Trượt đại học khó hơn đỗ, rồi sao?

Hoài Nam

(Dân trí) - Gần 93% thí sinh đăng ký xét tuyển đỗ đại học ngay trong đợt 1, chưa tính các đợt tuyển bổ sung từ các trường đại học. Chưa bao giờ khó trượt đại học như lúc này.

Từ nhiều năm trước, khi nói về sự cạnh tranh của tấm bằng cử nhân, nhà giáo dục Giản Tư Trung chia sẻ, giờ đây muốn trượt đại học rất khó, chỉ là lựa chọn học hay không học mà thôi.

Trượt đại học khó hơn đỗ, rồi sao? - 1

Gần 93% thí sinh đỗ đại học ngay đợt 1, chưa tính các đợt tuyển bổ sung của các trường (Ảnh: Nam Anh).

Điều này thể hiện rõ rệt trong mùa tuyển sinh năm nay. Ban đầu dư luận xôn xao với con số 99% thí sinh đăng ký xét tuyển đỗ đại học nhưng thật ra số trúng tuyển đợt 1 mới chỉ gần 93%.

Theo Bộ GD&ĐT, có 92,7% thí sinh đăng xét tuyển đại học 2023 trúng tuyển đợt 1. Số thí sinh trượt trong đợt này chỉ hơn 7% nhưng cũng không dễ... trượt khi các trường đại học vẫn đang ra sức tích cực tuyển bổ sung. 

Nói một cách dân dã, gần như đã đăng ký là đỗ đại học, có muốn trượt đại học cũng khó mà trượt nổi. Ai ai cũng đỗ đại học hay còn được gọi "phổ cập" đại học, nhưng bên cạnh câu chuyện học sinh đỗ đại học dễ hơn trượt là hàng loạt bài toán đang chờ lời giải. 

Trượt đại học khó hơn đỗ, rồi sao? - 2

Học sinh ở TPHCM sau giờ học thêm (Ảnh: H.N).

Với thực tế là trượt đại học còn khó hơn đỗ, áp lực thi đại học - gánh nặng kinh khủng nhất của nhiều thế hệ trước đây đã được tháo khỏi vai học sinh hiện nay. Cách học để thi, học vì thi, ép trẻ học để vào đại học giờ đây đã trở nên vô nghĩa. 

Học sinh điên đảo học ngày học đêm, vật vờ vì học, học không có thời gian để ăn, ngoài học chính khóa trên lớp còn học thêm ở trung tâm, học thêm ở giáo viên... Guồng quay học tập nhồi nhét, học vẹt đầy áp lực đó với học trò được nhắc đến lâu nay vì áp lực thi cử, vào đại học đến lúc cần "khai tử". 

Quanh năm chúng ta quay cuồng với những cuộc thi, đổ mọi nguồn lực, nhân lực, công sức vào thi cử mà rồi ai cũng đỗ liệu còn cần thiết?

Gác chuyện thi cử sang một bên, dù muộn nhưng đến lúc giáo dục từ gia đình đến nhà trường cần quay ngược lại để đi vào thực chất, đi vào thực học, vào phát triển năng lực con người. 

Không còn áp lực thi đại học, việc học cần chạm đến động lực học tập, khát khao học tập bên trong mỗi đứa trẻ để chúng phát huy được năng lực của mình. Bên cạnh kiến thức, con trẻ cần phát triển về thể chất, tâm sinh lý, tâm hồn, phẩm chất cá nhân, các giao tiếp ứng xử... 

Theo Tạp chí Dân số thế giới, một tổ chức độc lập của Hoa kỳ, người Việt Nam lùn thứ 4 thế giới, chỉ cao hơn người Indonesia, Philippines và Bolivia. Xếp hạng này kéo theo nhiều hoài nghi nhưng không làm thay đổi thực tế người Việt nằm trong top các quốc gia có chiều cao thấp nhất thế giới. 

Một khảo sát vào năm 2020 của Microsoft chỉ ra Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng. 

Trượt đại học khó hơn đỗ, rồi sao? - 3

Ai cũng đỗ đại học, việc học khổ sở vì mục tiêu thi đại học đã không còn ý nghĩa (Ảnh minh họa: Hải Long).

Tổ chức Y tế thế giới cũng từng xếp Việt Nam vào danh sách 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và dẫn đầu châu Á.

Đây cũng chính những bài toán của giáo dục mà có thể trước giờ, lao vào mục tiêu thi cử, chúng ta đã sao nhãng. 

Một vấn đề khác, đi cùng thực tế "ai rồi cũng đỗ đại học" là trách nhiệm của giáo dục đại học trong việc đào tạo con người, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của thực tế. 

Học đại học ra rồi làm gì? Đào tạo cử nhân ra làm thầy hay làm thợ? Hay lại là câu chuyện làm thầy không đến nơi mà thợ lại không đến chốn? 

Chẳng ở đâu xa, thị trường lao động lâu nay đã phản ảnh nghịch lý doanh nghiệp thiếu nguồn nhân lực chất lượng trầm trọng còn sinh viên ra trường cứ... thất nghiệp. Các nhà tuyển dụng nay không còn lạ với hình ảnh cử nhân ra trường ngơ ngáo với tấm bằng đại học trong tay. 

Cử nhân ra trường thất nghiệp nhiều hơn trung cấp được thể hiện qua số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019, hơn 3% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và 2,8% cử nhân đại học thất nghiệp, trong khi trung cấp chỉ 1,1 và người chưa từng đi học 1,5%.

Cũng không hiếm trường hợp cử nhân, thạc sĩ quay ngược lại đi học nghề, trung cấp để tìm được việc làm phù hợp. 

Trượt đại học khó hơn đỗ, rồi sao? - 4

Thị trường lao động cần nguồn nhân lực chất lượng (Ảnh: H.N).

Không cần chờ thêm vài năm nữa, cử nhân, thạc sĩ ra trường chạy xe ôm công nghệ, giao hàng, giúp việc đã hiện hữu trước mắt nhiều năm qua.

Theo công bố vào cuối năm 2022 của Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) có 36,6% người giao hàng công nghệ (shipper) ở Việt Nam có trình độ cao, con số này ở nhóm lái xe công nghệ, giúp việc gia đình lần lượt là 20,65% và 11,36.

Chúng ta đang đứng trước thực tế ai rồi cũng có thể đỗ đại học. Người người đều học đại học có gây lãng phí, học đại học để làm gì là những câu hỏi cần câu trả lời nghiêm túc và trách nhiệm của tất cả mọi người. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm