12 trường đại học phía Bắc công bố phương án tuyển sinh, thêm ngành mới
(Dân trí) - 12 trường đại học phía Bắc công bố phương án tuyển sinh, trong đó một số trường công bố ngành mới.
Chiều 20/1, Học viện Kỹ thuật quân sự cho biết, dự kiến tuyển sinh hệ dân sự sau 6 năm tạm dừng.
Theo đó, năm 2025, Học viện Kỹ thuật quân sự (MTA) dự kiến mở lại các chương trình đào tạo hệ kỹ sư dân sự với 8 ngành đào tạo gồm: Công nghệ thông tin; Khoa học máy tính; An toàn thông tin; Kỹ thuật Điện tử - viễn thông; Kỹ thuật Điều khiển và tự động hóa; Kỹ thuật Cơ điện tử; Kỹ thuật cơ khí; Kỹ thuật xây dựng.
Theo lãnh đạo Phòng Đào tạo Học viện, kể từ năm 2019, nhà trường tạm dừng hệ dân sự.
Việc đào tạo dân sự đã được Học viện thực hiện trước đây với nhiều ngành nhưng điểm mới năm nay, sẽ chỉ đào tạo hệ dân sự ở một số ngành có thế mạnh. Hiện công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, khi có lệnh của Bộ Quốc phòng, Học viện sẽ triển khai ngay công tác tuyển sinh hệ dân sự.
So với năm ngoái, năm nay Trường đại học Luật Hà Nội dự kiến tuyển 2.650 sinh viên, tăng 150 so với năm ngoái, đồng thời mở hai chương trình mới.
Về phương thức tuyển sinh, tại trụ sở chính, nhà trường dự kiến xét tuyển theo bốn phương thức, giữ ổn định so với năm ngoái.
Năm nay, trường vẫn tiếp tục xét tuyển dựa trên kết quả học tập của bậc THPT theo các tổ hợp được xác định cụ thể cho từng ngành (có xem xét quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế).
Ngoài ra, năm 2025, trường xây dựng và ban hành chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Luật và Luật kinh tế. Trong đó, chương trình Luật chất lượng cao dự kiến tuyển 240-300 sinh viên, chương trình Luật kinh tế chất lượng cao tuyển 80-100 chỉ tiêu.
Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển 4.120 sinh viên bằng các phương thức: xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT; dựa vào chứng chỉ quốc tế như SAT, A-Level, ACT; xét điểm thi đánh giá năng lực (HSA) do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trường mở 4 ngành và chương trình đào tạo mới, gồm: Khoa học dữ liệu (chương trình Khoa học và Kỹ thuật dữ liệu), Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông định hướng Thiết kế vi mạch, Công nghệ vật liệu (chương trình Công nghệ vật liệu và Vi điện tử) và Công nghệ sinh học (chương trình Công nghệ kỹ thuật sinh học).
Ngoài ra, trường tăng chỉ tiêu ở một số ngành thế mạnh như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật máy tính.
Về tổ hợp xét tuyển, trường mở rộng để phù hợp với lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài 4 tổ hợp truyền thống là A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, lý, Anh), D01 (toán, văn, Anh), B00 (toán, hóa, sinh), trường xét tuyển bằng 2 tổ hợp có môn tin là toán, Anh, tin và toán, lý, tin.
Trường ĐH Y Hà Nội dự kiến giữ ổn định các phương thức tuyển sinh so với năm trước, gồm: xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét dựa vào điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội (HSA). Tuy nhiên nhà trường dự kiến sẽ điều chỉnh các tổ hợp xét tuyển.
Đặc biệt, phương án tuyển sinh của Trường ĐH Y Hà Nội dự kiến mở thêm 2 ngành mới gồm Công tác xã hội và Kỹ thuật hình ảnh y học.
Năm ngoái, Trường ĐH Y Hà Nội cũng đã mở 3 ngành mới là Tâm lý học, Hộ sinh và Kỹ thuật phục hình răng. Đó cũng là năm đầu tiên nhà trường xét tuyển tổ hợp C00 (văn, sử, địa) và D01 (toán, văn, Anh) với một số ngành.
Năm 2025, Đại học Bách Khoa Hà Nội vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh trong năm 2025, gồm: xét tuyển tài năng; xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy (dự kiến chỉ tiêu tăng nhẹ); xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (dự kiến giảm chỉ tiêu từ 50% xuống còn 40%).
Kỳ thi đánh giá tư duy (TSA) năm 2025 của trường vừa tổ chức xong đợt thi đầu tiên vào ngày 18/1 vừa qua. Như vậy, nhà trường còn 2 đợt thi, mỗi đợt sẽ có 3-4 kíp tại 30 điểm.
Để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2023, nội dung và hình thức thi TSA đã được thực hiện theo đúng thiết kế và giữ ổn định trong nhiều năm tới.
Năm 2025, Đại học Kinh tế quốc dân dự kiến giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh, gồm: xét tuyển thẳng (2%); xét tuyển kết hợp (83%) và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT (15%).
Với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025, Đại học Kinh tế quốc dân chỉ sử dụng 4 tổ hợp là A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, lý, Anh), D01 (toán, văn, Anh) và D07 (toán, hóa, Anh) thay vì 9 tổ hợp như năm 2024.
Năm 2025, ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT từ 18% xuống còn 15% và không xét tuyển các tổ hợp B00, C03, C04, D09, D10.
Phần chỉ tiêu 3% này được nhà trường đưa vào phương thức xét tuyển riêng theo đề án của trường từ 80% năm 2024 lên 83% năm 2025.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Dân trí, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho biết, trong 10 năm trở lại đây, nhà trường luôn duy trì ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, xét tuyển kết hợp và xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Quan điểm của nhà trường sẽ cố gắng duy trì 3 phương thức này, nếu có thay đổi chăng nữa, trong mỗi phương thức sẽ có thêm, bớt các tiêu chí.
Trường ĐH Thương mại dự kiến năm 2025 sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường sẽ tăng số chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức khác như đánh giá tư duy, đánh giá năng lực.
Trong khi đó, ĐH Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển 7.990 chỉ tiêu cho 62 ngành/chương trình đào tạo theo 5 phương thức, gồm: Xét tuyển thẳng không giới hạn chỉ tiêu, xét tuyển theo điểm chứng chỉ quốc tế/giải học sinh giỏi kết hợp với điểm tổng kết học bạ cả ba năm THPT của 3 môn theo tổ hợp, xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội/ĐH Bách khoa Hà Nội kết hợp học bạ.
Như vậy năm 2025, ĐH Công nghiệp Hà Nội đã bỏ xét độc lập điểm học bạ, thay vào đó là kết hợp học bạ với chứng chỉ quốc tế, giải học sinh giỏi, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy.
Về tổ hợp xét tuyển, trường dự kiến bổ sung một số tổ hợp mới gồm A0C (toán, lý, công nghệ), A0T (toán, lý, tin học), B0C (toán, hóa, công nghệ), D0C (toán, tiếng Anh, công nghệ), D0G (toán, tiếng Anh, giáo dục kinh tế và pháp luật).
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 thông báo các phương thức tuyển sinh đào tạo trình độ đại học hình thức chính quy năm 2025 như sau: Xét tuyển thẳng; xét tuyển học bạ THPT; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội; ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh, Trường ĐHSP Hà Nội, Trường ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh; xét tuyển sử dụng kết quả thi tuyển sinh riêng của Trường ĐHSP Hà Nội 2.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ giảm chỉ tiêu điểm thi THPT. Tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực do trường tổ chức sẽ tăng dần qua các năm và giảm dần tỷ lệ sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trường ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên năm 2025 tuyển sinh theo các phương thức: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Thái Nguyên (V-SAT-TNU), xét học sinh dự bị đại học, dùng kết quả tốt nghiệp hoặc kết hợp điểm thi này với thi năng khiếu thể dục - thể thao.
So với năm ngoái, trường bỏ hai phương thức là xét tuyển học bạ và kết hợp học bạ với điểm thi năng khiếu (ngành Giáo dục mầm non).