Nạn bắt nạt học đường: Cha mẹ có nên dạy con đánh lại?
(Dân trí) - Bắt nạt học đường là một vấn đề rất nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu sắc tới tâm lý con trẻ, các bậc phụ huynh nên lưu ý và quan tâm đến con mình nhiều hơn.
Nhiều người chia sẻ rằng họ đã phải chịu đựng sự bắt nạt trong suốt khoảng thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Hầu hết con trẻ đều phải tự mình đối phó với những cuộc xung đột, bạo lực học đường.
Chúng không dám đánh trả vì sợ sẽ khiến cho tình hình thêm phần căng thẳng. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ phải đáp trả các hành động gây hấn bằng nắm đấm. Dưới đây là các lời khuyên để thanh thiếu niên bảo vệ bản thân và chống nạn bắt nạt học đường.
Xung đột hay bắt nạt?
Trước tiên, chúng ta cần tìm hiểu liệu rằng con cái chúng ta có xích mích với bạn bè hay đang phải chịu đựng sự bắt nạt tại trường học. Không nên quá vội vàng đánh giá một sự việc là bắt nạt, bởi lẽ xích mích giữa các thanh thiếu niên là chuyện hết sức bình thường trong quá trình trưởng thành và xây dựng mối quan hệ.
Tuy vậy, thanh thiếu niên nên biết cách kiểm soát cảm xúc, ngôn từ trong quá trình xảy ra xung đột, bất đồng quan điểm. Trong khi đó, bắt nạt là những hành động cụ thể liên quan tới sự mất cân bằng quyền lực, những kiểu hành vi khiêu khích, gây hấn mang tính thù địch.
Bà Barbara Coloroso, một chuyên gia tâm lý và là tác giả của nhiều cuốn sách thuộc chủ đề nạn bắt nạt học đường, cho biết: "Phụ huynh nên giúp đỡ con trẻ giải quyết xích mích và xung đột giữa bạn bè với nhau, còn nạn bắt nạt thì cần bị ngăn chặn". Không nhất thiết phải can thiệp khi con trẻ xảy ra sự bất đồng quan điểm với bạn bè, chúng cần trau dồi thêm kỹ năng sống để xử lý những tình huống như vậy.
Sau mỗi sự việc, con cái chúng ta sẽ có thêm kinh nghiệm để giải quyết các tình huống tương tự. Nhưng nếu phát hiện việc con trẻ phải chịu sự công kích mang tính hiềm khích về mặt thể chất lẫn tinh thần trong một khoảng thời gian dài thì chắc chắn phụ huynh cần có những hành động can thiệp bảo vệ con trẻ kịp thời.
Giải quyết xung đột
Thanh thiếu niên luôn nhận thức rõ được khi nào căng thẳng sắp leo thang, nên các chuyên gia tâm lý cho rằng phải làm chủ được cảm xúc. Chìa khóa để vượt qua xung đột và xích mích là giữ được sự bình tĩnh, giao tiếp và sẵn sàng lắng nghe đối phương.
Lỗi sai luôn phải đến từ hai bên. Mặc dù đôi khi nguyên nhân của cuộc xung đột hoàn toàn đến từ phía đối phương, nhưng chúng ta cũng nên chủ động nhận một phần lỗi về bản thân để tạo ra không khí thoải mái cũng như thể hiện một lối hành xử đầy thiện chí. Tham gia cuộc trò chuyện với một tâm thế cởi mở, chất vấn và đối diện trực tiếp với vấn đề bằng cách đặt ra những câu hỏi tương tự như: "Hiện tại đang có vấn đề gì không ổn vậy?" hoặc "Có thể nói cho tớ biết được không?".
Thanh thiếu niên hoàn toàn có thể tự thực hành những cuộc trò chuyện như vậy với người thân hay bạn bè.
Quyết đoán thay vì hung hăng
Đa số các tình huống sẽ luôn có một đứa trẻ đầu têu, khởi xướng những trò bắt nạt, còn những đứa trẻ khác hùa theo. Nên dạy trẻ nhận thức được rõ đâu là hành vi bắt nạt, để không cổ vũ cho những hành vi xấu.
Khi thường xuyên bị quấy rối, đầu tiên cần giữ bình tĩnh, sau đó thể hiện sự quyết đoán bằng lời nói: "Đừng chạm vào tôi". Hãy giao tiếp và phản ứng bằng sự quyết đoán chứ không nên đáp trả bằng sự tức giận hay hung hăng của bản thân điều đó chỉ làm kích động thêm tình huống.
Tự vệ
Khi đối mặt với những hành vi tấn công thể chất dù là do xung đột hay bị bắt nạt, chúng ta đều nên tự vệ. Tự vệ khác với tấn công hay đánh trả lại.
Bên cạnh đó, khi cảm thấy bị đe dọa, nên nhờ những người ngoài cuộc gần nhất để giúp đỡ và giải vây. Theo một cuộc khảo sát từ trang stopbullying.gov, những người trưởng thành và những người ngoài cuộc có tỉ lệ thành công trong việc can ngăn những hành vi bắt nạt học đường lên tới 57%.
Sử dụng lời nói thay vì nắm đấm
Nếu việc lên tiếng, bảo vệ bản thân hoặc nhờ bạn bè giúp đỡ không hiệu quả, chúng ta nên khuyến khích trẻ đến gặp giáo viên đáng tin cậy hoặc cố vấn học đường để được giúp đỡ.