Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thăm, làm việc tại Hội Khuyến học Việt Nam
(Dân trí) - Sáng nay 3/11, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã đến thăm và làm việc tại Hội Khuyến học Việt Nam.
Luôn vận dụng tư tưởng "Học không bao giờ cùng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào các cuộc vận động khuyến học, khuyến tài
Phát biểu khai mạc, chỉ đạo nội dung buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nói: "Trước hết, tôi cùng các đồng chí lãnh đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, các đồng chí lãnh đạo Bộ GD-ĐT vui mừng phấn khởi khi đến thăm và làm việc tại Hội Khuyến học Việt Nam.
Nhân đây, tôi gửi lời chúc mừng 25 năm ngày truyền thống của Hội Khuyến học Việt Nam, âm vang đó sẽ lan tỏa và tạo khí thế tập trung phát triển, triển khai Nghị quyết XIII của Đảng".
Báo cáo tóm tắt công tác khuyến học nhiệm kỳ 2016-2021 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2026, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam GS.TS Nguyễn Thị Doan cho biết, từ năm 2016-2021, tổng số hội viên của Hội đạt 21,3 triệu hội viên trên 63 tỉnh thành và chiếm 22,69% dân số.
Kết quả đạt được sau khi triển khai các mô hình học tập của Hội Khuyến học Việt Nam được đánh giá rất cao. Có đến 92,80% người dân cho biết nhờ học tập họ có thêm nghề mới hoặc việc làm ổn định; 93,70% hộ gia đình phấn khởi vì thoát nghèo.
98,60% người dân được hỏi cho biết, trong thôn, bản, tổ dân phố có sự đồng thuận, đoàn kết với nhau nhờ học tập; 97,66% người dân thừa nhận việc học tập đã góp phần tích cực vào cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, khối phố văn minh; 99% dân chúng cho rằng, địa phương họ rất an toàn, an ninh trật tự được bảo đảm.
Qua 5 năm hoạt động (2016-2021) các nhiệm vụ của Hội đề ra đều được hoàn thành và hoàn thành vượt mức quy định, đặc biệt là nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị, bồi dưỡng năng lực hoạt động cho đội ngũ cán bộ hội các cấp, xây dựng các loại hình quỹ khuyến học, đẩy mạnh các hoạt động khoa học để xây dựng các mô hình học tập và đưa các mô hình vào cuộc sống.
Hội Khuyến học là một trong những lực lượng đi đầu triển khai mô hình xã hội học tập ở Việt Nam. Trong quá trình này, các cấp Hội quán triệt đầy đủ những chỉ thị, nghị quyết của Đảng về đổi mới giáo dục và định hướng cho việc triển khai công tác khuyến học vào cuộc sống, các quyết định của Chính phủ về xây dựng xã hội học tập.
Hội luôn vận dụng tư tưởng "Học không bao giờ cùng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào các cuộc vận động khuyến học, khuyến tài và coi lời dạy của Người "Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót, học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng" như một triết lý của việc học tập suốt đời.
Nhiều "điểm sáng" giáo dục khẳng định vai trò của khuyến học, khuyến tài
Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, chúng ta có thể khẳng định trong 25 năm qua, sự ra đời và phát triển về mục tiêu, hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung cũng như sự nghiệp giáo dục đào tạo và xây dựng nguồn lực con người trong tình hình mới.
Với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, ban bộ ngành đối với Hội Khuyến học và sự nghiệp giáo dục đào tạo, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu mới. Rõ ràng, mục tiêu, phương châm hành động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và tạo nguồn lực cho đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa của Hội Khuyến học Việt Nam rất rõ, được kiểm nghiệm trong thực tiễn.
"Cá nhân tôi với tư cách là một công dân hay một lãnh đạo rất tự hào về dân tộc và tự hào về sự nghiệp giáo dục đào tạo của dân tộc ta. Mặc dù chỗ này, chỗ khác, trong quá trình đổi mới, sự nhận thức hay sự phù hợp với thực tiễn vẫn còn những ý kiến này, ý kiến khác. Nhưng thành công chung của sự nghiệp giáo dục đào tạo thì phải khẳng định.
