Ba gương mặt giáo dục "tuổi hổ" xuất sắc
(Dân trí) - Chào đón năm mới Nhâm Dần, cùng Dân trí điểm qua một số gương mặt giáo dục "tuổi hổ" tiêu biểu với tài năng, đam mê đã đạt nhiều thành tựu trong học tập, nghiên cứu, sáng tạo.
Tiến sĩ nhận giải Quả Cầu Vàng 2021
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1986) từng tốt nghiệp Thủ Khoa tại Đại học Khoa học Tự nhiên (KHTN) - ĐH Quốc gia TPHCM với thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học năm 2008.
Sau khi hoàn thành chương trình Cử Nhân Toán - Tin học, anh Bình tiếp tục tốt nghiệp với điểm số xuất sắc bậc Thạc sĩ về Toán Ứng Dụng tại Đại học Orleans (Pháp) năm 2009. Anh bảo vệ luận án Tiến Sĩ (loại Ưu) tại Đại học Bách Khoa Paris (Ecole Polytechnique).
Sau này, anh Bình trở lại tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại trường cũ. Hiện tại, anh là Trưởng Bộ Môn Ứng Dụng Tin học tại khoa Toán - Tin học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM.
Cuối năm 2021, TS. Nguyễn Thanh Bình vinh dự nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng.
Để giành được giải thưởng cao quý này do Trung ương Đoàn TNCS HCM và Bộ Khoa học Công nghệ trao tặng, TS. Bình có thành tích nổi bật là đã đệ trình 4 bằng sáng chế quốc tế liên quan đến việc xây dựng các hệ thống về trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực thẩm định chất lượng sản phẩm ở các nhà máy và các xưởng sản xuất trong công nghiệp.
Trong đó, anh Bình có một bằng sáng chế được cấp tại Mỹ vào tháng 7/2021 liên quan đến việc xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng sợi vải tự động trong lĩnh vực may mặc bằng cách sử dụng máy đo quang phổ. Đây là bằng sáng chế đầu tiên trên thế giới liên quan hệ thống này và đang triển khai áp dụng trong doanh nghiệp.
Ba bằng sáng chế còn lại đang chờ xét duyệt liên quan đến việc xây dựng các hệ thống AI để dự đoán các lỗi có khả năng xảy ra trong quá trình sản xuất tại các nhà máy may mặc, đánh giá chất lượng sản xuất của các nhà máy may mặc một cách tự động thông qua dự liệu thẩm định lịch sử, cũng như ước lượng rủi ro trong quá trình sản xuất đơn hàng tại một nhà máy nào đó. Các bằng sáng chế này hiện bắt đầu triển khai áp dụng thực tế.
Cho đến nay, TS Nguyễn Thanh Bình có hơn 50 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có 10 bài báo được đăng tại các tạp chí quốc tế uy tín như SIAM Review (SCI Q1, IF = 14.686), SIAM Journal on Applied Mathematics (SCI Q1, IF = 1.718), Knowledge-based System (SCI Q1, IF = 8.038), Information Sciences (SCI Q1, IF = 6.795), NeuroComputing (SCI Q1, IF = 5.719)…
Ngoài ra, anh còn có các bài báo được chấp nhận báo cáo tại các hội nghị uy tín thế giới về Trí Tuệ Nhân Tạo như NeuroIPS, PAKDD, WACV, IEEE Big Data, ACM ICMR, ICONIP…
"Các công trình nghiên cứu của tôi chủ yếu xoay quanh hai chủ đề khoa học tính toán và máy học ứng dụng", TS Bình cho hay.
Trong thời gian qua, anh Bình đạt được nhiều giải thưởng như: Best Paper Award tại hội nghị SoMeT 2018 tổ chức tại Tây Ban Nha, đạt giải thưởng Best Presentation Award tại hội nghị quốc tế KSE 2021 tổ chức tại Thái Lan. Anh và đồng nghiệp cũng đạt giải nhất cuộc thi LSC 2021 tại hội nghị quốc tế uy tín ACM ICMR 2021 với công trình "Myscéal 2.0: A Revised Experimental Interactive Lifelog Retrieval System for LSC'21".
Tiến sĩ 35 tuổi cũng hướng dẫn thành công cho một nghiên cứu sinh và 5 học viên cao học. Năm 2021, anh có 15 công trình nghiên cứu khoa học trong đó có 3 bài báo được đăng tại 3 tạp chí quốc tế uy tín (SCI Q1) và 12 bài báo khoa học được công bố tại các hội nghị quốc tế uy tín.
Cô gái Tày làm giám đốc khóa cao học trẻ tuổi nhất tại ĐH xứ sở sương mù
"Ngân còi" ngày ấy sinh ra ở xóm Dẻ Gà, xã Lương Thông, huyện Thông Nông - huyện nghèo nhất của tỉnh nghèo Cao Bằng, nơi gần như hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài. Cô gái Tày với bản lĩnh, nghị lực mạnh mẽ và ước mơ cháy bỏng vượt ra lũy tre làng. Năm 2019, Ngân trở thành giám đốc quản lý khóa Cao học Marketing trẻ tuổi nhất tại Đại học Kinh tế Nam London (School of Business, London South Bank - Anh Quốc).
Dù đã trưởng thành và vươn ra thế giới nhưng bạn bè, hàng xóm mỗi khi gặp lại vẫn nhớ cô với biệt danh "Ngân còi" thuở bé.
Xóm nghèo nhỏ của người Tày nơi gia đình Ngân sống hồi đó không có điện, đường xá… và Ngân cũng không biết nói tiếng Kinh. Hàng ngày, "Ngân còi" phải vượt qua nhiều km đường rừng núi để đến trường và mỗi đêm lại thắp đèn dầu say sưa học.
Từ năm lớp 4 trở đi, cô bé người Tày luôn trong danh sách thành tích tốp đầu của lớp. Đến năm cấp 3, Ngân thi đỗ vào trường Chuyên tỉnh Cao Bằng, theo học Chuyên Lý. Sau này cô thi Đại học Ngoại Thương Hà Nội và đỗ vào Khoa Tiếng Anh Thương mại, K44.
Năm 2011, Ngân theo học chương trình Thạc sỹ tại Trường Đại học Strathclyde, thành phố Glasgow (University Strathclyde), Vương quốc Anh.
Năm 2012, cô gái Việt hoàn thành luận văn Thạc sĩ về vai trò của mạng xã hội đối với quản lý nhà hàng trong ứng dụng thực tiễn marketing được Trường Đại học Strathclyde đánh giá cao, là nghiên cứu mẫu trong lĩnh vực nhà hàng tại Việt Nam và Vương quốc Anh.
Hoàn thành bằng thạc sĩ nhưng cô vẫn chưa dừng lại hành trình học tập, dù khó khăn eo hẹp về kinh tế còn không ít.
Năm 2017, Ngân tiếp tục bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ trước Hội đồng gồm nhiều nhà khoa học danh tiếng về lĩnh vực kinh doanh, marketing. Cô gái Việt được phong tiến sĩ ngay sau khi bảo vệ luận án, đây là một thành tích hiếm có đối với những người làm nghiên cứu sinh tại Anh.
Sau khi bảo vệ Luận án tiến sĩ, cô tiếp tục đặt mục tiêu tìm việc ở Vương Quốc Anh và đã nộp đơn vào làm giảng viên Marketing tại trường Đại học London South Bank.
Ngân xuất sắc vượt qua rất nhiều ứng cử viên đến từ nhiều quốc gia và Hội đồng nhà trường chọn làm giảng viên của London South Bank University - trường đại học danh tiếng có chất lượng giảng dạy rất tốt tại Anh.
Tiếp đó, Ngân được Hội đồng nhà trường bổ nhiệm làm Giám đốc quản lý Khóa cao học Marketing tại Đại học Kinh tế Nam London.
"Tôi hy vọng trong tương lai gần, tôi sẽ thực hiện được giấc mơ của mình, đó là thực hiện các dự án và hoạt động giáo dục hỗ trợ cộng đồng các dân tộc thiểu số để nâng cao cuộc sống cho người đồng bào mình", Ngân từng chia sẻ với PV Dân trí.
Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2020
TS Võ Thanh Sang sinh năm 1986, là ứng viên trẻ nhất được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư ngành Sinh học (chuyên ngành Hóa sinh), đồng thời là Phó Giáo sư trẻ nhất của trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
TS Võ Thanh Sang tốt nghiệp Cử nhân Sinh học tại trường ĐH KHTN, ĐHQG TP. HCM; tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành Hóa sinh tại ĐHQG Pukyong, Hàn Quốc.
Võ Thanh Sang tốt nghiệp cử nhân Sinh học tại ĐH Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM. Sau đó, anh sang Hàn Quốc học tiếp và tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Hóa sinh tại ĐH Quốc gia Pukyong. Năm 2014, anh về nước và chọn công tác tại ĐH Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) cho đến nay.
Phiên họp lần thứ VI của Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2018 - 2023 đã công bố danh sách ứng viên chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2020 đạt số phiếu tín nhiệm. Trong tổng số 339 ứng viên, Phó Giáo sư trẻ nhất là TS Võ Thanh Sang, đang công tác tại Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT, trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Tính đến thời điểm nộp hồ sơ, ứng viên Phó Giáo sư đã xuất bản 11 chương sách tham khảo thuộc Nhà xuất bản quốc tế có uy tín; công bố 63 bài báo khoa học, trong đó có 54 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc hệ thống ISI/SCOPUS. Từ khi công tác tại trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TS Võ Thanh Sang đã công bố được 35 bài báo và 2 chương sách. Hiện tại, chỉ số H-index của Ứng viên là 26 (theo Google Scholar). Chỉ số H-index được xem như là một thước đo về năng suất làm việc, ảnh hưởng của công trình nghiên cứu đến cộng đồng khoa học quốc tế và sự ghi nhận của đồng nghiệp trong ngành của một nhà khoa học.
Với thành tích trong nghiên cứu khoa học, TS Võ Thanh Sang đã vinh dự đoạt Giải thưởng Khoa học Công nghệ Thanh niên Quả Cầu Vàng toàn quốc 2017 - lĩnh vực Công nghệ Sinh học; Huy hiệu Tuổi trẻ Sáng tạo do BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.