Ấm nước chè nuôi 6 cử nhân, thạc sĩ

(Dân trí) - 22 năm qua, các tiểu thương chợ Thị xã Quảng Trị đã quá quen thuộc với hình ảnh người đàn bà nhỏ bé tất tả rót nước chè từ chiếc ấm nhôm cũ trao khách. Ít ai biết, ấm nước chè của bà đã lần lượt đưa 6 đứa con vào giảng đường đại học để trở thành cử nhân, thạc sĩ…

Sinh ra tại xã Triệu Lăng (Triệu Phong - Quảng Trị), năm 16 tuổi, bà Lê Thị Niêm đã tham gia du kích xã. Bị địch bắt và tra tấn dã man trong nhiều năm liền nhưng bà vẫn giữ được sự kiên trung. 

 

Năm 1976, bà được đi học bổ túc văn hóa. Tại đây, bà gặp thầy và cảm thương hoàn cảnh “gà trống nuôi con” của thầy giáo Nguyễn Hữu Tầm ở thôn Phù Lưu (xã Triệu Tài, Triệu Phong) nên quyết định gắn bó đời mình với thầy, mở ra câu chuyện đời thường ngỡ như cổ tích.

 

Cổ tích giữa đời thường

 

Hồi ấy (năm 1985), quyết định làm vợ thầy Tầm là nhận lấy cái khổ về mình, bởi lúc đó thấy Tầm đã có 4 con với người vợ trước vừa mất, đứa lớn học lớp 9 còn đứa bé chưa đầy 8 tháng tuổi.

 

Về sống cùng nhau, bà tự nhủ phải làm mọi cách để bù đắp những mất mát, thiếu thốn tình cảm cho các con chồng. Với thời gian, tấm lòng, tình thương chân thành đã giúp bà cùng các con chồng vượt qua ranh giới “mẹ ghẻ con chồng” và luôn kính trọng, thương yêu lẫn nhau. Để các con không vì cuộc sống nghèo khó mà bỏ học, ngày nào cũng như ngày nào, từ 3 giờ sáng bà đã trở dậy chuẩn bị cho nồi nước chè xanh đi bán.

 

Bà quảy gánh nước chè ra chợ từ tờ mờ sáng. Một vòng ở chợ đến độ 8 giờ sáng, bà ngược lên ga Thị xã Quảng Trị để kịp bán cho khách trên các chuyến tàu xuôi ngược Bắc - Nam. 11-12 giờ trưa mới về đến nhà, đặt gánh nước chè xuống, không kịp nghỉ ngơi lấy một phút, bà đã tất bật vào bếp chuẩn bị bữa cơm đạm bạc cho chồng cùng các con. Cơm trưa xong, bà lại quay quả lên đường vào rừng hái củi bán kiếm tiền mong cải thiện thêm cuộc sống gia đình.

 

Vất vả là thế nhưng bà vẫn cảm thấy hạnh phúc vô chừng bởi các con thương người mẹ tảo tần đã bảo nhau học tập thật giỏi. Đêm đêm, khi bà trở dậy chuẩn bị hãm ấm chè xanh, thì một lát sau đã thấy các con kéo nhau dậy rồi tự giác ngồi vào bàn say sưa học tập. Những lúc ấy, bà cảm thấy như nhận được một sự bù đắp lớn lao.

 

Năm 1997, số phận cay nghiệt lại một lần nữa đè lên đôi vai gầy của bà. Chồng bị tai biến mạch máu não nặng phải nhập viện. Để có tiền điều trị, chạy chữa cho chồng, bà phải xoay xở, vay mượn hết bà con thân thích đến hàng xóm láng giềng. Chồng bà cũng vượt qua được cơn bệnh nặng nhưng di chứng để lại khiến chân tay ông run rẩy đi lại cực kỳ khó khăn. Cuộc sống gia đình càng thêm phần cực nhọc.  

 

Gánh chè nuôi cử nhân, thạc sĩ

 

Ngồi bần thần ra một lúc khi nhớ lại năm tháng khổ cực đã qua, bà tâm sự: Bây giờ, cuộc sống gia đình bà đã sung túc hơn nhiều bởi các con thành đạt nên chúng bảo nhau dành dụm tiền giúp đỡ bố mẹ. Nhiều khi ngồi nghĩ lại vẫn không thể nào hiểu nổi bằng cách nào mình lại có thể vượt qua được tháng ngày khốn khó ấy. Có thể kết quả học tập giỏi giang của các con là động lực giúp bà vượt lên mọi khó khăn, gian khổ.

 

Người con đầu là Nguyễn Phú Cường thi đỗ khoa Nga, Trường ĐH Sư phạm Huế ra trường về nhận công tác tại Bưu điện tỉnh Quảng Trị. Rồi lần lượt là Nguyễn Phú Quốc sau khi học xong ĐH Nông nghiệp Huế đã học tiếp lên Cao học và hiện đang chuẩn bị làm nghiên cứu sinh. Nguyễn Thị Việt Khánh tốt nghiệp khoa Hoá, ĐH Sư phạm Huế được giữ lại trường làm giảng viên của trường và 3 đứa con nữa cũng đang theo học Trường ĐH Khoa học Huế, ĐH Sư phạm Huế.

 

Nhớ ngày người con đầu thi đỗ Đại học nhìn con vui mừng, tự hào chạy về khoe với bố mẹ kết quả thi, bà quay đi giấu vào lòng giọt nước mắt. Tiễn con lên đường, gia đình nghèo khó nên hành trang con mang theo là đôi dép cao su, áo quần cũ do một người bạn cùng đi B với ông Tầm cho. Người con bước lên xe vẫn quay đầu lại dặn những người đi đưa tiễn là nhờ bà con giúp đỡ bố mẹ bởi em còn dại, bố mẹ đau yếu luôn.

 

Người quen hỏi sao các con đã thành đạt vẫn để bà đi bán nước chè, bà cười hồn hậu rồi bảo với họ rằng, bà đã quen đi bán nước chè xanh rồi nên không thể bỏ được. Họ không thể biết rằng ấm nước chè xanh từ lâu trong tâm khảm bà đã trở thành “ân nhân” của cuộc đời bởi nhờ ấm nước chè bà nuôi được cả 6 cử nhân, thạc sĩ. 

Bài, ảnh Sĩ Hoàng - Diệu Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm