toàn cầu hoá sẽ được một tổ chức nào đó ở đâu đó quan tâm. Nhưng thực tế không phải như vậy.”

 

Các Ủy ban Quốc tế hoá không chỉ có ở trường Portland State mà còn có ở trường Appalachian State và Priceton. Trường đại học Illinois ở Urbana-Champaign gần đây đã thành lập hội đồng đánh giá trọng tâm và chương trình giáo dục quốc tế của trường.

 

Tại một số trường, sinh viên là những người lên tiếng mạnh mẽ nhất yêu cầu nhà trường đưa ra những thay đổi. Một tổ chức của sinh viên của trường Đại học Virginia tháng trước đã kêu gọi nhà trường tăng số lượng các môn học quốc tế và tổ chức chương trình nghiên cứu cho sinh viên, nhất là trong năm đầu tiên nhằm tập trung hơn nữa vào các nước khác và các nền văn hoá khác nhau.

 

Phương pháp tiếp cận lôgic

 

Theo các chuyên gia, chiến lược về quốc tế hoá đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển phương pháp tiếp cận lôgic.

 

William I. Brustein, Phó hiệu trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế của Đại học Illinois và Chủ tịch Hiệp hội Các nhà quản lý Giáo dục Quốc tế, cho biết, “Chúng ta từ lâu nay chỉ tập trung vào một số khía cạnh mà không tìm hiểu rõ trường đại học toàn cầu thực sự là gì”.

 

Nói chung, các chiến lược mới thường thiên về việc đưa vào chương trình giảng dạy các kỹ năng quốc tế hoặc tạo ra một loạt các khoá học tập trung vào lĩnh vực quốc tế mà tất cả sinh viên phải theo học. Trường Appalachian State ở North Carolina, đã lựa chọn phương án sau, cải tiến toàn bộ chương trình giảng dạy nhằm nhấn mạnh vào việc đưa “người địa phương kết nối toàn cầu”. Sinh viên sẽ phải tham gia một loạt các khoá học về những kỹ năng này.

 

Các trường đại học khác cũng đang thực hiện nỗ lực quốc tế hoá theo những cách thức phù hợp với nhiệm vụ của họ, phản ánh sức mạnh hoặc đáp ứng yêu cầu của sinh viên, doanh nghiệp và cộng đồng.

 

Đại học Cộng đồng Bellevue, gần Seattle, bắt đầu yêu cầu sinh viên chuyên ngành điều dưỡng của trường đăng ký tham gia khoá học về giao tiếp đa văn hoá sau khi các nhà quản lý nhận thấy rằng các bệnh viện cần các sinh viên tốt nghiệp có khả năng giao tiếp với nhiều bệnh nhân, bác sĩ và nhân viên y tế đến từ các nền văn hoá khác nhau.

 

Trường đại học Fairleigh Dickinson đã tận dụng khoảng cách địa lý của khuôn viên Teaneck, N.J., - nằm gần thành phố New York - bằng cách tài trợ cho các cuộc thảo luận với đại diện Liên hiệp quốc, mà gần đây nhất là với đại sứ Sudan và Syria.


Trường Portland State đang cố gắng xây dựng mục tiêu kết nối cộng đồng bằng việc tổ chức các khoá học kết hợp giữa việc học kiến thức với những chuyến khảo sát ngắn hạn nước ngoài.

 

Julia O’Neill, 26 tuổi, đã tham gia vào một trong những khoá học như vậy. Khoá học của cô nghiên cứu tác động của toàn cầu hoá và những vấn đề liên quan đến tính bền vững dọc biên giới Mỹ-Mexico.

 

Sinh viên tham gia khoá học sẽ ở biên giới 5 ngày, gặp gỡ và làm việc với Minutemen - tổ chức chống nhập cư trái phép - thăm trại tị nạn dành cho thanh niên Mexico bị bắt khi đang cố gắng vượt biên trái phép vào nước Mỹ và đến thăm maquiladora, nhà máy của Mexico chuyên sản xuất các sản phẩm XK vào Mỹ.

 

“Khoá học đã giúp tôi có được cái nhìn bao quát hơn về vị trí của tôi trong thế giới này và về vị trí của nước Mỹ trên bản đồ thế giới”, O’Neill cho biết.

