6 lời khuyên cho cha mẹ có con bị cô lập ở trường

Minh Hiếu

(Dân trí) - Bị cô lập hay tẩy chay ở trường học là một trải nghiệm không ai muốn có. Vì thế, phụ huynh cần hiểu, đồng cảm, chia sẻ và có những hành động cần thiết để làm chỗ dựa cho con.

Nhân dịp kỷ niệm trường, các học sinh lớp 8 tại trường học của Tracy có một chuyến tham quan đến Washington, DC (Mỹ). Tracy vô cùng mong đợi chuyến đi này, chủ yếu là do cô bé cho rằng mình sẽ ở chung phòng với Allison, một trong những người bạn thân nhất của cô bé từ thời thơ ấu.

Tuy nhiên, người bạn Allison lại không nghĩ như vậy. Tracy không hề hay biết rằng cô bạn thân đã có phòng riêng cùng những người bạn mới và không có Tracy trong đó.

6 lời khuyên cho cha mẹ có con bị cô lập ở trường - 1

Đối với thanh thiếu niên, tình bạn là tất cả. Những người bạn không chỉ hỗ trợ con trong học tập mà còn là bằng chứng về địa vị trong trường (Ảnh: Yourteenmag).

Tiến sĩ Tori Cordiano, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Nữ sinh tại Trường Laurel ở Ohio (Mỹ), cho biết: "Tình bạn có tác động lớn vào khả năng phục hồi cảm xúc của thanh thiếu niên".

Vì vậy, sự quay lưng của một người bạn sẽ gây ra tổn thương rất lớn. Vậy làm thế nào để phụ huynh đối phó với các vấn đề trong tình bạn tuổi teen, đặc biệt là tình trạng bị cô lập?

1. Thể hiện sự bình tĩnh

Là cha mẹ, khi con bạn bị tẩy chay ở trường học, bản năng đầu tiên là "lao vào cuộc chiến".  Nhưng trong tình huống này, Tiến sĩ Cordiano khuyên các phụ huynh nên kiềm chế và thể hiện sự bình tĩnh.

Thật vô cùng đau lòng khi thấy con mình phải chịu đựng bất công, nhưng với tư cách là cha mẹ, bạn thường chỉ nghe một mặt của câu chuyện. Tham gia trực tiếp vào vấn đề không giúp trẻ học được cách tự lập giải quyết các vấn đề quan trọng của bản thân.

2. Đừng tiêu cực

Ở độ tuổi thanh thiếu niên, những câu chuyện về tình bạn luôn thay đổi rất nhanh. Bạn sẽ không bao giờ có thể biết mối quan hệ đó sẽ đi đến đâu vào tuần tới, tháng tới hoặc năm sau.

Nếu con quyết định quay lại làm bạn thân với người bạn đó, thì việc cha mẹ chỉ trích hành động cô lập khi trước sẽ khiến cho cả hai cảm thấy khó xử.

3. Tò mò về việc trẻ bị cô lập

Phụ huynh không nên quá tò mò về tình trạng bạn bè hay các mối quan hệ xã hội của con. Việc đặt ra các câu hỏi dồn dập như đang hỏi cung con mình sẽ khiến trẻ cảm thấy bị xâm phạm quyền riêng tư.

Chúng ta cần tiếp cận sự việc này một cách từ tốn, đồng cảm, luôn là nơi vững chắc để con có thể dựa vào.

4. Lấy ví dụ cho trẻ về các trường hợp tương tự

Nếu phụ huynh cảm thấy tình huống tương tự như vậy tái diễn với một thanh thiếu niên khác, bạn có thể chia sẻ câu chuyện này với con. Cha mẹ có thể hỏi con một cách nhẹ nhàng, ví dụ: Có vẻ như rất nhiều lần khi đi chơi với những người bạn này, con thường cảm thấy bị tổn thương? Con có nhận thấy điều này không? Phụ huynh cần cho con biết rằng việc kết nối với các mối quan hệ sẽ phải khiến trẻ cảm thấy vui vẻ hơn.

Nếu các vấn đề về tình bạn đang khiến con cảm thấy tồi tệ, tiêu cực thì có lẽ đó không phải là những mối quan hệ lành mạnh nhất.

5. Nhấn mạnh chất lượng hơn số lượng

Thêm nữa, mặc dù có rất nhiều thanh thiếu niên muốn kết bạn với càng nhiều người càng tốt, nhưng không phải ai cũng vậy. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thanh thiếu niên hạnh phúc nhất là những người có một vài người bạn thân. Thậm chí, con vẫn rất hạnh phúc khi chỉ có một người bạn thân nhưng người bạn này khiến con cảm thấy có thể tin tưởng tuyệt đối.

6. Kiểm tra tình trạng của chính phụ huynh

Một trong những lý do khiến chủ đề về tình bạn trở nên nhạy cảm đối với các bậc cha mẹ là vì họ có những vết sẹo về tình bạn của riêng mình.

"Tôi nghĩ đối với các ông bố bà mẹ, hầu như không ai trong chúng ta là không gặp các rắc rối về mối quan hệ xã hội khi còn là thanh thiếu niên. Và bây giờ chúng ta có thể vẫn đang giải quyết các vấn đề về tình bạn của riêng bản thân", Jordan cho biết.

Thậm chí, nếu không nhận thức được, cha mẹ có thể đang chuyển cảm xúc tức giận của chính họ khi bị cô lập vào hoàn cảnh của con. Đây là điều các phụ huynh cần chú ý.