14 đề thi THPT thử nghiệm và dự án triệu đô được khởi động
(Dân trí) - Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông với hàng triệu đô vừa được Bộ GD&ĐT chính thức khởi động; Hiệu trưởng “bỏ túi” trăm triệu tiền ăn của trẻ em và 14 đề thi thử nghiệm kỳ thi THPT quốc gia 2017 vừa mới công bố... là những sự kiện nổi bật trong tuần.
Thủ tướng ban hành danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân gồm: Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân cấp I, cấp II và cấp III. Trong đó, Cấp I: Trình độ giáo dục, đào tạo; Cấp II: Lĩnh vực giáo dục, đào tạo; Cấp III: Nhóm chương trình, nhóm ngành, nhóm nghề giáo dục, đào tạo.
Cụ thể, Danh mục cấp I gồm các trình độ giáo dục, đào tạo sau: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Danh mục cấp II, III gồm các lĩnh vực giáo dục, đào tạo và các nhóm chương trình, nhóm ngành, nhóm nghề giáo dục, đào tạo sau: Chương trình cơ bản (gồm chương trình giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông); chương trình xoá mù chữ; chương trình giáo dục chuyên biệt; khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; nghệ thuật (gồm mỹ thuật, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật nghe nhìn, mỹ thuật ứng dụng); nhân văn (gồm ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, nước ngoài); khoa học xã hội và hành vi (gồm kinh tế học, khoa học chính trị, xã hội học và nhân học, tâm lý học, địa lý học, khu vực học)...
Khởi động dự án triệu đô hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông
Chiều 17/1, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị khởi động dự án "Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông" (RGEP) với cam kết tài trợ cho vay 77 triệu USD (vốn ODA ưu đãi) và 3 triệu USD (vốn đối ứng) từ Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam để thực hiện dự án.
Ông Đoàn Văn Ninh - Giám đốc Ban quản lý dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cho hay, kết quả đầu ra chính của dự án gồm 7 nội dung: Chương trình giáo dục phổ thông mới dựa trên năng lực được ban hành; Tài liệu hướng dẫn dạy học và tài liệu hướng dẫn biên soạn sách giáo khoa cho các tổ chức, cá nhân; Bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT biên soạn được phê duyệt cho phép sử dụng; Học sinh khó khăn được mượn sách giáo khoa mới; Sách giáo khoa song ngữ (tiếng Việt – tiếng dân tộc thiểu số); Hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng được đưa vào hoạt động; Hệ thống đánh giá định kỳ năng lực giáo dục quốc gia được xây dựng và áp dụng.
Dự án bao gồm 4 thành phần, trong đó thành phần “Hỗ trợ biên soạn và thực hiện sách giáo khoa theo chương trình mới” chiếm 25% kinh phí. Thành phần “Hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông” chiếm gần 50% kinh phí. 25% còn lại dành cho hai thành phần “Hỗ trợ phát triển chương trình” và “Quản lý dự án”.
Công bố 14 đề thi thử nghiệm kỳ thi THPT quốc gia 2017
Chiều 20/1, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố bộ đề thi thử nghiệm 14 môn thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 để thí sinh và các nhà trường có thêm cơ sở tham khảo, vận dụng trong dạy học và ôn tập.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT tiếp tục triển khai xây dựng bộ đề thi thử nghiệm theo 5 bài thi để công bố rộng rãi ngay sau khi học sinh lớp 12 hoàn thành chương trình năm học 2016-2017 (dự kiến giữa tháng 5/2017), giúp các cơ sở giáo dục và thí sinh tập dượt, làm quen với định dạng đề thi và phương thức thi theo bài để tiếp tục ôn luyện, chuẩn bị thi.
Ma trận đề thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã được xây dựng phù hợp với hình thức thi theo bài đã công bố trong Phương án thi. Căn cứ ma trận đề thi, Bộ GD-ĐT xây dựng các đề minh họa làm cơ sở cho giáo viên và học sinh tham khảo trong dạy học và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi.
Đình chỉ hiệu trưởng “bỏ túi riêng” hàng trăm triệu đồng tiền ăn của trẻ
Liên quan vụ bà Ngô Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Ngọc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) “bỏ túi riêng” hàng trăm triệu đồng tiền ăn của trẻ, UBND quận Liên Chiểu vừa có quyết định đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng đối với bà Hòa.
Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, theo kết luận của Thanh tra Quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), qua thanh kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động nhà trường tại Trường Mầm non Tuổi Ngọc, phát hiện trường này sai phạm quy định hành chính, pháp luật trong thu chi hành chính với tổng số tiền hơn 628 triệu đồng. Trong đó, thu tiền học năng khiếu của trẻ không nhập quỹ gần hơn 195 triệu đồng, phần chênh lệch từ tiền ăn các bữa và tiền sữa của trẻ từ tháng 9/2015 - 5/2016 là hơn 433 triệu đồng.
Từ tổng số tiền sai phạm quy định hành chính, pháp luật hơn 628 triệu đồng, bà Ngô Thị Hòa đã lấy sử dụng cho mục đích cá nhân gần 200 triệu đồng; sử dụng chi cho các hoạt động không đúng mục đích của nhà trường hơn 428 triệu đồng.
Bộ Công thương lên tiếng về kết luận thanh tra tại trường ĐH Điện lực
Bộ Công thương vừa có thông báo chính thức về việc thực hiện kế luận thanh tra Trường ĐH Điện lực được dư luận phản ánh trong thời gian qua.
Theo đó, ngày 12/10, Bộ Công thương đã thành lập Tổ công tác đôn đốc, giám sát việc thực hiện Kết luận thanh tra về một số sai phạm, hạn chế của Trường ĐH Điện lực trong công tác tuyển sinh, liên kết đào tạo, quản lý chất lượng đào tạo…
Tổ công tác đã yêu cầu Trường ĐH Điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện một việc như báo cáo việc thực hiện kết luận thanh tra 3 lần vào các ngày 31/10, 5/12 và 30/12.
Trường ĐH Điện lực cũng công khai kết luận thanh tra 8674/KL-BCT ngày 16/9 của Thanh tra Bộ Công thương đồng thời tiến hành rà soát các khoản thu, chi tài chính của một số lớp liên kết đào tạo, rà soát số sinh viên của các lớp liên thông, liên kết về điều kiện đầu vào, tuyển sinh, kết quả đào tạo, điều kiện tốt nghiệp…
Bên cạnh đó, Trường ĐH Điện lực cũng kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của trường khi để xảy ra các sai phạm, thiếu sót, tiến hành xử lý kỷ luật những tập thể, cá nhân có sai phạm.
Mỹ Hà