Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2006:

139 thí sinh và 1 giám thị vi phạm quy chế

(Dân trí) - 3 ngày thi tốt nghiệp THPT năm 2006 vừa kết thúc. Mặc dù ngành giáo dục đã hết sức cố gắng nhưng tình hình lộn xộn vẫn chưa được chấn chỉnh, “phao” vẫn rải trắng nhiều trường thi và theo như thừa nhận của Phó chánh thanh Trần Bá Giao thì: “Lực bất tòng tâm”.

Tuy nhiên, trong buổi họp báo ngay sau môn thi cuối cùng kết thúc vào chiều qua, 2/6, Bộ GD-ĐT cũng có đưa ra được một giải pháp đối phó với những tệ nạn nhức nhối này vào lúc hậu thi.

 

Xử lý giám thị, Bộ không… trực tiếp làm được!

 

Trong 3 ngày thi, tổng cộng trên toàn quốc có 879.970 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và 186.654 thí sinh dự thi bổ túc THPT. Tổng số thí sinh bỏ thi là 6.193 thí sinh, trong đó thí sinh THPT bỏ thi là 1.524 và 4.669 là thí sinh bổ túc. Có tất cả 31 thí sinh THPT và 108 thí sinh bổ túc vi phạm quy chế. Như vậy, so với số thí sinh dự thi thì số thí sinh vi phạm quy chế chỉ chưa đến 1% .

 

Tuy nhiên, một kết quả khác không bất ngờ nhưng rất buồn cười là với 2.609 hội đồng thi cùng 45.498 phòng thi và có sự tham gia của 127.898 cán bộ giáo viên, chỉ duy nhất có 1 giáo viên vi phạm quy chế! Trong khi, tại cả ba ngày thi, ngày nào cũng diễn ra cảnh ào ào tuồn bài của… giám thị. Thậm chí, có một giám thị của tỉnh Hà Tây đã quay được cận cảnh tình hình.

 

Giải thích cho “nghịch cảnh” này, ông Trần Bá Giao cho rằng: Việc xử lý giám thị, Bộ không trực tiếp làm được. Trong số 5 đoàn thanh tra của Bộ thì đã báo cáo lập biên bản 13 trường hợp. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã lập 64 đoàn thanh tra uỷ quyền ở các tỉnh để thanh tra chéo. Mặt khác, muốn xử lý thì phải có chứng có rõ ràng.

 

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2006, 15 Sở GD-ĐT có thí sinh bị kỷ luật. Có 40 thí sinh đi muộn không được dự thi, 51 thí sinh bị tai nạn giao thông. Tại Quảng Nam, đã phát hiện 1 trường hợp thi hộ.

 

5 đoàn thanh tra của Bộ đã đi 10 tỉnh, trực tiếp xử lý 13 thí sinh và 1 giáo viên vi phạm qui chế.

Bộ sẽ làm nghiêm túc trên nguyên tắc không bao giờ che giấu một tổ chức, cá nhân nào nhưng quy trình cụ thể thì phải theo văn bản pháp quy vì xử lý 1 cán bộ chúng ta phải có bằng chứng cụ thể, phân cấp đến đâu, ai xử lý. Trong trường thì hiệu trưởng phải xử lý giáo viên. Còn giám đốc Sở thì Bộ trưởng có trách nhiệm.

 

Thứ trưởng Long có khẳng định thêm, nếu có bằng chứng thì chúng tôi sẽ xử lý thật nặng để làm gương cho sang năm. Song, cũng theo ông Long, nói thật là Bộ không làm nổi!

 

“Bó tay” trước Hà Tây

 

Về việc trong dư luận mấy ngày qua liên tục cho rằng đề thi một số môn bị rò rỉ, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiếm định chất lượng Nguyễn An Ninh nhấn mạnh: “Đó chỉ là tin đồn thất thiệt lộ gây hoang mang cho thí sinh. Việc này có tác động không nhỏ đến kỳ thi.

 

Thông tin lộ đề ở Hà Tây thì đó là việc lọt đề chỉ có trong hội đồng thi ra ngoài chứ không phải lộ đề. Tôi khẳng định lại là lọt đề chứ không lộ đề. Nhưng để lọt đề thì cũng là rất nghiêm trọng. Sau khi thi có 20 phút mà lọt đề thì chúng tôi cũng đành chịu.

 

Chúng tôi được biết là họ còn nhét cả bài giải vào khe tường để học sinh ra lấy, trong khi đó có nơi công an làm ngơ. Lọt đề này không phải trách nhiệm cơ quan Trung ương mà đó là trách nhiệm của địa phương”.

 

Hà Tây là vấn đề được đưa bên bàn nghị luận nhiều nhất. Khi bàn đến điểm nóng nhức nhối này, các lãnh đạo Bộ đều cho rằng Bộ không thể khắc phục được vì phải có quá trình và phải có sự cố gắng của không chỉ ngành giáo dục mà phải là tất cả các ban ngành khác.

 

Bộ cũng đã có yêu cầu Hà Tây xử lý nghiêm khắc đối với giáo viên phân công coi thi vi phạm quy chế. Lộn xộn trong phòng thi là trách nhiệm của ngành giáo dục và địa phương. Nếu sang năm hội đồng thi này không cam kết sẽ tổ chức được nghiêm túc thì sẽ không tổ chức tại hội đồng thi đó mà chuyển sang hội đồng khác để thi.

 

Tuy nhiên, Bộ cũng có lưu ý: Hà Tây là một “điểm nóng” đặc biệt, không nên lấy Hà Tây suy ra toàn quốc. Kết luận về tình hình thi tốt nghiệp THPT năm nay, Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết: “Diễn ra bình thường, nghiêm túc, đúng kế hoạch, đúng quy chế, an toàn”.

 

Ở khâu chấm thi, Bộ có “hé mở” ra một giải pháp cho việc phải “bó tay” trước giám thị và “phao” là: Trong đợt chấm thi tới, Trung tâm Tin học của Bộ sẽ áp dụng một công nghệ mới để phát hiện được những phòng thi ẩu thông qua kết quả chấm thi.

 

Ngay sau kỳ thi, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành chỉ đạo công tác chấm thi. Địa phương nào chấm bài của thí sinh tại nơi đó, trừ một số tỉnh, nhờ Cục Khảo thí chấm bài thi trắc nghiệm ngoại ngữ, do đây là lần đầu triển khai hình thức thi này. Ngày 16/6, kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ được công bố trên toàn quốc.

 

Mai Minh - Hồng Hạnh

Dòng sự kiện: Thi tốt nghiệp THPT 2006