Thừa Thiên Huế:
367 học sinh danh dự toàn trường mặc áo dài ngũ thân lên nhận thưởng
(Dân trí) - Ngày 6/12, tại Quốc Tử Giám (TP Huế), UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh đã tổ chức lễ tuyên dương "Học sinh danh dự toàn trường".
Đây là danh hiệu danh dự lần đầu tiên được Chủ tịch UBND tỉnh dành trao thưởng cho học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ người học sinh và có nhiều thành tích xuất sắc toàn diện trong năm học. Danh hiệu này nhằm động viên, tôn vinh, khuyến khích sự học và trọng dụng người tài đến với toàn xã hội.
Điều đặc biệt ở buổi lễ này đó là toàn bộ các thầy cô giáo, lãnh đạo tham dự, học sinh đến nhận tuyên dương đều mặc áo dài ngũ thân nhằm phục hồi văn hóa xưa và hướng đến đề án Huế - Kinh đô áo dài mà toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai.
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tân cho biết: "Học sinh danh dự toàn trường" là danh hiệu cao quý mà mỗi trường học chỉ có 1 học sinh được tuyên dương tại Quốc Tử Giám - Huế.
Đây là trường đại học duy nhất từ thời phong kiến còn tồn tại trên đất nước ta, là di tích lịch sử, văn hóa độc đáo, có giá trị cao, biểu tượng cho sự học của vùng đất học từng là Kinh đô của đất nước.
Trong suốt thời gian tồn tại, Quốc Tử Giám góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước. Trong số hơn 500 vị tiến sĩ, phó bảng của triều Nguyễn, có không ít vị đã từng dùi mài kinh sử tại ngôi trường này. Việc chọn Quốc Tử Giám làm địa điểm tổ chức tuyên dương khen thưởng Học sinh danh dự toàn trường hàng năm nhằm giáo dục cho học sinh lòng tự hào, trách nhiệm trong học tập, rèn luyện.
Trao thưởng danh hiệu cao quý cho các học sinh, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ biểu dương 367 học sinh, đây là ngọn cờ đầu của từng trường học trong phong trào học tập, thi đua, rèn luyện đạt danh hiệu Học sinh danh dự toàn trường năm học 2019-2020.
Ngoài mục đích vinh danh các em học sinh có thành tích xuất sắc, buổi tuyên dương còn hướng tới mục đích giới thiệu một di tích lịch sử, văn hóa, giáo dục có giá trị cao. Theo ông Thọ, đây cũng là dịp để tôn vinh tà áo dài truyền thống Việt Nam trong tiến trình xây dựng Huế là kinh đô áo dài Việt Nam. Các tà áo dài ngũ thân xưa của cố đô Huế đã được các em mặc tại buổi lễ rất đặc sắc.
Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, đối với mỗi quốc gia, dân tộc, Giáo dục và Đào tạo là lĩnh vực có vai trò hết sức quan trọng. Trong xu thế hội nhập và phát triển ngày càng sâu rộng với thế giới, Giáo dục và Đào tạo được xác định là chính sách, biện pháp quan trọng hàng đầu để phát triển. Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng thành trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành đa lĩnh vực, chất lượng cao theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
"Tương lai phát triển của Thừa Thiên Huế, của đất nước Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhận thức, hành động đúng đắn và nỗ lực vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao trí tuệ và sáng tạo khoa học công nghệ, là tinh thần, trách nhiệm của nhân dân trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử tỉnh nhà, nhất là các thế hệ học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Các em là những bông hoa tươi thắm nhất trong vườn hoa của tuổi trẻ học đường Thừa Thiên Huế. Hãy lấy đó làm động lực trong học tập và rèn luyện để trở thành người con ngoan, trò giỏi, phát huy năng lực sở trưởng cá nhân, phải ra sức học tập để có kiến thức toàn diện về văn hóa, lịch sử để tự hào về quê hương nguồn cội; có kiến thức về công nghệ thông tin để tiến vào nền kinh tế số, làm chủ khoa học công nghệ; có ngoại ngữ giỏi để hội nhập với thế giới" - ông Thọ nhắn nhủ.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà và dõi theo sự học của các em. Ông Thọ đề nghị các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và quý phụ huynh học sinh tiếp tục quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện tốt hơn, đầy đủ hơn cho việc học tập, rèn luyện và phấn đấu của các em học sinh, để giáo dục thật sự là quốc sách hàng đầu.