Giáo dục vừa là truyền thống của Việt Nam, vừa giúp chúng ta hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và khẳng định vị thế của đất nước. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế có đóng góp của giáo dục đào tạo, của con người Việt Nam… Và chúng ta đã có nhiều thành tựu, vị trí top đầu trên trường quốc tế, ở nhiều lĩnh vực", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, khi tình hình dịch Covid-19 có nhiều khó khăn, chúng ta vẫn có nhiều "điểm sáng thần kỳ" trong phòng, chống dịch Covid-19 vào năm 2020. Năm 2021, chúng ta lại có rất nhiều điểm sáng trong giáo dục đào tạo và xây dựng, phát triển con người.
Gần đây nhất, báo chí và các cơ quan uy tín trên thế giới đã đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ có sự phục hồi kinh tế rất nhanh. Ý chí, khát vọng và sự thích ứng của người Việt Nam chúng ta rất cao. Điều đó khẳng định vai trò khuyến học, khuyến tài rất tốt của Hội Khuyến học Việt Nam.
Vai trò của Hội Khuyến học thể hiện qua hoạt động tư vấn cho lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước. Với tâm huyết, tinh thần trách nhiệm, trí tuệ và sự sáng tạo của lãnh đạo hội đến từng thành viên của hội, từ trung ương đến cơ sở, Hội đóng góp tư vấn đề xuất hệ thống pháp luật và tổ chức hoạt động thực tiễn.
Cùng với đó, Hội phát huy tinh thần đoàn kết, tập hợp đội ngũ các nhà giáo, nhà trí thức, các nhà tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đào tạo để huy động ngày càng cao hơn nguồn lực của xã hội đồng hành cùng nguồn lực của quốc gia, đất nước để đầu tư cho công tác giáo dục.
"Và thực sự, chúng ta đã có một xã hội học tập được hình thành, phát triển với trách nhiệm của toàn xã hội, của từng gia đình, từng công dân. Dù gặp khó khăn nhưng chúng ta hết sức tự hào khi ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo của chúng ta đều có hệ thống nhà trường và thậm chí đời sống của giáo viên vùng biên giới còn có những mặt thuận lợi hơn giáo viên ở thủ đô.
Tôi cũng đã đi lên các tỉnh vùng sâu vùng xa thì học sinh ở đây được hưởng các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước như chính sách của biên giới, chính sách của vùng đồng bào dân tộc, chính sách của vùng đồng bào nghèo. Đây là sự quan tâm, đồng hành rất lớn của toàn xã hội, trong đó có Hội khuyến học Việt Nam", ông khẳng định.
Bên cạnh đó, Hội Khuyến học tham gia tổ chức vận động xã hội để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu giáo dục đào tạo và các mục tiêu quốc gia như mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Điển hình là phong trào: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới". Đây là hoạt động nhân văn, hoạt động nhân ái, hoạt động tình người, hoạt động nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân. Hội cũng đã khơi dậy được khát vọng, tinh thần học tập trong xã hội, trong từng gia đình và từng cá nhân.
Hiện nay, chúng ta cũng phải khẳng định rằng Đảng, Nhà nước, chính quyền, doanh nghiệp doanh nhân đều quan tâm tạo điều kiện cho công tác giáo dục đào tạo. Lúc khó khăn thì sự quan tâm này lại càng tỏa sáng. Ngay trong Quân đội có mô hình "Nâng bước em tới trường" và nhiều mô hình rất hay để các cháu được học tập.
Trước đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng nói rằng "nhân tài nằm ở bìa rừng, góc núi rất nhiều". Nếu chúng ta chủ động tìm kiếm, phát triển, bồi dưỡng, đào tạo thì tài năng sẽ phát triển rất tốt.
Định hướng phát triển trong thời đại của "Bác sĩ Google", "Thầy giáo Google"…
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, đoàn làm việc đã ghi nhận những khó khăn vướng mắc của Hội Khuyến học Việt Nam và sẽ có chương trình phối hợp hành động cụ thể trong thời gian tới.
Chỉ đạo định hướng hoạt động Hội, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, muốn có chiến lược đúng, tốt, hiệu quả thì phải dự báo được tình hình.
"Bây giờ, tình hình chung của các nước ở thế giới khu vực cũng được tác động đến công tác giáo dục đào tạo. Công cuộc xây dựng con người của chúng ta vừa có hợp tác, vừa có thời cơ, thách thức, vừa có sự cạnh tranh khốc liệt. Đặc điểm thứ hai là xoay quanh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mà nền tảng của nó là sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đã tạo ra nhận thức rất mới, môi trường rất mới. Người ta gọi khái niệm rất chung là "không gian mạng" nhưng bản chất của nó là sự truyền tải, cập nhật, lưu trữ thông tin rất lớn, rất nhanh, tạm gọi là "thế giới phẳng". Điều đó tạo ra những thời cơ, liên kết toàn cầu trong đó có công tác giáo dục đào tạo.
Như tôi đã nói, bây giờ chúng ta có "Bác sĩ Google", "Thầy giáo Google". Có những tri thức chúng ta chưa kịp gặp được thầy, chưa kịp được hỏi ai thì trước mắt cứ phải hỏi Google. Hỏi Google nhưng phải có đối chứng từ nhiều chiều để chọn ra chân lý đúng và nhanh. Những kho lưu trữ dữ liệu khổng lồ này tác động vào sự nghiệp giáo dục đào tạo và hoạt động của hội chúng ta. Tất nhiên nó có hai mặt. Mặt tích cực rất lớn nhưng mặt tiêu cực, hạn chế cũng cần có khắc phục", ông Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý.
Bên cạnh đó, quan hệ kinh tế, quan hệ văn hóa, quan hệ giáo dục trong điều kiện ngày nay đa dạng hơn rất nhiều trong nhiều vấn đề…
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, trong bối cảnh đó, Hội Khuyến học Trung ương và địa phương cần tiếp tục quán triệt thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động đi vào cuộc sống. Từ đó, tạo ra khâu đột phá mới tạo sự chuyển biến về cơ bản, toàn diện, đồng bộ sự nghiệp giáo dục đào tạo gắn với phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng xã hội học tập. Đây là tư tưởng xuyên suốt. Quan điểm của Việt Nam là lấy con người làm trung tâm. Con người là mục tiêu, là động lực quan trọng nhất trong phát triển đất nước.
"Công tác giáo dục, công tác giáo dục, truyền thông, tuyên truyền giao cho Vụ Giáo dục & Đào tạo, Dạy nghề phối hợp với các Vụ của Ban Tuyên giáo Trung ương và phối hợp với Bộ GD-ĐT và các bộ ngành có liên quan để chủ động tham mưu và kịp thời tham mưu mang tính đột phá để nâng cao chất lượng hoạt động của Hội cũng như hiệu quả trong công tác theo dõi, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo đối với các Hội nói chung, trong đó có Hội Khuyến học Việt Nam", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ đạo.
Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch hội khuyến học Việt Nam GS.TS Nguyễn Thị Doan thay mặt toàn thể hội viên trân trọng cảm ơn Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã dành thời gian quý báu đến thăm và có buổi chỉ đạo, làm việc tại Hội.
Những chỉ đạo của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa mang chiều sâu và chiến lược cho Hội trong quá trình sắp tới để nâng cao chất lượng hoạt động và thực hiện mục tiêu, khát vọng giáo dục của dân tộc.
"Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam xin trân trọng tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trong dự báo tình hình, thời cơ thách thức và những mục tiêu cần phải làm, phấn đấu tạo đột phá mới để trở thành Hội mẫu mực", Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ.