Ba anh em mồ côi hiếu học
Cô giáo đưa ra "mệnh lệnh": phải có bố hoặc mẹ đưa đến, bởi việc học đâu phải trò đùa! Nghe nhắc đến bố mẹ, Mỹ Hảo đã khóc òa trước mặt mọi người. Không làm sao dỗ nín được em, Hòa chỉ biết ôm lấy em thổn thức: "Em đừng khóc, rồi anh sẽ làm bố, làm mẹ của em...".
Bỏ cái mũ đã sờn vành xuống chiếc giường hẹp được phủ lên lớp chiếu đã rách nát nhiều mảng, Hòa vừa đưa tay quẹt ngang trán nhễ nhại mồ hôi, vừa đi vào góc nhà khênh ra một chiếc quạt. "Trời nắng nóng, mấy anh chị ngồi chờ em kê cái quạt kiếm chút gió", Hòa nhỏ nhẹ. Nhưng phải mất hơn năm phút, bằng nhiều cách khác nhau, Hòa mới "vận hành" được vòng quay của chiếc quạt cũ kỹ ấy.
Sau khi kết thúc khâu cuối cùng là dùng một khúc cây kê vào nút công tắc, Hòa ngậm ngùi: "Chiếc quạt này vốn là gia sản mà bố mẹ để lại sau ngày qua đời, ba anh em nâng niu như một kỷ vật. Cũng ít khi dùng, phần vì chỉ có duy nhất một cái mà lại hay hỏng hóc, phần vì không trả nổi tiền điện". Ngắm nhìn Hòa, tôi cảm thấy dường như số phận nghiệt ngã suốt nhiều năm qua chỉ trui rèn thêm nghị lực và sức chống chịu, còn vóc dáng của Hòa thì ngày càng bé lại, dẫu Hòa đã tròn 18 tuổi.
Cuộc đời ba anh em Hòa rơi vào cảnh mồ côi từ bốn năm về trước. Nhìn di ảnh bố mẹ đặt trang trọng giữa trang thờ, mắt Hòa ửng đỏ trên gương mặt gầy guộc, xanh xao.
Theo lời Hòa kể, vào một đêm giáp Tết Tân Tỵ 2001, trời mưa khá to và lạnh, gió thốc mạnh từng cơn từ phía sông Trường Thi. Vẫn như mọi khi, bố mẹ Hòa trở về sau một ngày ra đồng làm lụng. Khi cả nhà vừa xong bữa cơm tối thì nghe tin ông cậu ở bờ bên kia sông đột ngột qua đời. Bố mẹ Hòa liền vội vàng vượt sông bằng một chiếc thuyền nhỏ vốn là phương tiện kiếm sống của gia đình trên khoảng sông cạnh nhà. Không ngờ lần vượt sông ấy lại là lần mà ba anh em Hòa vĩnh viễn rời xa bố mẹ... "Lũ bất ngờ tràn về dữ dội, bố mẹ em đã không kịp trở tay" - Hòa nhớ lại.
Phải mất mấy ngày sau xác của bố mẹ Hòa mới được bà con tìm thấy trong nỗi bàng hoàng, xót xa khôn tả. Không khí tang thương trùm lên cả xóm nghèo Long Quang, xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn (Bình Định). Và kể từ đó, hành trình vượt lên số phận của ba anh em Hòa thấm đẫm nhọc nhằn và nước mắt.
Lúc ấy, Hòa đang học lớp 8, em kế Mỹ Hiệp đang học lớp 3 và cô em út Mỹ Hảo mới lên 6 tuổi. Họ hàng nội ngoại đều ở xa và nghèo khó không phụ giúp được gì nhiều cho những đứa trẻ mồ côi. Cuộc sống gian truân của anh em Hòa tập tễnh qua ngày trong sự thiếu vắng vòng tay chăm sóc yêu thương của bố mẹ và sự bần cùng về vật chất. Hòa kể lại rằng, vào đầu năm học, do không nhờ cậy được ai, Hòa lặn lội dẫn em Mỹ Hảo lên trường xin nhập học lớp 1. Cô giáo phụ trách hôm ấy nhìn hai đứa trẻ mà ái ngại: đời thuở con nhà ai mà trẻ con lại đi làm thủ tục nhập học cho trẻ con !
Và cô giáo đưa ra "mệnh lệnh" là phải có bố hoặc mẹ đưa đến, bởi việc học đâu phải trò đùa! Nghe nhắc đến bố mẹ, Mỹ Hảo đã khóc òa trước mặt mọi người. Không làm sao dỗ nín được em, Hòa chỉ biết ôm lấy em thổn thức: "Em đừng khóc, rồi anh sẽ làm bố, làm mẹ của em...". Hòa buồn buồn: "Khi đó người em bần thần, không nghĩ suy được gì và cũng không dám thanh minh với cô giáo nhưng sau khi biết chuyện, chính cô giáo ấy không cầm được nước mắt và đã lo hết mọi thủ tục nhập học cho em Hảo". Bây giờ, Mỹ Hảo đã là một cô học sinh lớp 4. Năm học vừa qua, Mỹ Hảo đạt danh hiệu học sinh tiên tiến của Trường Tiểu học An Nhơn.
Mỗi ngày trôi qua với ba anh em Hòa là mỗi ngày vượt qua buồn đau và gian khó trăm bề nhưng dường như vẫn không làm cho Hòa - người "đứng mũi chịu sào" oán than số phận. Còn đang tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, nhưng Hòa vừa tự chăm sóc mình, không ngừng nỗ lực trong học tập lại vừa tảo tần như một người mẹ hiền bảo bọc hai em khôn lớn. Cũng như nhiều người khác ở Long Quang, thầy Minh - chủ nhiệm lớp 12A1, Trường PTTH An Nhơn, nơi mà Hòa đang theo học - rất đỗi cảm thương trước cảnh ngộ của ba anh em mồ côi và cũng không ít lần cùng với các đồng nghiệp của mình chia sẻ khó khăn, giúp Hòa vượt qua nghịch cảnh.
Thầy Minh tâm sự: "Sẽ không có nhiều lắm những đứa trẻ giàu nghị lực và bao dung như em Hòa trên cõi đời này. Hòa đã không chỉ tự mình nỗ lực phấn đấu học tập mà còn hết sức chu đáo chăm lo, chở che hai người em gái của mình. Tất cả diễn ra trong lặng lẽ và cơ cực...".
Hòa dẫn tôi rảo một vòng quanh ngôi nhà từ lâu vắng bóng cha mẹ, cảm giác quạnh quẽ lộ dần trên mỗi bước chân của tôi, còn Hòa thì vẫn cứ bình thản nhìn ngắm cảnh vật xung quanh vốn đã quen thuộc hằng ngày. Trong chiếc tủ ám khói gần xó bếp, một nhúm cá khô được gói ghém cẩn thận và một chén xì dầu còn lại sau bữa cơm đạm bạc. Hòa kể, nguồn thu nhập chính nuôi sống ba anh em là từ một sào ruộng lúa nước, đàn gà hơn chục con cộng với 3 con bò do bố mẹ để lại; thi thoảng bà con trong làng, các đơn vị từ thiện giúp ít gạo, nước mắm, khoai sắn cho ba anh em lần lữa qua ngày. Mỗi bữa cả ba anh em chỉ ăn một lon gạo. Việc chợ búa thì ngày đi ngày không. Những người hàng xóm cho biết, trong ngày giỗ đầu của bố mẹ, ba anh em Hòa đã bán đi hai con bò để xây đắp phần mộ, chỉ để lại con bò cái và đến nay, con bò ấy đã sinh thêm được hai con bê...
Tiến lại gần chuồng bò, Hòa tiếp tục công việc vẫn còn dang dở từ nãy. Hòa nói: "Em phải tranh thủ cột lại chuồng bò cho chắc chắn để giữ chân mấy con bò những lúc giông gió, kẻo mai mốt đi thi đại học không có thời gian, phải chăm nó chứ để mất đi thì không biết bấu víu vào đâu".
Tôi hỏi: "Hòa định thi vào ngành nào?" - “Em đã nộp đơn thi vào ngành Công nghệ môi trường, Đại học Quy Nhơn”. Hòa bảo rằng, thi ở Quy Nhơn cho gần nhà, may mắn đậu thì cũng có cơ hội được thường xuyên về nhà chăm sóc các em, lo hương khói cho bố mẹ.
Chiều dần buông. Nắng xuyên từng tia vàng vọt lên dáng người đang tất bật của Hòa. Chợt Hòa ngẩng đầu lên, đôi mắt đôn hậu lại dõi về phía dòng Trường Thi yên ả trong những ngày đầu hạ. Hòa đang nóng lòng đợi hai đứa em của mình đi chăn bò và cắt cỏ trở về. Khi trời bắt đầu nhá nhem tối, hai em gái của Hòa mới thấp thoáng đến hàng cây duối cạnh nhà.
Nghe tiếng gọi: Anh Hòa ơi, em đã về..., Hòa như sực tỉnh, vừa chạy ra đón hai em vừa ngoái đầu lại thủ thỉ: "Cánh đồng trước nhà đang độ vào mùa nên hai chị em phải dẫn "nguồn cơm áo" đi kiếm ăn tận bãi bồi ven sông. Gần đến ngày thi, em ở nhà lo cơm nước, ôn lại bài vở. Hiệp và Hảo cả ngày phơi mình dưới nắng hè oi bức, em lo lắm nhưng không còn cách nào hơn".
Vô vàn khó khăn, thử thách cứ không thôi vây kín cuộc đời ba anh em mồ côi nhưng dường như tất cả những điều nghiệt ngã ấy không che khuất được ước mơ, niềm tin và hoài bão trong mỗi đứa trẻ bất hạnh này. Trước lúc ra về, Hòa đã nói với tôi rằng em phải gắng sức để học, mong sau này có thể chăm sóc đầy đủ cho hai em và không phụ lòng bà con lối xóm đã cưu mang ba anh em trong những tháng ngày khốn khó.
Tôi ngoái đầu nhìn lại, trên gương mặt Hòa, vẫn nở nụ cười hiền từ.
Theo Đình Phú
Thanh Niên