Bạn đọc viết:
Áp lực học tập: Người lớn đặt ra yêu cầu quá cao cho con trẻ
(Dân trí) - Chúng ta không xa lạ gì với hình ảnh những đứa trẻ tiểu học gò lưng mỗi đêm bên bàn học để giải quyết bài tập về nhà sau một ngày miệt mài ở lớp. Chúng ta không ít lần giật mình với những “con gà công nghiệp” đeo kính cận dày cộp có bảng thành tích học tập đáng nể nhưng thiếu thốn kĩ năng sống.
Sáng nay đưa con đến lớp, tình cờ trò chuyện với cô giáo hiệu trưởng trường mầm non, tôi lắng nghe được tâm sự và trăn trở của cô về nghịch lý giữa bậc học mầm non và chương trình lớp 1.
Ngành giáo dục cấm bậc học mầm non dạy trước chữ cho các cháu. Yêu cầu tối thiểu ở bậc học này là học sinh nhận biết được 29 chữ cái. Một số cháu nhanh nhạy có thể tự mày mò ghép vần. Vậy mà vào lớp 1, các cháu buộc phải đánh vần, đọc, viết… khối lượng từ ngữ mới tăng dần.
Một người bạn của tôi là giáo viên dạy Toán bảo con anh vừa làm bài thi môn Toán lớp 1. Đề bài tóm tắt một bài toán, yêu cầu học sinh viết lời văn cho bài toán đó và giải nó.
Em tôi cũng vừa “chiến đấu” cùng con trong kỳ thi cuối năm lớp 1. Em ngạc nhiên bảo cháu phải viết thi chính tả khoảng nửa trang giấy. Và em cực kỳ “ngây thơ” thở dài: Ngày xưa, chúng ta lớp 1 chỉ vừa biết tập viết, tập chép.
Chúng ta nên nhớ đối tượng làm bài kiểm tra này là học sinh lớp 1. Thử hồi tưởng và so sánh ngày xưa đi học của mình, tôi không nghĩ yêu cầu cần đạt của môn học lại cao đến như thế.
Không hẳn là học sinh hôm nay giỏi hơn xưa, đơn giản là người lớn đang đặt ra những yêu cầu quá cao cho con trẻ. Và để hoàn thành bài tập, học sinh buộc phải học thêm và phải… gặm bánh mì, ăn tạm xôi thay bữa cơm đàng hoàng.
Tôi bắt gặp những đứa trẻ suốt ngày chỉ biết học, học và học. Cuộc rượt đuổi thành tích, điểm số không có điểm dừng. Và kỹ năng sống là một lỗ hổng to đùng chẳng thể lấp đầy.
Chúng ta không xa lạ gì với hình ảnh những đứa trẻ tiểu học gò lưng mỗi đêm bên bàn học để giải quyết bài tập về nhà sau một ngày miệt mài ở lớp.
Chúng ta dễ dàng bắt gặp khuôn mặt mệt mỏi gặm vội ổ bánh mì, hút vội hộp sữa để kịp giờ vào lớp học thêm.
Chúng ta không ít lần giật mình với những “con gà công nghiệp” đeo kính cận dày cộp có bảng thành tích học tập đáng nể nhưng thiếu thốn kĩ năng sống.
Chúng ta từng trăn trở trước con số thống kê về tỉ lệ trẻ mắc bệnh trầm cảm và có xu hướng thu mình lại đến mức bàng quang, vô cảm trước hiện thực.
Và đôi lúc chúng ta giật nảy mình khi cô bé này nhảy sông vì áp lực học hành, cậu bé kia tự vẫn vì không đạt thành tích như bố mẹ mong muốn…
Đó là hệ lụy tất yếu của “vòng quay” học trường - học thêm - học trung tâm - học kèm.
Những trăn trở, những câu chữ đầy tâm huyết về việc cởi trói áp lực học hành cho học sinh cũng chỉ khuấy động tâm trí người ta một chút xíu thôi rồi lại chìm nghỉm giữa vòng quay hối hả của cuộc sống.
Người ta nói nhiều về sự cân bằng của thể chất, trí tuệ, năng lực và đời sống tinh thần trong quá trình phát triển toàn diện của một đứa trẻ. Tuy nhiên, đối với một số cha mẹ, phát triển trí tuệ vẫn là ưu tiên hàng đầu. Đầu tư cho con học trường có tiếng, lớp tốt nhất nhằm tạo bước đệm vững chắc cho tương lai là tấm lòng đáng trân quý của cha mẹ. Nhưng chỉ chăm chăm bồi dưỡng trí tuệ mà vô tình bỏ qua vai trò của phát triển thể chất, tâm hồn thì thật nguy hại.
Nhiều phụ huynh sẽ có lý do để giải thích việc o ép con trẻ vào guồng quay của việc học. Đó chính là do cuộc đua kiến thức mà cả xã hội đang chạy, nếu mình “lệch pha” thì con cái bị tụt lùi so với bạn bè cùng trang lứa và tương lai có phần mờ mịt. Tư tưởng chuộng thành tích, chuộng bằng cấp vẫn “ăn sâu bám rễ” trong tâm trí của một bộ phận không nhỏ người Việt, vậy nên “bây giờ không học, sau này cạp đất mà ăn”. Và biết đâu không ít đứa trẻ trong số đó còn phải học để thực hiện giấc mơ ấp ủ của cha mẹ, học vì sĩ diện của phụ huynh…
Bên cạnh đó là chương trình học tập chính khóa nặng nề, ôm đồm kiến thức buộc học sinh phải “cày” thêm để đáp ứng yêu cầu kiểm tra, thi cử. Mới hôm nay thôi, chúng tôi đến trường và nhìn thấy công văn chống dạy thêm, học thêm được dán trên bảng thông báo. Ai cũng ngầm hiểu rằng chẳng thể nào chống nổi căn bệnh trầm kha này khi mà khối lượng kiến thức, kỹ năng đặt ra trong các bài kiểm tra quá cao so với sức học của học sinh và thời lượng học trên lớp.
Bao giờ chương trình học tập còn nặng về kiến thức, căn bệnh thành tích vẫn hiện hữu cũng như khoảng cách xa vời giữa thực học và thi cử chưa được khắc phục thì việc học lấn át ăn, ngủ, chơi… vẫn là mảng màu xám xịt trong bức tranh xã hội hiện đại, văn minh!
Nguyễn Ngọc
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!