20 năm bán bánh mì nuôi con ăn học

(Dân trí) - Nói đến gia đình ông Trần Nghĩa Hiệp và vợ là Nguyễn Thị Hiền Dịu, một gia đình giáo dân, có lẽ không ai ở tổ dân phố Vĩnh Tân, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) là không biết, bởi ông có biệt danh “Hiệp bánh mỳ” nuôi 5 người con thành đạt.

Vợ chồng ông xuất thân là xã viên của HTX thủ công từ những năm 1970 và sinh được 5 người con đều là gái. Cả hai vợ chồng đều không có công việc ổn định nên cuộc sống có rất nhiều khó khăn. Năm 1990, HTX thủ công ngừng hoạt động, cơ chế bao cấp xoá bỏ, vợ chồng ông đã bươn chải, làm đủ mọi nghề, kể cả đi làm thuê để kiếm tiền nuôi con ăn học. Song cái nghèo, cái khó cứ đeo đẳng.

 

Ông Hiệp tâm sự: "Mình nghèo vì mình ít học, không lẽ các con của mình lại cứ nối tiếp cảnh nghèo thế sao? Mơ ước các con được học hành chu đáo luôn cháy bỏng trong tôi. Từ đó, tôi cùng vợ hạ quyết tâm bằng mọi giá phải cho các con được học hành chu đáo. Tài sản vô giá cha mẹ cho con chỉ có thể là tri thức".

 

Ông bàn với vợ vay tiền bạn bè, bà con thân thích, ngân hàng làm vốn mở hàng nước, chăn nuôi, làm các loại bánh rán, bánh giò, bánh tẻ và lấy thêm bánh mỳ để bán, giao cho các quán.

 

Ngày nào cũng vậy, nắng cũng như mưa, vợ chồng ông phải thức dậy từ 2-3 giờ sáng để làm bánh, nhận thêm bánh mỳ đi giao bánh, đi bán dạo khắp các ngả đường thành phố cùng với chiếc xe đạp cà tàng và thùng bánh cao vút đầu cho đến 9-10 giờ đêm. Tuy cực khổ, vất vả nhưng ông bà không bao giờ bắt các con phải nghỉ học lao động trợ giúp, để chuyên tâm học hành.

 

Thấu hiểu được nỗi trăn trở, niềm khát khao, sự bươn chải vất vả, khó nhọc của bố mẹ, cả 5 người con đều chăm ngoan, học giỏi, yêu thương nhau, biết nghe lời bố mẹ. Ngoài thời gian học tập, các cháu tranh thủ hỗ trợ bố mẹ các công đoạn làm bánh và chăn nuôi...

 

Học hết phổ thông, các con ông Hiệp lần lượt đỗ vào các trường đại học. Ông tâm sự: "Vợ chồng tôi mừng vui khôn tả. Nhưng mừng bao nhiêu lại lo bấy nhiêu, chi phí ăn học cho các con ngày một tăng. Mỗi tháng phải chu cấp 1,2 triệu đồng cho mỗi đứa. Cuộc sống của gia đình lại càng thêm khó khăn, vất vả gấp bội. Nguy cơ các cháu phải bỏ học ngày một cận kề. Chính lúc này, vợ chồng tôi lại càng quyết tâm, nhất định phải đi đến đích. Mọi chi phí trong gia đình đều phải tằn tiện, giảm bớt để dành cho con".

 

Cảm thông với hoàn cảnh gia đình ông Hiệp, UBND phường Ngô Quyền đã chia sẻ niềm vui và động viên các cháu học tập bằng cách tạo điều kiện cho ông làm bảo vệ ở trường Mầm non Ngô Quyền để có thêm thu nhập ổn định. Ban giám hiệu nhà trường cũng dành cho ông lúc sáng sớm được nghỉ để có thời gian đi giao bánh, bán bánh. Hội khuyến học của phường, dòng họ Xứ động viên giúp đỡ. Dần dần, những khó khăn về sinh hoạt và tiền học cho các con cũng được khắc phục.

 

Trải qua 20 năm chịu đựng khó khăn và sự nghiệt ngã của cuộc sống nghèo đói, các con ông bà đã trưởng thành, lần lượt tốt nghiệp đại học, THCN, THPT. Gia đình ông Hiệp đã thoát nghèo nhờ có học. Ông được bà con dân phố cảm phục, tin yêu. Tại Đại hội đại biểu Hội Khuyến học tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ hai, ông được Đại hội bầu đi dự Đại hội biểu dương "Gia đình hiếu học" tiêu biểu toàn quốc lần thứ hai.

 

Nguyễn Hồng Quảng