18 trường đại học lớn có số lượng sinh viên vượt mức cho phép

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa công bố danh sách18 trường đại học có quy mô sinh viên đại học chính quy cao hơn quy định. Đáng chú ý, đây là những trường đại học lớn của cả nước.

 


Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015

Sau khi ban hành Thông tư 32 về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học (các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh là phải đảm bảo quy mô tối đa của trường, không vượt quá 15.000 sinh viên đại học chính quy, 8.000 đối với nhóm ngành sức khỏe và 5.000 đối với nhóm ngành nghệ thuật), Bộ GD-ĐT đã công bố danh sách 18 trường đại học lớn hiện đang có số lượng sinh viên vượt mức quy định cho phép.

Đó là các trường: ĐH Cần Thơ hiện đào tạo tới 32.405 sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam 30.360 sinh viên; trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội 30.487 sinh viên.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Vinh đào tạo hơn 20.000 sinh viên, vượt quy mô cho phép.

Các trường có quy mô dưới 20.000 sinh viên nhưng vượt quy mô cho phép 15.000 sinh viên là: Trường ĐH Thương mại, ĐH Xây dựng, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Thủy lợi, ĐH Mỏ - Địa chất. Riêng Y Dược TP.HCM đào tạo 11.445 SV, vượt quy mô cho phép đối với nhóm ngành sức khỏe (8.000 SV).  

Giải thích về vấn đề trên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Văn Áng cho biết, trong danh sách những trường trên, có nhiều trường tuyển vượt vài chục sinh viên, thậm chí vài trăm, với những trường này chúng tôi cho rằng không có vấn đề gì cả.

Tuy nhiên, ông Áng cho rằng, yêu cầu khống chế về quy mô tối đa không đặt ra ngay trong năm 2016 mà trong quy định của Thông tư 32 đã đưa ra lộ trình để giảm chứ không bắt phải làm ngay từ năm 2016 và chỉ tiêu tuyển sinh năm tới tối đa không được vượt quá năm 2015.

Về lâu dài Bộ vẫn yêu cầu các trường phải lập đề án trong đó xác định rõ quy mô đào tạo của họ. Trước mắt 2016 phải có đăng ký chỉ tiêu 2016 vừa đáp ứng yêu cầu của tiêu chí 1 và tiêu chí 2 trong Thông tư 32 và đồng thời không được vượt quá quy mô tuyển sinh năm 2015 được xác định theo Thông tư 57/2011/TT-BGDĐT.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho biết, hiện nay, trường có trên 16.000 sinh viên chính quy, khoảng 700 giảng viên. Nếu áp dụng theo Thông tư 32 thì nhà trường sẽ khó có thể chi trả các khoản chi thường xuyên và thu hút nguồn giảng viên chất lượng cao. Trong khi đó, chi phí cho các hoạt động thực hành, mua sắm vật phẩm, thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo chiếm gần hết, chỉ còn lại 30% số tiền trên để chi trả lương cho giảng viên thì rất khó khăn cho trường.

Ông Dũng cho rằng, không phải trường đại học nào cũng muốn tăng chỉ tiêu đào tạo nhưng cũng vì muốn có nguồn thu để nâng cao chất lượng đào tạo và ổn định các khoản chi trả thường xuyên nên nhiều trường có quy mô đào tạo “vượt trần” đã kiến nghị Bộ GD-ĐT nên xem xét lại việc siết chặt chỉ tiêu nguồn tuyển. Nếu Bộ GD-ĐT siết chặt quy mô đào tạo ở các trường đại học thì nên kèm theo là để cho các trường được phép tự quyết định mức thu học phí để bù đắp cho công tác đào tạo.

Được biết, năm 2014 – 2015, Bộ GD-ĐT đã rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng khi cam kết thành lập trường, mở ngành cho thấy không ít cơ sở đào tạo chưa đáp ứng được các điều kiện về đội ngũ GV, cơ sở vật chất, diện tích đất... theo quy định. Bộ GDĐT đã cảnh báo đối với 681 ngành đào tạo trình độ CĐ và thu hồi quyết định cho phép đào tạo đối với 32 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ (ThS) đã bị dừng tuyển sinh của 15 CSĐT do không đảm bảo điều kiện tuyển sinh trở lại.

Hồng Hạnh