TPHCM:

Ai đề xuất vận động học sinh xem phim "Đất rừng phương Nam"?

Hoài Nam

(Dân trí) - Thư ngỏ vận động học sinh xem phim "Đất rừng phương Nam" của Trường THCS Đồng Khởi, quận 1, TPHCM làm nhiều người băn khoăn ai là người đưa ra ý tưởng này?

Thư ngỏ vận động học sinh xem phim "Đất rừng phương Nam" của Trường THCS Đồng Khởi đã được thu hồi nhưng vẫn kéo theo nhiều băn khoăn trong dư luận. Đặc biệt là thắc mắc về việc ai đề xuất ý tưởng này cũng như liệu hoạt động có mang tính bắt buộc với học sinh?

Trong buổi họp báo chiều tối ngày 16/10, bà Hồ Thị Ngọc Sương - Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Khởi - cho biết, ban giám hiệu trường nhận toàn bộ trách nhiệm sai sót trong sự việc này.

Tuy nhiên, bà Sương khẳng định, ý tưởng học sinh đi xem phim "Đất rừng phương Nam" không phải là đề xuất của cá nhân hiệu trưởng.

Việc trường tổ chức các hoạt động trải nghiệm giáo dục cho học sinh dựa trên cơ sở đề xuất của các tổ, nhóm bộ môn trong kế hoạch giáo dục của trường.

Ai đề xuất vận động học sinh xem phim Đất rừng phương Nam? - 1

Ban giám hiệu Trường THCS Đồng Khởi, quận 1, TPHCM trả lời về thư ngỏ vận động học sinh xem phim "Đất rừng phương Nam" (Ảnh: Hoài Nam).

Theo Hiệu trưởng này, Tổ trưởng tổ ngữ văn cùng với sự thống nhất của các tổ chuyên môn trình Ban giám hiệu kế hoạch nội dung hoạt động trải nghiệm cho năm học, trong đó có việc đa dạng hóa hình thức hoạt động trải nghiệm cho học sinh. 

Trong kế hoạch này, các tổ chuyên môn đã xây dựng chuyên đề "Vẻ đẹp quê hương - Cuộc sống muôn màu" qua hoạt động đọc tác phẩm văn học "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi. 

Các tổ chuyên môn muốn thông qua điện ảnh, cụ thể là bộ phim "Đất rừng phương Nam" để giúp các em có các trải nghiệm, khơi ngợi những tình cảm tốt đẹp trong học sinh về tác phẩm. Hoạt động này dành riêng cho học sinh lớp 8-9.

Ai đề xuất vận động học sinh xem phim Đất rừng phương Nam? - 2

Thư ngỏ vận động học sinh xem phim "Đất rừng phương Nam" của Trường THCS Đồng Khởi (Ảnh: PHCC).

Bà Sương thông tin, giáo viên trường đã có kế hoạch đi xem bộ phim này. Ngoài ra, trường cũng nắm thông tin bộ phim không vi phạm Luật Điện ảnh, đã được Cục Điện ảnh cấp phép và cho công chiếu trong cả nước.

Trên cơ sở này, trường đồng ý với đề xuất của các tổ chuyên môn và dự kiến phát hành thư ngỏ đến phụ huynh về việc tổ chức cho học sinh xem phim "Đất rừng phương Nam".

Thư ngỏ nói trên chỉ mới triển khai đến giáo viên chủ nhiệm các lớp. Ngay sau đó, trường nhận thấy văn bản này có sai sót về ngày tháng, chưa đủ quy chuẩn thể thức. Ngoài ra, trước ý kiến tranh cãi về bộ phim "Đất rừng phương Nam" trong quá trình công chiếu nên trường đã dừng việc phát hành và thu hồi toàn bộ thư ngỏ.

Việc tổ chức những hoạt động trải nghiệm liên môn ngoài nhà trường, theo bà Sương là nội dung quen thuộc tại trường. Trường đã tổ chức nhiều hoạt động khác như sân khấu hóa học đường, đi xem múa rối nước, hát bội, triển lãm... tùy theo kế hoạch năm. 

Ai đề xuất vận động học sinh xem phim Đất rừng phương Nam? - 3

Học sinh Trường THCS Đồng Khởi, quận 1, TPHCM (Ảnh: Hoài Nam).

Các hoạt động này đưa việc học từ nhà trường ra ngoài xã hội, gắn liền lý thuyết với thực tế tạo sự hứng thú cho học sinh,  học từ nhà trường ra ngoài xã hội. 

Trường vận động, học sinh có bắt buộc phải tham gia?

Có thể thấy, kế hoạch tổ chức cho học sinh đi xem phim "Đất rừng phương Nam" của Trường THCS Đồng Khởi là hoạt động trải nghiệm tích hợp liên môn. Điều này làm phụ huynh quan tâm, hoạt động được đưa vào chương trình giáo dục như vậy thì liệu học sinh có bắt buộc phải tham gia?

Trên thực tế, chưa nói đến một học sinh cấp 2, ngay cả người lớn, nhiều người cũng cũng có những nhu cầu, cảm thụ riêng về điện ảnh.

Ai đề xuất vận động học sinh xem phim Đất rừng phương Nam? - 4

Sinh viên tại TPHCM đến xem phim tại rạp (Ảnh minh họa: Thu Dung).

Hơn nữa, chi phí xem phim 80.000 đồng nói nhỏ mà không nhỏ. Với nhiều học sinh, số tiền đó không là vấn đề nhưng với không ít gia đình, đó là một khoản phải căn ke, tính toán. Với nhiều gia đình, tiền ăn, tiền mặc, tiền học phí, đủ các khoản tiền trường... đã nặng trĩu vai, lấy đâu đến lượt phim ảnh, nghệ thuật. 

Ngay trong nhóm thông tin của một lớp 9 ở Trường THCS Đồng Khởi, khi phụ huynh thắc mắc về việc có bắt buộc học sinh phải tham gia, giáo viên trả lời rằng: "Đây như một tiết học của các em học sinh", "Phụ huynh đừng xem là bắt buộc hay không bắt buộc. Đây là một trong những tiết học các em rất cần để trải nghiệm"...

Phản hồi về vấn đề này, bà Hồ Thị Ngọc Sương cho hay, bất kỳ hoạt động trải nghiệm trong trường chỉ tổ chức khi có sự đồng thuận của phụ huynh và sự yêu thích của học sinh.

Đầu tiên, trường sẽ cố gắng vận động phụ huynh cho con tham gia vì những giá trị của các hoạt động trải nghiệm mang lại với các em. 

Nữ hiệu trưởng khẳng định, chương trình không bắt buộc nhưng trường sẽ tìm hiểu lý do vì sao học sinh không tham gia để có phương án phù hợp. 

Ai đề xuất vận động học sinh xem phim Đất rừng phương Nam? - 5

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM trong hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học (Ảnh: Hoài Nam).

Nếu học sinh vì hoàn cảnh không thể tham gia trường sẽ tìm cách hỗ trợ các em từ các nguồn tài trợ, quỹ khuyến học... 

Hay xuất phát từ các lý do như lý do sức khỏe, không ham thích, không thấy có nhu cầu tham gia hoạt động đó...  Với trường hợp này, trường sẽ tổ chức một số hoạt động tương tự khác cho học sinh. Theo cách này hay cách khác, học sinh đều được tham gia vào các hoạt động giáo dục trong nhà trường.