18 thầy cô được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2020 là ai?
(Dân trí) - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký quyết định phong tặng danh hiệu "Nhà giáo Nhân dân" 2020 cho 18 cá nhân có công lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Trong số các nhà giáo được phong tặng lần này, có 1 người đang công tác tại trường tiểu học và 12 nhà giáo là giảng viên, 5 cán bộ quản lý đang công tác tại các cơ sở giáo dục đại học.
Dưới đây là 18 nhà giáo được phong tặng Nhà giáo nhân dân cùng với những cống hiến và dấu ấn nổi bật của họ:
1. Trung tướng, GS.TSKH Nguyễn Công Định, Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng.
Sau khi được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) năm 2010, nhà giáo Nguyễn Công Định tiếp tục đạt các nhiều thành tích trong giảng dạy và nghiên cứu. Trong đó, chủ trì 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Quốc phòng; Chủ tịch Hội đồng xây dựng 4 chương trình khung giáo dục đại học của Học viện…; tác giả chính 8 bài báo khoa học công bố trên tạp chí trong nước và quốc tế; hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Với những kết quả đã đạt được, Nhà giáo Nguyễn Công Định đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen năm 2012; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2016; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huy chương Quân kỳ Quyết thắng năm 2011.
2. PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ, Giám đốc Học viện Tài chính, Bộ Tài chính.
Nhà giáo Nguyễn Trọng Cơ được phong tặng danh hiệu NGƯT năm 2012, Ông chủ trì 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, bộ đã được nghiệm thu, áp dụng hiệu quả; chủ trì 8 đề tài nghiên cứu khoa học cấp học viện; tác giả 1 sách chuyên khảo, đồng tác giả 9 sách chuyên khảo và 6 giáo trình; tác giả chính 13 bài báo khoa học đã đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế; hướng dẫn 6 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 8 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 2 năm 2014.
3. GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại, Bộ GD&ĐT (GS.Đinh Văn Sơn chính thức nghỉ quản lý từ tháng 1/2021).
Sau khi được phong tặng danh hiệu NGƯT năm 2010, Nhà giáo Đinh Văn Sơn có 9 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 1 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua Toàn quốc năm 2018; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba (2013), Huân chương Lao động hạng nhì (2018); được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (2010)…
Trong giảng dạy, GS. Đinh Văn Sơn đã hướng dẫn sinh viên, học viên học tập, nghiên cứu khoa học, thực tập, thực hành đạt chất lượng và hiệu quả cao, có nhiều đóng góp trong việc đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học; chủ trì 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ đã được nghiệm thu, ứng dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực; tác giả 5 bài báo được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế; hướng dẫn 8 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 38 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ…
4. PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, TP Cần Thơ.
Năm 2010, PGS.TS Huỳnh Thanh Ngã được phong tặng danh hiệu NGƯT. Từ đó đến nay, PGS. Nhã đã 3 lần được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp Thành phố, 1 lần được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2020, 5 lần được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì năm 2016.
PGS. Huỳnh Thanh Nhã đã chủ trì 2 đề tài nghiên cứu khoa học, 5 giải pháp sáng kiến cấp thành phố được nghiệm thu và ứng dụng vào thực tiễn; tác giả chính 26 bài báo khoa học, trong đó có 3 bài đăng trên các tạp chí quốc tế.
5. PGS.TS Nguyễn Văn Dần, Trưởng khoa Kinh tế, Học viện Tài chính.
Nhà giáo Nguyễn Văn Dần tiếp tục Chủ trì 3 nhánh đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia đã được nghiệm thu, đồng chủ trì 3 đề tài nhánh cấp nhà nước và 1 đề tài nghiên cứu cấp bộ được nghiệm thu và ứng dụng hiệu quả; tác giả chính 16 bài báo đăng trên tạp chí trong nước và 2 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế; hướng dẫn 4 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng hai năm 2016.
6. GS.TS Đào Văn Long, Giảng viên cao cấp Bộ môn Nội, Trường ĐH Y Hà Nội.
Sau khi được phong tặng danh hiệu NGƯT năm 2008, Nhà giáo Đào Văn Long tiếp tục chủ trì 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, nghiên cứu viên chính 1 đề tài nghiên cứu lâm sàng cấp Bộ được nghiệm thu và ứng dụng vào thực tiễn; chủ biên 1 giáo trình, đồng chủ biên 4 sách chuyên khảo, tham gia biên soạn 1 giáo trình;
Ông là tác giả chính 38 bài báo khoa học, trong đó có 4 bài đăng trên các tạp chí quốc tế; hướng dẫn 4 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 5 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, 4 bác sĩ chuyên khoa, 2 bác sĩ nội trú; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba (2010), Huân chương lao động hạng nhì (2015).
7. GS.TS Nguyễn Viết Lâm, Giảng viên cao cấp, Khoa Marketing, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.
Sau khi được phong tặng danh hiệu NGƯT năm 2006, nhà giáo Nguyễn Viết Lâm tiếp tục chủ trì 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ được nghiệm thu và ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn; tác giả chính 18 bài báo khoa học (trong đó có 1 bài SCOPUS) được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế;
Hướng dẫn 8 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, hướng dẫn 32 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ; năm 2007 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, năm 2011 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
8. PGS.TS Trương Đình Chiến, Giảng viên cao cấp, Khoa Marketing, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.
Sau khi được phong tặng danh hiệu NGƯT năm 2014, nhà giáo Trương Đình Chiến Giảng chủ trì 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, chủ trì 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, chủ trì 1 nhánh đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước được nghiệm thu và ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn;
Ông là tác giả chính 6 bài báo khoa học; hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, hướng dẫn 19 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ; được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen (2015); Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2019.
9. GS.TS Võ Quang Minh, Trưởng Bộ môn Tài nguyên Đất đai, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường ĐH Cần Thơ.
10. GS.TS Võ Thanh Thu, Giảng viên cao cấp, Khoa Kinh doanh Quốc tế - Marketing, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.
Sau khi được phong tặng danh hiệu NGƯT năm 2008, nhà giáo Võ Thanh Thu tiếp tục chủ trì 6 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, 2 Dự án nghiên cứu khoa học quốc tế đã được nghiệm thu và ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn; tác giả chính 27 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế; hướng dẫn 7 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, hướng dẫn 9 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2019.
11. PGS.TS Trần Doãn Sơn, Giảng viên cao cấp, Bộ môn Chế tạo máy, Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM.
Sau khi được phong tặng danh hiệu NGƯT năm 2008, nhà giáo Trần Doãn Sơn được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (tháng 12/2008).
Ông đã chủ trì 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và 1 đề tài cấp thành phố, 1 nhiệm vụ khoa học thuộc dự án Jica, được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả; có 4 sáng kiến đã được cấp Bằng sáng chế; là tác giả chính của 22 bài báo trên các tạp chí quốc tế và tạp chí trong nước; đã hướng dẫn thành công 30 thạc sĩ.
12. GS.TS Lê Hoài Bắc, Giảng viên cao cấp, Khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM.
Nhà giáo Lê Hoài Bắc được phong tặng danh hiệu NGƯT năm 2012, Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ (2018), Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng hai (2017).
Ông đã chủ trì 3 đề tài NCKH cấp Nhà nước, 1 đề tài NCKH cấp Bộ và 1 đề tài NCKH cấp thành phố được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả; tác giả chính 12 bài báo khoa học trong đó 8 bài được đăng trên các tạp chí quốc tế, 4 bài được đăng trên các tạp chí trong nước; hướng dẫn thành công 9 nghiên cứu sinh và 30 học viên cao học.
13. GS.TS Nguyễn Thị Cành, nguyên Giảng viên cao cấp, Khoa Tài chính-Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế-Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM.
Sau khi được phong tặng danh hiệu NGƯT năm 2012, nhà giáo Nguyễn Thị Cành tiếp tục chủ trì 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ được nghiệm thu và ứng dụng hiệu quả; tác giả chính 9 bài báo khoa học, đồng tác giả 37 bài báo, tham gia 2 bài báo trong đó có 18 bài được đăng trên các tạp chí quốc tế.
Hướng dẫn thành công 3 nghiên cứu sinh và 25 học viên cao học; được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2017; giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2016.
14. GS.TSKH Đặng Hùng Thắng, Trưởng Bộ môn Xác suất-Thống kê, Khoa Toán-Cơ -Tin học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.
GS.TSKH Đặng Hùng Thắng được phong tặng danh hiệu NGƯT năm 2008. Ông có 2 đề tài NCKH cấp Nhà nước được nghiệm thu và ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn; tác giả chính 20 bài báo khoa học (quốc tế); hướng dẫn bảo vệ thành công 5 nghiên cứu sinh 39 thạc sĩ; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2018.
15. Bà Huỳnh Thị Phương Thảo, Giáo viên Trường Tiểu học Việt Lâm, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.
Cô Thảo được phong tặng NGƯT năm 2010. 28 năm công tác tại trường nằm trên địa bàn vùng sâu của huyện, trình độ dân trí còn thấp, gia đình học sinh còn nhiều khó khăn về kinh tế nên thường xuyên nghỉ học, để khắc phục tình trạng này, cô Huỳnh Thị Phương Thảo thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức nhiều hoạt động nhằm thu hút học sinh tự nguyện đến trường, đạt chất lượng, hiệu quả cao, tham gia nhiều Hội thi đổi mới phương pháp giảng dạy đạt giải cao;
Cô có 2 sáng kiến được Hội đồng sáng kiến cấp huyện đánh giá công nhận, 1 sáng kiến được Hội đồng ngành Giáo dục tỉnh công nhận, đã áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao, giúp đỡ 5 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, bồi dưỡng nhiều học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Nhà giáo Huỳnh Thị Phương Thảo được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2020. Cô cũng là nhà giáo duy nhất bậc phổ thông được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phong tặng Nhà giáo nhân dân lần này.
16. GS.TS, Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự.
Sau khi được phong tặng danh hiệu NGƯT năm 2008, nhà giáo Nguyễn Lạc Hồng tiếp tục chủ trì 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Quốc phòng, 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước;
Ông là tác giả chính 6 bài báo khoa học công bố trên tạp chí trong nước và quốc tế; hướng dẫn chính 4 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 41 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2016.
17. PGS.TS Trần Hữu Dàng, Giảng viên cao cấp, Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế.
Nhà giáo Trần Hữu Dàng là Giáo sư đầu ngành về nội tiết và chuyển hóa, nhà giáo đã chủ trì 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ và tỉnh được ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy và điều trị bệnh đem lại hiệu quả thiết thực; có 116 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế, trong đó là tác giả chính 34 bài;
Ông đã hướng dẫn chính 4 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, hướng dẫn 71 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú; được tặng Huân chương Lao động hạng 3 năm 2008.
18. PGS.TS Phan Trọng Ngọ, Giảng viên cao cấp Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Thầy Ngọ ược phong tặng danh hiệu NGƯT năm 2012. Nhà giáo Phan Trọng Ngọ đã công bố 33 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế; chủ nhiệm 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, chủ nhiệm 1 đề tài nghiên cứu khoa học Quỹ Nafosted được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả; được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2015.