 

Thuyết phục đội ngũ giảng viên

 

Bất kỳ trường đại học nào đang cố gắng bổ sung những vấn đề quốc tế vào các môn học đều biết rằng họ sẽ không thể thành công trừ khi có sự tham gia của đội ngũ giảng viên. Làm thế nào để thực hiện việc này là một trong những vấn đề hóc búa nhất mà các nhà quản lý đang vấp phải.

 

Madeleine F. Green, Phó chủ tịch Trung tâm Sáng kiến Quốc tế tại Hội đồng Giáo dục Mỹ, cho biết, hầu hết các giảng viên không chống lại nỗ lực quốc tế hoá mà chỉ là “bất khả tri”. Trong nhiều trường hợp, họ đơn thuần không nghĩ đến vấn đề quốc tế trong chuyên môn của họ hoặc họ lo ngại rằng nếu làm như vậy có thể làm giảm trình độ và công việc dạy học của họ.

 

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi. Trường đại học DuPage, cấp học bổng trị giá 3.000 USD cho giảng viên học ở nước ngoài, tiến hành nghiên cứu quốc tế hoặc tham dự các cuộc hội thảo ở nước ngoài.

 

Trường đại học Dickinson đã thực hiện phương pháp tiếp cận toàn diện đến giảng viên có xu hướng toàn cầu của trường, trao cho họ học bổng nghiên cứu quốc tế, khuyến khích giáo sư chỉ đạo chương trình học ở nước ngoài và mở các lớp học ngôn ngữ vào thời gian nghỉ hè. Kinh nghiệm quốc tế cũng được xem xét trong quyết định tuyển dụng.

 

Từ năm 2003, trường Portland State đã trao giải thưởng hàng năm “Học bổng quốc tế hoá”. Nhiều người thắng cuộc đã giành tiền thưởng vào việc tổ chức các khoá học.

 

Năm nay, Margaret C. Everett, phó giáo sư ngành nhân loại học, đã sử dụng giải thưởng 1.100 USD của bà để giúp tổ chức khóa học nghiên cứu mối quan hệ giữa sức khoẻ và sự di cư, nhất là sự phổ biến của bệnh tiểu đường trong số những người lao động di cư từ Mexico. Trong tháng 8, sinh viên dành 2 tuần để làm việc với tổ chức y tế công ở Oaxaca - nơi sinh trưởng của nhiều công nhân di cư làm việc ở bang Oregon - sau đó trở về Oregon để viết báo cáo nghiên cứu.

 

Tuy nhiên, việc lập kế hoạch cho những khoá học như vậy có thể là gánh nặng đối với giảng viên những người thường xuyên phải vắt kiệt sức lực trong khi vẫn phải cân bằng chương trình giảng dạy.

 

Margaret C. Everett thừa nhận “Chưa có một khoá học nào tôi phải làm việc vất vả đến như vậy”.


Phát huy sức mạnh

 

Trong khi trường Portland State đang phải vật lộn với những vấn đề nan giải như làm cách nào để trao thưởng cho giảng viên và cải tiến các khoá học, thì các giáo sư đã đạt được nhiều tiến bộ nhờ nỗ lực của họ.

 

Các giảng viên khoa nghiên cứu quốc tế và khoa học máy tính đang thảo luận về việc tổ chức một khoá học đáp ứng nhu cầu giải mã các trò chơi trên máy tính của người Nhật.


Trường Thương mại đang làm việc với các công ty có nhà máy ở Trung Quốc về việc xây dựng chương trình M.B.A dành riêng cho công nhân của họ.

 

Margaret C. Everett và một số sinh viên của bà muốn tiếp tục công việc họ đã bắt đầu ở Oaxaca nhưng lần này thực hiện ở bang Oregeon, có lẽ thông qua một lớp học áp dụng các bài học giáo dục về sức khoẻ mà họ học được ở Mexico.

 

“Chúng tôi có nhiều mối liên hệ trong cộng đồng quốc tế. Chúng tôi phải tìm cách phát huy sức mạnh và những gì chúng tôi có để phổ biến những mối quan hệ này trong trường”, Margaret C. Everett cho biết.

 

Nguyễn Anh

Theo The Chronicle of Higher Education

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm