Ăn cơm với rau dại, măng rừng nuôi giấc mơ tìm chữ
(Dân trí) - Thức ăn chính trong bữa cơm của các em học sinh vùng cao toàn là rau dại, măng rừng, vài con cá khô, có khi chỉ một ít cá bắt được dưới suối băm nhỏ, trộn với muối để ăn dần, các em nơi đây gọi đó là bữa cơm “đặc biệt”.
Trong chuyến công tác tại xã vùng cao Hướng Lập (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), tôi đã nghe được câu chuyện của các em học sinh nơi đây khi nói về bữa cơm “đặc biệt”. Vì tò mò muốn biết ý nghĩa của hai từ “đặc biệt” ấy, nên chúng tôi đành nán lại đến cuối giờ chiều để có thể hiểu được phần nào cuộc sống của học sinh bán trú Vân Kiều. Nhưng khi đã tận mắt nhìn thấy bữa cơm của học sinh trường TH&THCS Hướng Lập, tôi bỗng thấy cay cay khóe mắt, lòng như thắt lại vì thấy thương các em biết nhường nào.
“Cả tháng ăn cơm với muối, rau dại”
Sau gần 2 giờ lúi húi trong căn bếp rộng chừng 4m2, khói bay nghi ngút do củi bị ngấm mưa lâu ngày, các em học sinh mới bưng ra sản phẩm đầu tiên là những nồi cơm vừa đủ cho một người ăn. Nói là căn bếp nhưng thực chất đó chỉ là chiếc lán nhỏ, xung quanh được buộc bằng những thân tre đánh dập mà bà con Vân Kiều vẫn thường dùng để làm sàn nhà. Bên trên mái, phần lớn tấm lợp đã bị cơn bão vừa qua xé nát, chỉ còn lại vài tấm không đủ che nắng, che mưa.
Với khuôn mặt đen nhẻm, đôi mắt đỏ hoe sau một hồi quần quật thổi lửa, em Hồ Thị Vừa mới hoàn thành xong nồi cơm và đưa vào đặt ở một góc giường trong phòng. Sau đó, em bắt đầu ra suối tìm rau, hoặc măng rừng để làm thức ăn cho bữa cơm chiều. Nhà em Vừa ở tận thôn Cù Bai, cách trường gần 7 cây số đường rừng nên phải về đây ở bán trú để tiện cho việc học tập. Cứ vào chiều thứ 6 em mới về thăm nhà, tiếp tục gùi theo gạo rồi băng rừng đến trường để bước vào tuần học tiếp theo.
Sau khi kiếm được thức ăn, các em lại tập trung ở bếp và bắt đầu công đoạn chế biến. Cầm trên tay chiếc mũ đựng ít gạo, em Hồ Thị Hòa ở thôn Cù Bai cho biết, mấy bữa nay em đã hết sạch gạo nhưng chưa về nhà lấy được nên phải mượn tạm các bạn cùng phòng. Đến cuối tuần về nhà lấy ra sẽ trả lại các bạn. Hòa nói: “Mỗi lần về nhà, em chỉ mang gạo chứ không có thức ăn. Vì vậy, bình thường em chỉ ăn cơm với muối, nước mắm, và rau rừng. Nếu không thì xin nước canh của các bạn để chan vào cơm cho dễ nuốt. Có khi em phải ăn muối cả tháng trời vì không có tiền mua thức ăn.
Em Hồ Chăm ở bản Tà Păng cho biết, gia đình em chỉ cho một ít gạo và sắn, cùng với vài chục nghìn để em học ở đây khoảng nửa tháng. Hầu hết em phải ăn cơm với nước mắm, rau rừng. Số tiền gia đình cho được em dùng để mua xà phòng và giấy, bút.
Không có điều kiện để mua thịt, cá, các em học sinh nơi đây phải ăn cơm với muối, nước mắm, rau dại cho qua bữa. Một số em may mắn hơn khi có vài con cá khô nhỏ kho sẵn trong nồi và vài thân măng do các em kiếm được sau buổi học hồi sáng. Còn lại là canh rau dại được nấu hết sức đơn giản, thêm vào ít muối cho đủ mặn hoặc xào lên để ăn với cơm. Tuy vậy, bữa cơm của các em vẫn chan chứa niềm vui, rộn tiếng cười đùa.
Chứng kiến bữa cơm “đặc biệt” ấy, hẳn ai cũng cảm thấy xót xa và khâm phục nghị lực vượt khó của các em. Tuy cuộc sống bán trú hết sức khó khăn, nhưng các em vẫn hết sức lạc quan để tiếp tục thực hiện ước mơ tìm chữ với hy vọng cuộc sống sau này sẽ bớt khó khăn.
Gian nan bám trường học chữ
Trường TH&THCS Hướng Lập là một trong những ngôi trường xa nhất của huyện Hướng Hóa. Ngoài điểm trường ở trung tâm xã Hướng Lập, còn có 7 điểm lẻ ở các bản: Cha Lì, Tri, Cuồi, Cựp, Sê Pu, Cù Bai, Tà Păng. Hầu hết tại các điểm trường lẻ, phòng học, nhà công vụ của giáo viên đã bị xuống cấp do xây dựng từ lâu. Các trang thiết bị phục vụ công tác dạy học, sách vở cho học sinh vẫn còn thiếu thốn. Thêm vào đó, do các điểm lẻ cách xa trung tâm, có khi mất cả ngày đi bộ nên các em đi học gặp nhiều khó khăn, phải băng rừng và lội qua mấy chục lần suối. Đặc biệt, là các bản xa như Tri, Cuồi, Tà Păng.
Tại các điểm trường lẻ chỉ dạy cấp Tiểu học vì các em còn quá nhỏ, chưa thể lội suối, băng rừng. Còn những em học sinh cấp THCS phải ra trung tâm ở bán trú để tiện cho việc học. Tùy vào số lượng học sinh nhiều hay ít để trường bố trí giáo viên vào “cắm bản” dạy chữ cho các em.
Cũng vì đi học xa nhà và phải băng qua rất nhiều núi non, sông suối nguy hiểm nên chỉ đến cuối tuần hoặc nửa tháng các em mới về thăm nhà 1 lần. Mỗi lần nghỉ về nhà, các em lại gùi theo gạo, muối để quay lại trường học chữ.
Hiện trường chỉ có 3 phòng cho học sinh ở bán trú theo mô hình tự nuôi, nhưng có đến 100 em học sinh phải sinh hoạt chung với nhau nên hết sức chật hẹp. Chính vì vậy, một số em phải ra xin ở nhờ nhà bà con hoặc những người dân sống xung quanh trường. Đây cũng là mối lo ngại chung đối với Ban giám hiệu trường Hướng Lập vì ngoài thời gian học trên lớp thì rất khó để giám sát học sinh của mình đi đâu, làm gì.
Cuộc sống của các em học sinh ở nhà bán trú của trường cũng hết sức khó khăn. Điều kiện sinh hoạt chật hẹp, mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh. Hầu như các em chỉ có gạo lấy từ nhà ra, còn lại thì tự kiếm gì ăn nấy, có thể là rau, măng rừng hoặc mắm, muối. Bữa cơm có thịt đối với các em là một sự xa xỉ bởi rất ít khi các em có tiền mua được thịt để ăn. Tuy vậy, cái được lớn nhất là các em được sống tập trung nên có thể giúp đỡ nhau học tập.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Phan Ngọc Dương - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Hướng Lập cho biết, do trường đóng ở khu vực biên giới nên còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học chưa được trang cấp đầy đủ nên đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Tại các điểm trường lẻ, phòng học đã bị xuống cấp nhưng vẫn chưa được đầu tư khắc phục và sửa chữa. Thêm vào đó, do địa hình nhiều núi cao, suối sâu nên học sinh đi học rất vất vả, thậm chí nhiều nguy hiểm, nhất là về mùa mưa, lũ. Vì vậy các em phải ở bán trú để tiện cho việc học tập.
Nói về điều kiện sống và sinh hoạt của học sinh, thầy Dương chia sẻ: “Do trường chỉ được đầu tư xây dựng 3 phòng ở, trong khi đó nhu cầu của các em lại rất đông nên một số em phải ra ở nhà người thân hoặc người dân gần đó để trọ học. Hầu hết các em phải tự lo cho cuộc sống của chính mình, dường như bữa ăn chỉ có gạo còn các em tự kiếm gì ăn nấy. Trước đây các em học sinh miền núi được Nhà nước hỗ trợ mỗi tháng với số tiền 140 ngàn/người theo Nghị định 49, nhưng nay đã bị cắt và chỉ có những em học sinh mồ côi, diện chính sách mới được hưởng”.
“Hiện trường đang chờ cấp trên phê duyệt đề án đổi tên thành trường Phổ thông dân tộc bán trú, TH&THCS Hướng Lập. Như vậy, nếu đề án này được phê duyệt sớm và triển khai ngay đầu năm nay thì hy vọng cuộc sống của học sinh sẽ đỡ khổ hơn bởi các em có người nuôi dưỡng và chăm sóc” - thầy Dương nói.
Đăng Đức