Hà Nội:

Bà giáo 80 tuổi vẫn miệt mài dạy chữ “không công”

(Dân trí) -Sau khi nghỉ hưu, bà giáo Hồ Hương Nam (An Dương, Tây Hồ, Hà Nội) tiếp tục xin mở lớp và tận tình dạy chữ, lễ nghĩa “không công” cho những học sinh đặc biệt. Năm nay đã 80 tuổi nhưng chưa bao giờ bà bỏ lớp, bỏ các cháu ngày nào dù mưa hay nắng.

Dạy chữ “O” trong… 3 tháng

Lớp học của bà Nam được đặt ở một góc nhỏ của khuôn viên Trường THCS An Dương (quận Tây Hồ, Hà Nội). Thành viên của lớp học đặc biệt đó là những đứa trẻ khuyết tật, câm điếc, thiểu năng trí tuệ… hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Học sinh lớn nhất của lớp học này là 31 tuổi và bé nhất là 8 tuổi.

Bà Nam là người gốc Huế, dạy học ở Quảng Bình được hai năm. Năm 1957, bà lấy chồng và chuyển ra Hà Nội sinh sống. Đã từ lâu, khi còn đang giảng dạy trong Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, bà Nam có tâm niệm đưa chữ đến cho người khuyết tật. Trăn trở nhiều đêm, năm 1997 khi vừa nghỉ hưu, bà mở lớp học tình thương và đến từng nhà vận động phụ huynh đưa con đến lớp.
 
Năm nay đã 80 tuổi nhưng bà Nam vẫn miệt mài với lớp học đặc biệt của mình

Năm nay đã 80 tuổi nhưng bà Nam vẫn miệt mài với lớp học đặc biệt của mình.
 
Bà giáo Nam bộc bạch: “Thời gian đầu khó khăn nhiều lắm, không có chỗ dạy, phải mượn nhà văn hóa rồi lớp mẫu giáo. Tôi làm công tác dân số ở phường, biết hoàn cảnh gia đình nên tôi đến từng nhà để thuyết phục phụ huynh để tôi dạy dỗ chúng. Vận động hơn một tháng, họ đồng ý cho “thử thách” và nếu thấy chuyển biến thì học tiếp. Sau một thời gian, các cháu thay đổi cả hành vi, cử chỉ, biết chào hỏi, mời cơm, đi vệ sinh…, gia đình rất vui mừng!”.
 
Bà cũng cho biết thêm, dạy trẻ bình thường đã khó, dạy cho những đứa trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ còn khó hơn nữa. “15 cháu trình độ khác nhau, tiếp thu rất chậm, có cháu bị khèo không cầm được bút. Tôi dạy một cháu 3 tháng mới viết được chữ O hoàn chỉnh. Nhiều người không tin! Ban đầu, tôi viết lên bảng đen để cháu nhận mặt chữ, sau đó viết bút chì vào vở ô ly, nắm tay cháu kéo khoanh tròn chữ O theo đúng hướng. Cứ như vậy, sau 3 tháng, cháu đó đã tự viết được chữ O”, bà Nam xúc động kể lại.
 
Khung cảnh lớp học của bà Nam

Khung cảnh lớp học của bà Nam.

Không ít lần sự cố xảy ra trong lớp học đặc biệt này như bột phát có tiếng hét, đang học lăn ra ngủ hoặc chạy lung tung, hiếu động thậm chí có HS còn vệ sinh ngay trong lớp... Hơn nữa, để dạy được học sinh câm điếc, bà Nam lặn lội ra trung tâm ở Thanh Xuân để học ngôn ngữ ký hiệu trong 15 ngày. Bà kể rằng mình là học viên lớn tuổi nhất lớp và tốt nghiệp xuất sắc. Mặc dù mắc bệnh tuổi già huyết áp cao nhưng chưa bao giờ bà bỏ lớp, bỏ các cháu ngày nào dù mưa hay nắng.

Người thầy phải có tâm sáng

Bà nghĩ rằng, với những học trò như vậy thì người dạy phải có phương châm “vừa dạy vừa dỗ”, chứ mắng là không được, chỉ nói từ “cháu hư” cũng khiến các em buồn, khóc, tủi thân. Bà quan niệm, nhà giáo phải có tâm với nghề và có tình thương học sinh.

“Tôi luôn có một tâm niệm, tất cả giáo viên cố gắng kéo các em tật nguyền ra khỏi mặc cảm của con người. Yêu nghề bao nhiêu thì yêu người bấy nhiêu”, bà giáo Nam chia sẻ từ đáy lòng.

Suốt 15 năm lớp học đặc biệt này tồn tại, nhiều phụ huynh đòi đóng tiền cho con đi học, nhưng bà đều từ chối. Mà bà vẫn dành dụm số tiền lương hưu ít ỏi, tiền con cái biếu hàng tháng để mua bim bim, bút chì, vở… cho học sinh của mình. Cứ đến thứ 6 hàng tuần, cuối giờ học bà đều phát bim bim để động viên các em đến lớp, cố gắng học tập.
 
Theo tâm niệm của bà Nam thì tất cả giáo viên cần cố gắng kéo các em tật nguyền ra

Theo tâm niệm của bà Nam, tất cả giáo viên cần cố gắng kéo các em tật nguyền ra khỏi mặc cảm.
 
Bà nhớ lại, thời gian đầu bước ra khỏi lớp, bà khóc khi phụ huynh nói “cụ già lẩm cẩm”, “bà khùng” vì bà đến thuyết phục gia đình cho các em đến lớp học chữ như người bình thường. Tuy nhiên, bà chưa bao giờ có tư tưởng sẽ bỏ lớp. “Có lúc buồn, lúc khóc, chán nhưng không bỏ cuộc. Con người có hai chữ T đó là “tâm” và “tiền” - tâm thì không bao giờ mất. Cái điều quý giá nhất suốt 15 năm tôi dạy các em chính là tình cảm, sự yêu thương của chúng đối với tôi”, nói đến đây, bà giáo cười hiền từ hạnh phúc.

Đối với lớp học này thì mỗi lần các cháu nhảy ra ôm hôn bà, biết cất nón cho bà; đó là những câu khen “bà có áo mới đẹp quá” chân thật, hồn nhiên, vô tư hay chính là những bông hoa mà chúng nói “dành tiền ăn quà tặng bà” nhân ngày 20/11… là niềm hạnh phúc vô bờ bến đối với bà giáo già tận tụy với nghề.

Chia tay chúng tôi, bà Nam trăn trở: “Tôi sẽ không bao giờ thôi dạy những học sinh đặc biệt coi như con cháu ấy mà chỉ đến bao giờ chân chậm, mắt mờ thì không dạy nữa. Khi nào mệnh trời kéo đi thì chịu. Nhưng tôi sợ đến lúc đó, không ai đủ tâm để dạy các em. Chúng đang học dở chừng…”.

Kim Ngân - S.H

Dòng sự kiện: 30 năm Ngày Nhà giáo VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm