“Bác” đề xuất đổi tên Đại học Quốc gia

(Dân trí) - "Bác" thẳng đề nghị đổi tên Đại học Quốc gia thành Viện đại học Quốc gia đồng thời “hạ cấp”, không phân biệt đại học Quốc gia với các trường khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu giữ nguyên tên gọi đã có “thương hiệu” 20 năm nay.

Chiều 22/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự luật Giáo dục đại học. Bản báo cáo một số nội dung cần xin ý kiến Thường vụ của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nêu nhiều vấn đề về mô hình hệ thống, cơ cấu tổ chức, việc phân tầng, quyền tự chủ của các trường đại học…

Theo đó, có ý kiến đề nghị đổi tên các đại học, đại học Quốc gia thành Viện đại học. Kèm theo đó là đề xuất không phân biệt mô hình đại học và đại học Quốc gia như hiện nay để phù hợp với luật Giáo dục sửa đổi.
 
“Bác” đề xuất đổi tên Đại học Quốc gia
Đại học Quốc gia Hà Nội với niềm tự hào về lịch sử hơn nửa thế kỷ xây dựng trên nền tảng Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Thường trực UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho rằng, dù có cơ cấu đa lĩnh vực, tổ chức theo hai cấp giống nhau song Đại học Quốc gia có vị thế đặc biệt và có chức năng nhiệm vụ quan trọng mang tầm quốc gia trong nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại học Quốc gia cũng giữ vai trò là đầu tàu phát triển của cả hệ thống giáo dục Việt Nam. Các đại học khác là các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của từng vùng miền. Do đó, việc phân biệt các đại học và đại học Quốc gia là cần thiết để có chính sách đầu tư, cơ chế quản lý phù hợp.

Tuy nhiên, để tránh nhầm lẫn, thường trực UB đề nghị đổi tên đại học, đại học Quốc gia thành Viện đại học và Viện đại học Quốc gia, đồng thời bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức mô hình này trong luật.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lập tức bác bỏ đề xuất này. “Không được đổi tên Đại học Quốc gia vì tên trường đã thành “thương hiệu”, đã có 20 năm qua” - bà Ngân nói “cứng”.

Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng tán thành quan điểm giữ nguyên tên Đại học Quốc gia, thậm chí còn đề nghị nâng quyền tự chủ của Đại học Quốc gia lên mức cao, mạnh mẽ hơn để xứng tầm vị trí đầu tàu của cả hệ thống giáo dục đào tạo Việt Nam.

Nội dung mới khác được đặt lên bàn nghị sự là vấn đề phân tầng đối với các cơ sở giáo dục đại học.

Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết, trước đây, Chính phủ đã có phân loại bước đầu các trường đại học theo quy mô, tính chất, nhưng các tiêu chí đó không còn phù hợp với xu thế hiện nay. Ông Thi đặt vấn đề phải tiến tới phân loại các trường đại học theo chất lượng, với yêu cầu ngày càng phải cao hơn.

Bà Mai trao đổi thêm: “Không khó khăn thực hiện vì lĩnh vực đại học có thể học tập kinh nghiệm các nước trong việc đánh giá, xếp hạng các trường đại học”. Bà Mai cũng đề nghị nên quy định cụ thể những tiêu chí xếp hạng này trong luật, không cần chờ nghị định.

Về vấn đề điều kiện lập trường cũng như giao quyền tự chủ cho các trường đại học, ông Thi cho rằng, đề xuất “mạnh tay” quy định trường phải đạt chuẩn quốc gia mới được hoạt động, đối chiếu với thực tế thì hầu hết các trường hiện tại đều phải đóng cửa. Chủ nhiệm UB văn hóa, giáo dục nêu quan điểm “giơ cao đánh khẽ” hơn, trường chưa đạt chuẩn chỉ được thực hiện một số quyền tự chủ chủ yếu còn trường đạt chuẩn, trường đặc biệt như Đại học Quốc gia, các đại học trọng điểm mới được hưởng quyền tự chủ đầy đủ.

"Những trường thực sự có chất lượng xứng đáng được trao quyền để chủ động cả về chương trình, tuyển sinh, tài chính, hợp tác quốc tế... - ông Thi nói.

Về vấn đề quy chuẩn với giảng viên đại học, các ý kiến vẫn chưa thống nhất được quan điểm quy định người dạy phải có trình độ từ thạc sỹ trở lên hay chỉ cần bằng cử nhân như hiện nay.

P.Thảo