12 giáo viên Việt Nam nhận học bổng của Đại sứ quán Đức

(Dân trí) - Theo lời mời của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, một nhóm gồm 12 giáo viên Việt Nam dạy tiếng Đức vừa tham dự các giờ dạy tiếng Đức trong 4 tuần tại một số trường THCS và PTTH ở bang Nordrhein Westfalen, CHLB Đức.

Đây là chương trình do Cơ quan Trao đổi Sư phạm Đức (PAD) tổ chức dựa trên nguồn kinh phí của Chính phủ CHLB Đức.

 

Học bổng cấp cho các giáo viên bao gồm các khoản sinh hoạt phí, hỗ trợ nhà ở, chi phí đi lại cũng như bảo hiểm.

 

Thông qua các giờ dự thính tại các trường của Đức, các giáo viên dạy tiếng Đức đến từ Việt Nam đã tiếp thu thêm nhiều kiến thức chuyên môn cũng như kiến thức về đất nước học hữu ích giúp cho việc chuẩn bị giáo án giảng dạy tiếng Đức ở trường nơi mình công tác.

 

12 giáo viên Việt Nam nhận học bổng của Đại sứ quán Đức - 1
Các giáo viên nhận học bổng chụp hình lưu niệm với Đại sứ Đức tại Hà Nội Rolf Schulze trong khuôn viên Đại sứ quán Đức tại Hà Nội trong buổi gặp mặt trước khi lên đường sang Đức.

 

Trong khuôn khổ chương trình dự giờ Đức ngữ hàng năm dành cho các giáo viên dạy tiếng Đức trên toàn thế giới, vào năm 2009, lần đầu tiên một giáo viên Việt Nam đã được sang dự giờ tại trường học ở Đức. Riêng trong năm 2010 - "năm Đức tại Việt Nam”, năm đánh dấu sự kiện đặc biệt 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa CHLB Đức và CHXHCN Việt Nam, nhiều học bổng của chương trình này đã được cấp cho các giáo viên Việt Nam.

 

Theo số liệu của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, chỉ trong vài năm qua, con số học sinh học tiếng Đức ở các trường phổ thông tại Việt Nam đã tăng lên một cách đáng kể: từ 170 em học sinh trong năm học 2007 đến nay con số đã tăng lên hơn 1.200 em (tính đến hết tháng 9 năm 2010). 
 

Tính đến nay, tại Việt Nam, đã có 7 trường phổ thông được công nhận là thành viên của mạng lưới "Trường học - Đối tác của tương lai'' (PASCH). Sáng kiến PASCH do Bộ Ngoại giao Đức khởi xướng và được triển khai trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, chương trình do Đại sứ quán Đức tại Hà Nội điều phối với sự hợp tác chặt chẽ của Viện Gớt và Trung tâm Giáo dục Phổ thông của Đức ở nước ngoài (ZfA). 

 
PV