Áp lực học tập, học trò sa sút tinh thần
(Dân trí) -Áp lực từ việc học đến sức khỏe tâm thần của các em rất rõ nét, học sinh gặp những gặp những vấn đề sức khỏe như buồn ngủ, ăn không ngon, chỉ uống sữa, thậm chí bỏ bữa... Có em bị áp lực đến mức mất niềm tin vào sức học, năng lực bản thân.
Bài nghiên cứu "Đánh giá tác động của áp lực học tập đến sức khỏe tâm thần của học sinh (HS) bậc THPT tại TPHCM" với khảo sát từ 270 HS đến từ 3 trường THPT của nhóm tác giả Phạm Thị Tâm và Tạ Thị Thanh Thủy (Trường ĐH KHXH&NV TPHCM) như là bức tranh thể hiện rõ áp lực từ việc học đối với HS.
Gần 60% HS đánh giá chương trình học nặng so với khả năng của các em. Đặc biệt, HS ở trường chuyên (Trường THPT Lê Hồng Phong) cảm nhận áp lực cao hơn HS trường không chuyên. Bên cạnh việc học chính khóa ở trường, ở nhà các em còn học thêm với trên 43% số em học 1 - 2 buổi, trên 46% học từ 3 - 4 buổi; 6,29% số em học trên 5 buổi/tuần. Chỉ một tỉ lệ rất nhỏ (3,74%) trả lời không tham gia học thêm.
Gần 90% HS cảm thấy căng thẳng vì thời gian dành cho việc học quá nhiều, trong đó mức độ rất căng thẳng chiếm trên 49%. Học sinh lớp 12 căng thẳng hơn nhiều so với HS các khối 10, 11 và các em thường bị ám ảnh bởi tâm lý lo sợ không hoàn thành bài vở.
Áp lực từ việc học đến sức khỏe tâm thần của các em rất rõ nét. HS gặp những gặp những vấn đề sức khỏe như buồn ngủ, ăn không ngon, chỉ uống sữa, thậm chí bỏ bữa... Và đáng ngại nhất, theo các tác giả là có những HS bị áp lực đến mức mất niềm tin vào sức học, năng lực của bản thân.
Họ cũng nêu ra cảnh báo về chương trình trường học hiện nay và áp lực từ gia đình “đè” lên vai học trò “đã đến ngưỡng của sự thử thách và chịu đựng”.
Kết quả khảo sát trong nghiên cứu của nhóm tác giả Trần Thị Lê Thu (ĐH Sư phạm Hà Nội) tại Hưng Yên cho thấy trên 81,5% HS gặp khó khăn tâm lý ở nhiều mức độ và có xu hướng tăng cấp học. Lớp càng cao các em càng đối diện với nhiều vấn đề học tập, thi cử, quan hệ với thầy cô, cha mẹ, bạn bè.
Đó chỉ là số ít trong 45 bài báo cáo của các nhà nghiên cứu, nhà giáo cho đến những khảo sát, nghiên cứu của sinh viên ngành tâm lý được đề cập tại hội thảo. Trong đó, không chỉ là những con số khảo sát hay những nhân định mà còn hiện hiện rất nhiều câu chuyện đau lòng của HS xuất phát từ nguyên nhân sức khỏe tâm thần sa sút mà các tác giả ghi nhận được trong quá trình nghiên cứu của mình.
Lo kiến thức, sao nhãng sức khỏe tinh thần
Có một thực tế dường như đang tồn tại là khi HS giỏi càng nhiều thì bệnh viện tâm thần ngày càng đông bệnh nhân là đối tượng học trò. Với những áp lực từ cuộc sống hiện đại, cùng với việc học, học trò càng trở nên yếu ớt, sa sút về tinh thần.
PGS.TS Nguyễn Văn Thọ (Trưởng khoa KHXH&NV, ĐH Văn Hiến) cho rằng công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trong nhà trường hiện nay hết sức rời rạc và yếu kém. Đã có nhiều nghiên cứu thăm dò về thực trạng sức khỏe tâm thần học trò và mô hình chăm sóc nhưng hầu như chưa vận dụng vào thực tế. Vẫn còn quan niệm sức khỏe tâm thần trong trường học, sợ ảnh hưởng đến thời gian của nhiệm vụ giáo dục.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh, nhà trường muốn thỏa mãn chức năng giáo dục với các thao tác học tập hiệu quả thì không thể không quan tâm đến sức khỏe cơ thể và tâm thần của HS - hai yếu tố ảnh hưởng sâu sắc đến việc học. Vấn đề sức khỏe tâm thần của HS trầm trọng như hiện nay là khi người lớn đồng nhất kết quả học tập yếu, hạnh kiểm xấu với sự bị trừng phạt.
Việc chú trọng triển khai hoạt động tư vấn tâm lý ở trường học để phát hiện, can thiệp kịp thời các vấn đề sức khỏe tâm thần của HS là điều hết sức cần thiết và cũng là xu hướng của thế giới. Bên cạnh đó, quan trọng hơn, theo nhóm tác giả Nguyễn Thị Vân, Lê Ngọc Dung (sinh viên ngành Tâm lý ĐH KHXH&NV TPHCM) cần phải giảm áp lực học tập, thay đổi phương pháp giảng dạy, cân bằng lịch học và các sinh hoạt trong cuộc sống tạo tâm lý thoải mái để các em chủ động khám phá kiến thức.
Giáo viên cũng áp lực Khảo sát của nhóm tác giả Phạm Thị Tâm (tại 3 trường THPT ở TPHCM là Trương Vĩnh Ký, Lý Thường Kiệt, chuyên Lê Hồng Phong) cũng chỉ ra phần lớn giáo viên cảm thấy bị áp lực về chỉ tiêu, thành tích trong hoạt động giáo dục. Qua trao đổi với nhóm, trên 97% giáo viên cho biết có đăng ký thi đua kết quả học tập với nhà trường. Do đó, thầy cô phải áp dụng nhiều biện pháp để đạt thành thích đặt ra. Một số biện pháp thường được giáo viên áp dụng như tăng cường kiểm tra việc học của HS (trên 60%); đôn đốc HS học nhiều hơn (29,6%); phê bình HS yếu trước lớp (3,3%)… Có giáo viên chia sẻ áp lực chỉ tiêu thi đua khiến họ không mạnh dạn để HS kém ở lại lớp. Hậu quả là không ít HS “ngồi nhầm lớp, giáo viên giảng dạy rất vất vả và đề xuất không nên áp đặt chỉ tiêu cho giáo viên trong xét thi đua. |
Hoài Nam