6 điểm mới và lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của ĐH Quốc gia Hà Nội

Mỹ Hà

(Dân trí) - Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 22/8 công bố 6 điểm mới của kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) và lịch thi dự kiến năm 2025.

Những điểm mới của kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025 gồm: Cấu trúc đề thi mới (phần khoa học hoặc ngoại ngữ); Số lượng câu hỏi và cách đặt câu hỏi trong mỗi chủ đề; Câu hỏi gắn với tình huống thực tiễn, tác phẩm ngoài SGK; Câu hỏi chùm xuất hiện trong tất cả các phần thi; Thí sinh được lựa chọn phần thi thứ ba; Điều chỉnh lịch thí sinh đăng ký dự thi lần đầu để giảm nghẽn mạng như năm ngoái.  

Cụ thể theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí (ĐHQG Hà Nội), cấu trúc đề thi tham khảo đánh giá năng lực năm 2025 gồm 50 câu hỏi toán học và xử lý số liệu, 50 câu hỏi thuộc lĩnh vực văn học - ngôn ngữ. Đây là hai phần thi bắt buộc của bài thi HSA.

Phần thi thứ ba cho phép thí sinh lựa chọn Khoa học hoặc tiếng Anh. Thời gian làm bài cho bài thi thứ ba là 60 phút. Thí sinh chọn 3 trong 5 chủ đề vật lí, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý; mỗi chủ đề có 17 câu hỏi (gồm 1 câu thử nghiệm) để hoàn thành phần thi khoa học.

6 điểm mới và lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của ĐH Quốc gia Hà Nội - 1

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐHQG Hà Nội (Ảnh: M. Hà).

Phần lựa chọn tiếng Anh gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm khách quan được thiết kế để phục vụ tuyển sinh các ngành đào tạo ngoại ngữ.

Câu hỏi trong đề thi HSA có khoảng 75% là câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn và 25% câu hỏi điền đáp án.

Nếu năm ngoái, câu hỏi chùm chỉ xuất hiện ở phần thi ngôn ngữ, từ năm 2025, đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội bổ sung câu hỏi chùm trong tất cả các phần thi, chủ đề thi. Câu hỏi chùm gồm đầu bài chung và các câu hỏi riêng phát triển đánh giá năng lực thí sinh từ cấp độ thấp đến cấp độ cao.

Câu hỏi chùm sẽ khai thác nguồn dữ kiện phong phú, đánh giá tư duy học sinh theo từng lĩnh vực và xuyên lĩnh vực. Đây là những thay đổi về xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực.

Phần thi thứ ba cho phép thí sinh lựa chọn Khoa học hoặc tiếng Anh. Thời gian làm bài cho bài thi thứ ba là 60 phút. Thí sinh chọn 3 trong 5 chủ đề vật lí, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý; mỗi chủ đề có 17 câu hỏi (gồm 1 câu thử nghiệm) để hoàn thành phần thi khoa học.

Phần lựa chọn tiếng Anh gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm khách quan được thiết kế để phục vụ tuyển sinh các ngành đào tạo ngoại ngữ.

Đặc biệt năm 2025, câu hỏi trong đề thi sẽ không sắp xếp từ dễ đến khó mà được xáo trộn một cách ngẫu nhiên theo ma trận cố định.

6 điểm mới và lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của ĐH Quốc gia Hà Nội - 2

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Nhung Nhung).

Thí sinh có thể sử dụng đề thi tham khảo để quen với dạng thức bài thi, ôn tập bổ sung kiến thức, kỹ năng và luyện tập cách kiểm soát thời gian khi làm bài cho bài thi chính thức năm 2025.

Điểm bài thi được tính dựa trên tổng số câu trả lời đúng, các câu trả lời sai không bị trừ điểm. Trong bài thi chính thức, điểm đạt được trên máy sẽ hiện ra sau khi thí sinh kết thúc các phần thi. Đa phần các trường đại học sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực có thể nhận hồ sơ theo tổng số điểm bài thi.

Tuy nhiên, một số trường có thể có thêm các yêu cầu về các chủ đề lựa chọn ở phần thi khoa học (phần 3). Phần thi tiếng Anh được thiết kế để đánh giá năng lực ngoại ngữ phục vụ tuyển sinh các ngành đào tạo ngoại ngữ.

Năm 2025, các đợt thi dự kiến diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5/2025 với quy mô 85.000 lượt thi. Ngày 8/2/2025, chính thức mở cổng đăng ký dự thi kỳ thi HSA năm 2025.

Ngày 15/3/2025 dự kiến thí sinh sẽ dự thi đợt thi thứ nhất, đến ngày 17/5/2025 thi đợt thi thứ 6.

Cụ thể, dự kiến lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 như sau:

6 điểm mới và lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của ĐH Quốc gia Hà Nội - 3

Lịch thi đánh giá năng lực dự kiến năm 2025 của ĐH Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Mỹ Hà).

Năm 2024, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức 6 đợt, bắt đầu từ ngày 23/3 đến ngày 2/6/2024 tại 19 địa điểm thi.

Thống kê số lượng thí sinh các tỉnh thành dự thi năm 2024, ngoại trừ Hà Nội, Nam Định là tỉnh có số thí sinh đăng ký nhiều nhất, kế đó lần lượt là Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Nghệ An, Hưng Yên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang…

Tổng số lượt đăng ký năm 2024 hơn 104.000, trong đó 96,2% thí sinh đến dự thi và 21 thí sinh bị kỷ luật do vi phạm quy chế.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm