Bà Rịa - Vũng Tàu: Dự kiến chi 113 tỷ cho chương trình Sữa học đường

(Dân trí) - Hôm nay, Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu và Công ty Tetra Pak Việt Nam đã phối hợp tổ chức “Ngày hội Sữa học đường 2013”. Bà Rịa Vũng Tàu là địa phương đầu tiên trên toàn quốc triển khai thực hiện chương trình dinh dưỡng học đường bằng nguồn ngân sách địa phương.

Đây là năm thứ 7, Bà Rịa Vũng Tàu (BR-VT) thực hiện chương trình Sữa học đường dành cho trẻ dưới 6 tuổi trong các trường mầm non và trẻ từ 3-5 tuổi suy dinh dưỡng ngoài cộng đồng” và cũng là hoạt động để Kỷ niệm Ngày Sữa học đường thế giới 25/9 sắp tới.

Năm 2013 nằm trong giai đoạn hai của chương trình với tổng kinh phí dự kiến là 113 tỷ đồng, nhằm cung cấp sữa miến phí cho hơn 270.000 trẻ em trên toàn tỉnh trong suốt 5năm (2012-2016). Theo đó, trẻ em tại 100% trường mầm non đều được uống sữa miễn phí 2 lần/tuần trong mỗi năm học (9 tháng). Các trẻ em 3-5 tuổi suy dinh dưỡng ngoài cộng đồng sẽ được uống sữa miễn phí 4 lần/tuần trong cả năm. Mức kinh phí này cao hơn 30 tỷ đồng so với giai đoạn I (2007-2011) và đã giúp hơn 197.000 trẻ em trên toàn tỉnh được uống sữa miễn phí.

Chương trình Sữa học đường giai đoạn II tại BR - VT do Sở GD-ĐT, Sở Y tế BR-VT, các sở, ngành liên quan cùng Tetra Pak Việt Nam và Vinamilk phối hợp thực hiện. Dự án được triển khai theo tinh thần của Chiến lược Quốc gia về Dinh Dưỡng giai đoạn 2011-2020. Năm nay, cùng với BRVT, Bắc Ninh là tỉnh thứ hai tiến hành thực hiện chương trình Sữa học đường cho trẻ em trên toàn tỉnh với ngân sách cho giai đoạn 1 (2013-2017) là 178 tỷ đồng.

Theo bà Trần Thị Yến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT BR-VT, chương trình Sữa học đường tại BR-VT đã tạo được sự hưởng ứng tốt từ cộng đồng xã hội. Từ mục tiêu ban đầu của chương trình là thể hiện sự quan tâm của người dân đến trẻ em tỉnh nhà, mong muốn xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh cả về tầm vóc lẫn trí tuệ, đến nay còn góp phần nâng cao ý thức nâng cao tầm vóc người Việt, tạo động lực cho nhiều địa phương khác phấn đấu làm theo.

Được biết, qua 5 năm thực hiện ở giai đoạn I, chương trình Sữa học đường tại BR-VT đã được triển khai đại trà tại 82/82 xã/phường của tỉnh. Kết quả là tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ từ 3-5 tuổi tại tỉnh giảm từ 15,6% xuống còn 12% chỉ trong vòng 5 năm. Tại BR-VT, lượng trẻ tăng cân chiếm tỷ lệ khá cao: 66,2 %; tỷ lệ trẻ thoát suy dinh dưỡng đạt 21,7%; đặc biệt trẻ có cải thiện về chiều cao đạt 36,8%. Hiện tốc độ giảm suy dinh dưỡng trẻ em của tỉnh khá nhanh, trung bình mỗi năm giảm 1,64%, rất khả quan so với tình trạng chung của cả nước.

Chính kết quả tích cực đạt được trong giai đoạn I đã thúc đẩy BR-VT tiếp tục đầu tư cho dự án Sữa học đường giai đoạn II, nhằm cải thiện hơn nữa tình trạng dinh dưỡng của trẻ em địa phương.

S.H