11 lý do khiến trẻ chọn cách im lặng khi bị bắt nạt

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Khi trở thành nạn nhân của hành vi bắt nạt, trẻ phải chịu những tổn thương tâm lý, bao gồm cảm giác bị cô lập và sỉ nhục. Lo lắng, sợ hãi, trẻ thường chọn cách im lặng...

Lý do rất đa dạng và thay đổi, tùy theo tính cách và hoàn cảnh của từng trẻ. Nhưng nhìn chung, đa số trẻ đều cảm thấy khó hiểu khi lần đầu tiên bị bắt nạt và không biết nên xử lý tình huống ra sao.

Một báo cáo cho thấy 54% học sinh bị bắt nạt không nói cho người lớn biết. Dưới đây là một số lý do khiến trẻ có thể do dự khi thừa nhận rằng mình đang bị bắt nạt.

1. Xấu hổ

Bắt nạt là phô trương về sức mạnh và sự kiểm soát khiến "mục tiêu" cảm thấy bất lực hoặc yếu ớt. Đối với nhiều đứa trẻ, hành động này tạo ra cảm giác xấu hổ và không muốn thừa nhận.

Đôi khi, trẻ em bị bắt nạt vì điều gì đó mà chúng vốn đã nhạy cảm, chẳng hạn như ngoại hình. Trong một số trường hợp khác, hành vi ngược đãi có thể tồn tại dưới dạng lời cáo buộc về hành động nào đó chúng đã làm. Thế nên, với một số trẻ, việc nêu rõ "khuyết điểm" của mình khi kể lại chuyện với người lớn còn tồi tệ hơn cả việc bị bắt nạt.

11 lý do khiến trẻ chọn cách im lặng khi bị bắt nạt - 1

Với một số trẻ, việc nêu rõ "khuyết điểm" của mình khi kể lại chuyện với người lớn còn tồi tệ hơn cả việc bị bắt nạt (Ảnh: Shutterstock).

Một cuộc khảo sát cho thấy 44% học sinh, sinh viên ở Mỹ cảm thấy họ bị bắt nạt vì ngoại hình; 16% cho rằng mình bị nhắm mục tiêu vì chủng tộc. Trong khi đó, 14% học sinh cảm thấy mình bị bắt nạt vì người khác nghĩ họ là người đồng tính, 12% cảm thấy mình bị đơn độc vì nghèo và 7% cảm thấy mình bị bắt nạt vì khuyết tật của mình. Tất cả các tình huống này đều là những vấn đề mà trẻ em thường nhạy cảm và không muốn thảo luận.

2. Sợ bị trả thù

Thông thường, trẻ cảm thấy việc "mách" sẽ không làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Thay vào đó, trẻ cảm thấy bất lực và lo lắng kẻ bắt nạt có thể khiến cuộc sống của mình trở nên tồi tệ hơn.

Theo khảo sát, 40% trẻ nói rằng những kẻ bắt nạt thường có ngoại hình to và khỏe; trong khi 56% thừa nhận kẻ bắt nạt có khả năng ảnh hưởng đến thiện cảm của học sinh khác đối với chúng.

Do đó, trẻ thà cố gắng chống chọi một mình. Thậm chí, một số em tin rằng, nếu tiếp tục giữ im lặng thì hành vi bắt nạt cũng sẽ chấm dứt. Nếu chia sẻ với một người lớn, trẻ sẽ muốn họ hứa không làm lớn chuyện.

3. Lo lắng về việc làm cho hành vi bắt nạt tồi tệ hơn

Khi bạn phát hiện ra con mình đang bị bắt nạt, điều tự nhiên là bạn sẽ phản ứng bằng hành động ngay lập tức. Tuy nhiên, xu hướng muốn giải quyết vấn đề của bạn có thể là lý do chính khiến trẻ ngần ngại kể cho bạn những chuyện đang xảy ra.

Để giảm bớt sự lo lắng cho con, điều quan trọng bạn cần phải kiềm chế phản ứng ngay lập tức của mình. Bạn hãy hỏi trẻ xem chúng muốn xử lý tình huống như thế nào và mong bạn giúp gì. Nếu trẻ muốn bạn không nói gì, hãy tôn trọng yêu cầu đó. Phụ huynh không nên đăng gì lên mạng hay tự ý liên lạc với nhà trường và các bên liên quan để làm rõ sự việc, vì làm như thế chỉ khiến mọi thứ trở nên căng thẳng hơn và trẻ sẽ mất đi sự tin tưởng ở bạn.

4. Mong muốn được hòa nhập

Nhiều trẻ cảm thấy rằng chúng cần phải chấp nhận việc bắt nạt để được hòa nhập. Các em chịu đựng điều đó như một cách để duy trì vị thế trong nhóm. Chính vì tâm lý này nên hành vi bắt nạt lại tiếp tục diễn ra. Sự kết hợp giữa áp lực và bắt nạt bạn bè này thường tồn tại trong các bè phái tại trường học.

