Bài ca đỉnh núi của những “hiệp sĩ văn hoá”

(Dân trí) - Tôi không bao giờ cố quy kết giá trị cho những chuyến đi, chỉ là thấy mình sẽ rất khô cằn nếu dừng lại. Không phải vì những giá trị, mà chính là vì tôi nhận ra có rất nhiều con người, rất nhiều cuộc đời cao đẹp tôi muốn tiếp tục tìm kiếm, thấu hiểu và ngợi ca.

Chuyện về những giáo viên cắm bản ở những xã heo hút thuộc huyện Simacai, tỉnh Lào Cai cũng vậy. Chúng ám ảnh tôi khủng khiếp.

PHẦN I: Một tâm hồn đẹp chính là báu vật của thời hiện đại 

Đã có lúc tôi ngộ nhận rằng mình yêu cô, bởi vì sự ngưỡng mộ trong tôi dành cho cô quá lớn. Có đủ nghị lực và bản lĩnh để vượt qua mọi thử thách, biết vươn lên từ những khó khăn, cả mùa chỉ biết tận tâm mang con chữ tới cho những đứa trẻ người Mông khuôn mặt nhọ nhem nứt nẻ… thậm chí tôi thấy cô Phạm Thị Thanh Cẩm ở trường tiểu học Sín Chéng 2 còn vinh quang hơn cả những đỉnh núi ở đây.   

Kể chuyện những đứa trẻ bị bắt phải… đến lớp 

27 tuổi, 5 năm cắm bản, không biết đã bao nhiêu lần cô giáo Cẩm muốn bật khóc trong các buổi họp. Dường như tất cả đều tập trung vào mục đích phê bình cô. Lớp đông, học sinh yếu, lại nghỉ học nhiều, nhưng cô cũng đã cố gắng hết sức rồi. 

Ban ngày dạy học ở trường, buổi tối vừa dạy lớp xoá mù, vừa thức khuya soạn bài, cô giáo trẻ quê Yên Bái này vẫn phải dậy sớm từ 4h sáng, đến tận nhà từng học sinh để vận động các em đi học. Cô không thể đi muộn hơn, vì chỉ cần trời hửng sáng, học sinh của cô ngủ dậy, chúng sẽ trốn đi rất nhanh. Có khi phụ huynh vác gậy ra đuổi. Có khi cô đi lạc đường, phải ngủ luôn trong rừng, phải ngủ luôn ở nhà dân. Có lần cô bị chó cắn vào tay, máu chảy đỏ cả vạt áo, nhỏ tong tong xuống nền đất, phụ huynh học sinh thương quá mới đồng ý cho con đi theo cô về trường. 

Các gia đình người Mông ở đây đều rất khó khăn. Họ chỉ có gạo ăn trong 1, 2 tháng, còn lại là ăn ngô, mà phần nhiều là đông con. Không có bố mẹ nào muốn con mình bỏ việc chăn trâu, trông em để đi tới trường học chữ. Những buổi sớm, cô giáo Cẩm tay cầm đèn pin, tay cầm gậy, bước bập bõm theo đường lên đỉnh Sàn Chúng, tới giải thích cho từng phụ huynh, không một lần vơi đi nhiệt tình, rằng nếu không biết tiếng Kinh, không biết chữ Kinh, thì không thể làm được gì. Phải đi học, để làm cán bộ. Phải đi học, để làm giáo viên, y tá, y sĩ cho thôn bản.  

Chuyện về cô, tôi chỉ được nghe qua lời kể của các giáo viên trong trường. Khi gặp tôi, cô chỉ nói toàn những chuyện vui vui, ngộ nghĩnh của đám trò. Cô bảo: “Sáng nay, có em học sinh lớp mình được bố đưa đến trường và cho 1.000đ. Thế là em cứ đứng ôm cột, vừa khóc, vừa nói bằng tiếng Mông: “Cô ơi, cô cho em đi mua kẹo nhé?”.

Hôm vừa rồi, mình và một thầy nữa tới tận nhà kéo một em học sinh lớp 5 đi học, cứ thế là kéo đi thôi, bố mẹ em nói gì cũng cứ giả vờ không hiểu tiếng. Đi đến giữa đường, em cố tình đánh rơi dép xuống khe núi, rồi đòi xuống nhặt, và chạy mất luôn. Mình vừa giận, vừa thương. Có nhiều lần, kéo được các em tới lớp rồi, phải phân công cán bộ lớp canh thật chặt, rồi buổi trưa về nhà thầy cô ăn cơm”.  

Tôi biết, lớp của cô có tiến bộ nhiều, đi học đều, vừa rồi còn có em Giàng Thị Châu được giải Khuyến khích cuộc thi Viết chữ đẹp của Huyện.  

Những gan ruột của một giáo viên cắm bản 

Bài ca đỉnh núi của những “hiệp sĩ văn hoá”  - 1
Những đứa trẻ thất học ở Sín Chéng là "sự nghiệp" tiếp theo đang chờ những cô giáo như cô Cẩm. 

Trường Tiểu học Sín Chéng 2 có 199 học sinh, thì chỉ có 2 em là người Kinh, còn lại là dân tộc Nùng và Mông. Học trò ở đây ngoan, lành, gặp ai cũng khoanh tay: “Cháu chào thầy, cháu chào cô” bằng giọng Kinh chưa sõi, kể cả với bác bảo vệ. Cô Cẩm kể với tôi: “Một lần, đang dạy thì mình thấy đau đầu quá, đành xin về nhà nghỉ, dặn với lớp trưởng rằng hết giờ thì cho các bạn về. Hơn 1h chiều, vẫn thấy bên lớp lao xao. Thì ra, có một em có ý kiến rằng, không có cô giáo ở đây để chào, thì cả lớp chào (ảnh) bác Hồ rồi về, nhưng lớp trưởng không đồng ý. Cả lớp cứ ngồi nguyên, đợi cô giáo đến cho phép thì mới dám về”. 

Thế mà, có một em học sinh ngây thơ, hồn nhiên trong lớp của cô bị ốm nhẹ, nhưng đã mất. Bởi khi em đau bụng, gia đình cúng nhiều quá, đến khi đưa đi bệnh viện thì đã nặng không cứu được nữa. Cô cố gắng cùng chính quyền xã can thiệp, tuyên truyền hàng ngày. Khi có học sinh ốm, các thầy cô phân công nhau đưa đến bệnh viện. Chẳng em nào có Bảo hiểm y tế, các thầy cô lại giúp đỡ tiền viện phí.

Cô bảo, những người Mông ở đây “vô tư” quá. Cả tuần, họ chỉ mong ngóng đến phiên chợ Simacai, cả nhà bắt một con gà, con lợn mang đi chợ bán, được bao nhiêu tiền thì ăn phở, ăn thắng cố hết cả, rồi 6 ngày tiếp lại ăn ngô. Các em nhà gần trường, buổi sáng đi học xách theo cặp lồng thầy cô cho mượn đựng cơm để ăn trưa; cô kiểm tra, thấy chẳng có gì ngoài mèn mén (ngô xay) và rất nhiều ớt, hoặc khoai với muối.

Những em nhà xa, ăn cơm bán trú tại trường, mỗi tuần nộp 8 bát gạo và 3.000đ để mua rau, mà nhiều em cũng chẳng thể đóng góp đủ. Vậy là, nhiều em sẽ mặc cảm, chẳng dám đến trường. Các thầy cô lại trích tiền mua thịt, mua muối cải thiện bữa ăn cho học trò. Đằng sau trường có một mảnh vườn rau xanh mướt, các thầy cô trồng để góp thêm cho bữa cơm đạm bạc của các em bé nghèo.  

Tôi kể với cô rằng tôi gặp một em, tên là Hoa, 11 tuổi, đứng với khoảng 7, 8 em nhỏ khác ở bên vệ đường, tha thẩn chơi, thậm chí quần cũng chẳng có mà mặc. Tôi hỏi tên đầy đủ của em, em nói không biết. Tôi hỏi tên trường em học, em nói em không nhớ, em chỉ biết em học lớp 6, nhưng đã nghỉ học một tháng nay rồi, vì không có gạo đóng. Các em bé còn lại, không em nào biết nói tiếng Kinh. Cô Cẩm im lặng, thở nhè nhẹ. Bàn tay có vết sẹo chó cắn của cô đang chờ cái nắm tay dịu mềm của tôi. Vẫn còn bộn bề công việc chờ cô ở mảnh đất này…  

Phương Linh - Sơn Bách