Ai ai cũng đỗ đại học, số lượng có "đè bẹp" chất lượng?
(Dân trí) - Đỗ đại học giờ đây còn dễ hơn trượt đại học. Niềm vui đó lại kéo theo không ít lấn cấn, băn khoăn và cả lo lắng liệu số lượng tuyển sinh có chỉ để lấp cho đầy chỗ?
Tỷ lệ nhập học còn thấp
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, có 92,7% số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học 2023 trúng tuyển đợt 1.
Cụ thể, năm nay có hơn 1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó có 660.258 em đăng ký xét tuyển đại học và cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
610.000 thí sinh trong số hơn 660.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đã trúng tuyển đợt 1 trên hệ thống tuyển sinh.
Trong đó có 49,1% thí sinh đã trúng tuyển ở nguyện vọng 1; số thí sinh trúng tuyển ở 3 nguyện vọng đầu tiên chiếm 74,9% số thí sinh đăng ký xét tuyển và trúng tuyển ở 5 nguyện vọng đầu tiên là 85,1%.
Trung bình một thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào 2,76 nguyện vọng.
Gần như cứ đăng ký xét tuyển là đỗ đại học, con số có thể trượt đại học giờ đây cực kỳ hiếm hoi. Niềm vui đỗ đại học của thí sinh giờ đây lại kéo theo không ít lấn cấn, băn khoăn.
Nhưng con số mới chỉ là con số. Số lượng đỗ đại học không đồng nghĩa với việc con số thí sinh sẽ học đại học. Thông tin từ Bộ GD&ĐT, năm 2022 có 49,2% số sinh viên nhập học đại học chính thức trên tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp cùng năm. Con số nhập học năm nay dự kiến tương tự như trên.
Báo cáo năm 2022 của World Bank chỉ ra, Việt Nam Việt Nam có tỷ lệ nhập học đại học, cao đẳng thấp nhất trong các nước Đông Á giai đoạn 2020-2022.
Tỷ lệ nhập học giáo dục sau phổ thông của Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 28,6%, thấp hơn so với các quốc gia so sánh trong khu vực và so với tỷ lệ nhập học bình quân 55,1% ở các quốc gia thu nhập trung bình cao.
Nhiều yếu tố cản trở mong muốn học đại học của học sinh như chi phí cơ hội của việc học tập, suất sinh lợi từ giáo dục giảm dần và gánh nặng chi phí tài chính gia tăng đối với các hộ gia đình...
Đại học trượt khó hơn đỗ, chưa phải đáng lo
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công thương TPHCM - cho hay giờ đây ai cũng có khả năng đỗ đại học. Đây cũng là xu thế chung tất yếu ở các nước phát triển, nhiều trường trên thế giới còn có hình thức ghi danh vào đại học.
Đi cùng việc ai ai cũng đỗ đại học, theo ông Sơn giờ đây là đỗ trường nào, có phù hợp với điều kiện kinh tế của người học và đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động hay không mới quan trọng.
ThS Sơn cho rằng, vấn đề không nằm ở chỗ tỷ lệ thí sinh đỗ đại học cao mà quan trọng nhất là vấn đề việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học. Trường đại học phải đảm bảo được yếu tố này thì mới có thể thu hút người học, còn không người học sẽ quay lưng.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Tiến sĩ giáo dục học tại Đại học East Anglia (Anh), nguyên hiệu trưởng Trường song ngữ quốc tế Canada - cho hay số liệu tỷ lệ học sinh đỗ đại học năm 2023 từ Bộ GD&ĐT chứng tỏ việc đỗ đại học không hề khó khăn với các học sinh đã đăng ký xét tuyển. Nói khác hơn, tiêu chuẩn đầu vào đại học ở nhiều trường là tương đối dễ dàng.
Theo TS Nguyễn Thị Thu Huyền, khi đại học dành cho tất cả thì các trường có thể hạ tiêu chuẩn đầu vào. Tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao chưa phải là điều đáng lo ngại nhất. Bài toán lớn hơn là chất lượng đào tạo và tiêu chuẩn đầu ra của các trường.
TS Nguyễn Thị Thu Huyền nêu ý kiến, nếu Bộ GD&ĐT có thể công bố công khai số liệu tỷ lệ thôi học, tỷ lệ tốt nghiệp (số sinh viên tốt nghiệp/số sinh viên theo học đầy đủ), tiêu chuẩn tốt nghiệp... của tất cả các trường đại học sẽ giúp xã hội có cái nhìn toàn cảnh hơn.
Qua quan sát thực tế, bà Huyền cho rằng nhiều trường đại học có yêu cầu học tập, tốt nghiệp khá dễ dàng cho sinh viên. Từ đó dẫn đến chất lượng đầu ra của sinh viên không cao.
"Hệ lụy là nhiều cử nhân không được các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng, phải làm các công việc mà một nhân sự trình độ trung cấp nghề, cao đẳng, thậm chí 12/12 cũng có thể làm được. Đây là sự lãng phí lớn cho toàn xã hội", TS Nguyễn Thị Huyền nêu quan điểm.
Việt Nam là quốc gia đang thiếu lao động trình độ cao. Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, so với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, đến quý 2/2022 mới chỉ đạt 26,2%.
Hướng người học theo mục tiêu không ngừng học tập, không ngừng nâng cao trình độ lao động là việc phải làm.
Tuy nhiên, tỷ lệ đỗ đại học cao như hiện nay, theo nhiều chuyên gia chưa phản ánh được hành trình hướng đến nguồn chất lượng cao. Đi cùng đó còn hàng loạt yếu tố như liệu học sinh có điều kiện để theo học đại học với chi phí đắt đỏ như hiện nay, chất lượng đào tạo tại các trường đại học, chất lượng khi sinh viên bước ra thị trường lao động...
Số lượng sinh viên không phải để lấp cho đầy chỗ ở trường đại học đang đủ cách "chiêu dụ" người học. Số lượng cần phải đi cùng chất lượng đào tạo thì mới có thể tạo được niềm tin về giáo dục đại học, mới có thể bớt băn khoăn khi... người người, nhà nhà đỗ đại học.
Các em dễ dàng có chỗ ở đại học nhưng có tìm nổi chỗ ngoài thị trường lao động? Còn không, càng ngày chúng ta càng sẽ bức bí với bối cảnh cử nhân ra trường không làm được việc còn doanh nghiệp vẫn "đốt đuốc" tìm nhân sự chất lượng.