11 lý do khiến trẻ chọn cách im lặng khi bị bắt nạt - 2
Nhiều trẻ cảm thấy rằng chúng cần phải chấp nhận việc bắt nạt để được hòa nhập (Ảnh: Shutterstock).

Những đứa trẻ trở thành nạn nhân thường khao khát sự chấp nhận từ chính những người đang bắt nạt chúng. Để tiếp tục là một phần của nhóm, trẻ có thể dung túng tình bạn giả tạo và những hành vi xấu tính, đặc biệt nếu người bắt nạt họ có địa vị cao hơn chúng.

Trên thực tế, 50% học sinh bị bắt nạt ở độ tuổi từ 12 đến 18 báo cáo rằng những người bắt nạt chúng có ảnh hưởng xã hội nhiều hơn và 31% cho biết những người đó cũng có nhiều tiền hơn.

5. Mối quan tâm về việc được tin tưởng

Nhiều khi, những kẻ bắt nạt là những đứa trẻ mà giáo viên và cha mẹ ít nghi ngờ nhất. Đó là những đứa trẻ nổi tiếng, học giỏi ở trường hoặc có địa vị cao trong cộng đồng. Do đó, trẻ lo sợ người khác cho rằng mình đang bịa chuyện nếu báo cáo về việc bị bắt nạt.

6. Không muốn trở thành "kẻ mách lẻo"

Hầu hết các vụ bắt nạt xảy ra khi người lớn vắng mặt hoặc không đủ gần để chứng kiến hành vi. Những địa điểm đó có thể là cầu thang, hành lang tối, phòng tắm, phòng thay đồ…

Để nhận được sự giúp đỡ, người bị bắt nạt cần phải nói với ai đó hoặc hy vọng rằng người ngoài cuộc sẽ báo cáo sự việc. Vì không ai muốn bị cho là kẻ mách lẻo nên hầu hết các vụ bắt nạt không được báo cáo.

Các nạn nhân của bắt nạt thường sợ bị gọi là kẻ xấu, em bé, con chuột hoặc một kẻ đáng ghét hơn là chịu đựng sự bắt nạt liên tục, vì vậy trẻ quyết định giữ im lặng.

Để thay đổi văn hóa giữ bí mật về hành vi bắt nạt này, các nhà giáo dục cần đảm bảo rằng họ tạo ra một môi trường mà việc báo cáo hành vi bắt nạt sẽ không công khai người lên tiếng. Điều này cũng có nghĩa là họ cần phải cẩn thận về cách họ xử lý các báo cáo về bắt nạt.

7. Cảm thấy bản thân đáng bị đối xử tệ

Trẻ em thường rất ý thức về lỗi lầm của mình. Kết quả là nếu ai đó chỉ ra một trong những khuyết điểm đó và chế nhạo chúng, nhiều đứa trẻ sẽ tự động cho rằng chúng đáng bị đối xử như vậy.

11 lý do khiến trẻ chọn cách im lặng khi bị bắt nạt - 3
Đôi khi trẻ cho rằng bản thân đáng bị đối xử tệ như vậy và không phản kháng (Ảnh: Shutterstock).

Khi một đứa trẻ quá tự ti hoặc thiếu lòng tự trọng, chúng có thể nghĩ rằng những lời chế nhạo đó là đúng sự thật và bản thân không thể chống chế, từ đó trẻ ngầm đồng ý với hành động của kẻ bắt nạt.

8. Không nhận ra mình bị bắt nạt

Bắt nạt thể chất rất dễ nhận ra và có nhiều khả năng bị báo cáo hơn. Mặt khác, các hình thức bắt nạt tinh vi hơn như gây hấn trong mối quan hệ, có khả năng không được xem là bắt nạt và không được báo cáo.

Trẻ em có thể không nhận ra rằng việc tung tin đồn, tẩy chay người khác và phá hoại các mối quan hệ cũng là những hình thức bắt nạt. Ngay cả những hành vi thiếu tế nhị như trêu chọc cũng có thể biến thành bắt nạt.

Vì lý do này, điều quan trọng là cha mẹ và nhà trường phải nói chuyện với trẻ về những khả năng cấu thành hành vi bắt nạt. Đảm bảo rằng con bạn biết rằng tình bạn và mối quan hệ lành mạnh bao gồm sự tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau.

9. Trẻ cho rằng việc báo cáo sẽ không giúp ích gì

Bất chấp tất cả những tiến bộ trong việc ngăn chặn bắt nạt, trẻ em vẫn cần phải cứng rắn trong những tình huống khó khăn. Nhiều trẻ cho rằng người lớn sẽ không giúp đỡ hoặc lo sợ người lớn không hài lòng và tức giận.

Trẻ cũng có thể nghĩ rằng người lớn mong đợi chúng tự xử lý tình huống hơn là việc báo cáo như một đứa trẻ con yếu ớt. Khi càng lớn, chúng càng có xu hướng giấu nhẹm, chỉ có 39% học sinh trung học bị bắt nạt báo cáo về hành vi quấy rối và ngược đãi mà mình đang gặp phải.

11 lý do khiến trẻ chọn cách im lặng khi bị bắt nạt - 4

Nhiều trẻ chọn cách im lặng chịu đựng khi bị bắt nạt (Ảnh: Shutterstock).

Ngoài ra, nhiều trường học không phân biệt được sự khác biệt giữa việc kiểm tra và báo cáo. Thay vào đó, nhà trường tập trung vào việc nâng cao thành tích học tập nên không quan tâm đến việc khác và khuyến khích các em tự giải quyết mọi vấn đề. Điều này có thể đặc biệt rắc rối nếu học sinh cố gắng tự mình đối phó với các tình huống tiềm ẩn bạo lực.

10. Không biết cách báo cáo

Trong các trường hợp liên quan đến bắt nạt trên mạng, người thực hiện hành vi bắt nạt thường ẩn danh hoặc không rõ danh tính, vì vậy trẻ thường không biết liệu việc báo cáo bắt nạt có giúp ngăn chặn hành vi đó hay không. Chúng cũng không chắc chắn cách báo cáo vụ bắt nạt trực tuyến thông qua các ứng dụng mạng xã hội và nhà cung cấp dịch vụ internet sẽ có kết quả tốt.

Hơn 1/4 thời gian, trẻ em bị đe dọa trực tuyến không báo cáo về hành vi bắt nạt hoặc chúng cho rằng bản thân không thể làm gì về các sự cố xảy ra trực tuyến.

Các bậc phụ huynh và nhà trường cần dạy trẻ cách giải quyết tình trạng đe dọa trực tuyến một cách hiệu quả, bao gồm hướng dẫn trẻ cách báo cáo những người bắt nạt.

Cha mẹ cũng nên nói chuyện với trẻ về cách ngăn chặn những người bắt nạt trực tuyến, sử dụng các cài đặt quyền riêng tư và bảo mật khi sử dụng các ứng dụng, trò chơi trên mạng xã hội và các trang web trực tuyến khác.

11. Sợ người lớn cấm sử dụng thiết bị điện tử

Khi nói đến bắt nạt qua mạng, hầu hết trẻ em sẽ không thừa nhận mình đang là mục tiêu vì chúng sợ cha mẹ hoặc giáo viên không cho phép sử dụng thiết bị điện tử nữa.

Nếu người lớn tước quyền truy cập của trẻ em vào máy tính hoặc điện thoại di động vì chúng bị bắt nạt, thì sẽ khiến trẻ có hai hướng suy nghĩ: Thứ nhất, nói với người lớn không giải quyết được vấn đề, và thứ hai là chúng đáng trách vì chúng đang bị phạt.

Thay vào đó, để giải quyết nạn bắt nạt qua mạng bạn cần lưu giữ bản sao các tin nhắn đe dọa, chặn người vi phạm, thay đổi mật khẩu hoặc số điện thoại và báo cáo sự việc. Cố gắng tăng cường sự an toàn và bảo mật trực tuyến của con bạn thay vì lấy đi thiết bị của chúng.

Mạng xã hội, nhắn tin và chơi game là những cách chính mà trẻ em kết nối với những người khác. Hạn chế công nghệ hoặc lấy đi điện thoại của trẻ chỉ cô lập chúng nhiều hơn.

***

Tạm kết

Bởi vì trẻ rất hiếm khi kể chuyện bị bắt nạt nên phụ huynh cần nhạy cảm hơn với các dấu hiệu cảnh báo. Chẳng hạn, trẻ có thể ám chỉ việc nạn bắt nạt bằng cách nói có nhiều bạn thích gây rối với con, hoặc con không có bạn bè chơi cùng.

Nếu con bạn thú nhận là nạn nhân của hành vi bắt nạt, hãy nói rằng bố mẹ tự hào vì con đã can đảm nói ra điều đó. Điều này khuyến khích trẻ đối thoại cởi mở về các vấn đề đang gặp phải. Hơn nữa, trẻ cũng cảm thấy được tin tưởng và sẻ chia.

Bên cạnh đó, bạn cần phải cố gắng kiểm soát cảm xúc của chính mình. Bạn hãy bình tĩnh và cùng con lên kế hoạch để giải quyết, giúp con vượt qua những cảm giác tiêu cực.

Theo www.verywellfamily.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm