7 lý do “vàng” cần có áp lực cho con tuổi mới lớn

(Dân trí) - “Thay vì nâng đỡ, lót lông, trải đệm cho con độ tuổi mới lớn bước, các cha mẹ nhất thiết phải đặt con vào những thử thách cam go để con từng bước vững vàng lên. Nếu không có thử thách, theo các cha mẹ, các con tuổi mới lớn sẽ ra sao?”. Trên đây là ý kiến của TS Vũ Thu Hương (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) về việc nếu không đặt vào áp lực, liệu con tuổi mới lớn sẽ ra sao?

Từ học câu chữ sang tìm hiểu thực tế

“Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi tôi viết bài này bởi tôi là “chiến sĩ” đấu tranh cho việc giải phóng áp lực trẻ em. Tuy nhiên, có đôi chút nhầm lẫn ở đây. Tôi chỉ chuyển dịch công sức trẻ từ việc học thuộc câu chữ sang tìm hiểu thực tế. Do đó, việc tránh áp lực chỉ nên gói gọn trong khoảng thời gian mầm non và tiểu học”, TS Hương cho biết.

Cũng theo TS Hương, học sinh Hàn Quốc, Nhật Bản phát khóc khi kì thi đại học tới. Họ áp lực còn khủng khiếp hơn cả Việt Nam. Ở châu Âu, ngoài việc học với áp lực kinh khủng lớn, thời gian tự học chiếm độ 7 – 10 giờ/ngày, các học trò tuổi mới lớn phải biết nhảy nhót, hát hò, chơi thể thao giỏi. Ngoài ra, các cô cậu ấy còn phải tìm hiểu nghề nghiệp và xếp lịch đến cơ quan mình yêu thích để tập làm việc trong 1, 2 ngày trong năm.

TS Hương đưa ví dụ, cháu trai mình sống ở Hungary, thời gian học tập của bạn ấy nhiều gấp 2 lần con gái chị. Bạn ấy tập trung sức lực rất lớn cho kì thi đại học sắp đến để mong đạt được mơ ước bước chân vào ngành khoa học mình yêu thích.

Điều đáng nói là sau mỗi kì thi, các cô cậu tuổi mới lớn này trưởng thành lên rất nhiều. Những va vấp, sai sót trong quá trình học ôn thi làm các cô cậu ấy hiểu biết hơn, vững vàng hơn và cũng tự tin hơn. "Vì thế, tôi vô cùng kinh ngạc khi các cha mẹ Việt chiến đấu để giải phóng áp lực cho con tuổi mới lớn", TS Hương khẳng định.

Theo phân tích của TS Hương, tuổi mới lớn không còn bé bỏng như các em tiểu học nữa. Ngay sau thời gian tuổi mới lớn, các bạn ấy sẽ trở thành con người trưởng thành thật sự, có nhiều mối liên hệ và tác động đến xã hội.

Thay vì nâng đỡ, lót lông, trải đệm cho con bước, các cha mẹ nhất thiết phải đặt con vào những thử thách cam go để con từng bước vững vàng lên.


Nếu bọn trẻ không được thử thách, chúng sao hiểu được cảm giác hạnh phúc của thành công. (ảnh minh họa)

"Nếu bọn trẻ không được thử thách, chúng sao hiểu được cảm giác hạnh phúc của thành công." (ảnh minh họa)

Hãy để trẻ được trưởng thành

Theo TS Hương, dưới đây là 7 lý do cho thấy, nếu không có thử thách, tuổi mới lớn sẽ ra sao?

Yếu ớt: Ta không nói đến sức khỏe. Cái cảm giác sống trong an lành và yên ấm sẽ làm các bạn ấy trở nên thối chí, không có sức chiến đấu và luôn lo lắng cho mọi thứ. Đúng thôi, sống trong tổ quá nhiều mà không ra ngoài thì sẽ lo sợ đủ thứ khi rón rén bước ra. Và đương nhiên, không tập luyện nên các bạn ấy cũng sẽ rất nhát với các thử thách của cuộc đời.

Thiếu tự tin: Có trải nghiệm, có khó khăn, có vượt qua thì sẽ có tự tin. Còn nếu như mãi nằm trong vòng tay ấm áp của cha mẹ thì làm sao có đủ tự tin bước ra ngoài? Và sau này, giao nhiệm vụ gì chắc chắn các bạn ấy cũng sẽ cảm thấy khổ sở, khó khăn và sợ mình không thể hoàn thành nổi.

Thiếu niềm vui sống: Mọi người hãy tưởng tượng xem, mỗi khi chúng ta thành công ở một việc gì đó, cảm xúc nhận được là gì? Nếu bọn trẻ không được thử thách, chúng sao hiểu được cảm giác hạnh phúc của thành công. Nếu thường xuyên thiếu thứ niềm vui này, thử hỏi bọn trẻ có còn nhiều nhiệt huyết để sống?

Thiếu lý tưởng sống: Bọn trẻ phải tự mình tìm kiếm lý tưởng sống cho chính mình. Chúng sẽ kiếm ở đâu nếu như cuộc sống quá ít biến động, quá ít khó khăn, quá ít thông tin và kiến thức. Vì thế, với những cháu ít ra ngoài, ít gặp khó khăn, suốt ngày sống trong nhung lụa thì sự thiếu hụt này sẽ càng trầm trọng hơn.

Tính cách ngang ngược, bướng bỉnh: Tôi nghĩ đúng như thế, bọn trẻ ngang ngược vì chúng ít hiểu biết, ít kinh nghiệm sống. Mà kinh nghiệm chỉ đến từ những va vấp và khó khăn thôi. Khi đã trải nghiệm, đã hiểu biết hơn, tính ngang ngược của lũ trẻ sẽ giảm sút ngay lập tức. Vì thế, nếu chúng ngang bướng, cha mẹ hãy thử tìm hiểu xem cuộc sống hiện tại của chúng ta sao?

Thiếu tính sáng tạo: Có học hỏi, có chiến đấu, kiến thức mới nhiều và các bạn ấy mới nảy sinh được nhiều ý tưởng sáng tạo. Càng được biết nhiều và làm quen với nhiều những lĩnh vực, ngành nghề, hiểu biết càng rộng và sáng tạo càng dễ. Vì thế, sống bó hẹp sẽ làm hạn chế khả năng của các bạn tuổi mới lớn nhiều đấy.

Cùn: Ngang không nổi thì các bạn tuổi mới lớn sẽ cùn khi nhìn nhận cuộc đời hạn hẹp với tầm nhìn ngắn. Để có được tầm nhìn rộng mở, thứ các bạn tuổi mới lớn cần là học hỏi, va chạm, và vượt qua khó khăn. Bởi khi có đủ lượng kiến thức, tranh biện của các bạn ấy sẽ dựa trên lý lẽ và có sức thuyết phục hơn. Vì thế, càng vượt qua nhiều khó khăn, các bạn càng bớt cùn.

"Từ những lý do trên, tôi nghĩ khó khăn gian khổ là thứ mà tụi trẻ cần cho sự trưởng thành. Những áp lực kì thi, áp lực cuộc sống tuy là rất đáng ghét nhưng lại rất cần thiết. Vì thế, tôi mong Bộ GD&ĐT, các cha mẹ đừng tìm cách giảm áp lực cho trẻ nữa. Hãy để chúng được trưởng thành", TS Hương khẳng định.

Mỹ Hà (ghi)