Vụ trường ĐH Đông Đô: Thể hiện sự buông lỏng kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý!

(Dân trí) - “Sai phạm nghiêm trọng của trường ĐH Đông Đô dẫn đến Hiệu trưởng nhà trường bị bắt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhà trường bị truy nã, rõ ràng đây là sự buông lỏng kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý và phải có trách nhiệm về việc này”.

Đó là ý kiến của Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT.

Vụ trường ĐH Đông Đô: Thể hiện sự buông lỏng kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý! - 1

Trường ĐH Đông Đô thuộc sự quản lý trực tiếp của Bộ GD&ĐT

Trao đổi với PV Dân trí, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết, không chỉ có trường ĐH Đông Đô đào tạo “chui” văn bằng 2 mà một số trường đại học khác cũng tương tự như vậy nhưng chưa phát hiện ra.

Theo quy định, việc đào tạo văn bằng 2 khá chặt chẽ về kiến thức, kỹ năng theo từng học phần. Khi học chương trình văn bằng 2 nào, học viên phải được học nguyên vẹn chương trình đó, học phần nào trùng với văn bằng 1 mới được miễn. Còn nội dung chưa học dứt khoát phải học.

Thực tế khi triển khai đào tạo văn bằng 2, một số trường đại học soạn ra một chương trình “chụp giật”, dù là ngành gần, ngành xa thì đều học chung một chương trình. Trong đó, điển hình là trường ĐH Đông Đô đào tạo văn bằng 2 rút xuống còn mấy tháng. Cái này quá sai với quy định và diễn ra nhiều năm như thế nhưng Bộ GD&ĐT không phát hiện, không kiểm tra, giám sát và không chấn chỉnh dẫn tới sai phạm nghiêm trọng.

Theo ông Khuyến, các trường đại học muốn mở đào tạo văn bằng 2 phải có sự đồng ý của Bộ GD&ĐT. Trước đây, Bộ cấp phôi bằng đại học, nếu các trường đại học muốn có phôi bằng thì phải trình ra quyết định được phép mở ngành, kết quả tốt nghiệp ra sao, danh sách sinh viên đỗ, trượt… với bộ hồ sơ rất chi tiết thì Bộ mới cấp phôi bằng. Thời kỳ đó, các trường làm rất nghiêm túc.

Nhưng với xu hướng trao thêm quyền tự chủ cho các trường đại học, trong đó có việc cấp phôi bằng do các trường tự quyết và chủ động. Trường ĐH Đông Đô và nhiều trường đại học khác không in phôi bằng nên vẫn đặt mua phôi bằng bình thường ở Bộ GD&ĐT. Trong việc này, thực chất Bộ GD&ĐT chỉ bán phôi bằng.

Tuy nhiên, thay vì kiểm soát phôi bằng, kiểm soát đào tạo văn bằng 2 ở các trường đại học thì Bộ vẫn cấp chỉ tiêu tuyển sinh cho những trường không được phép đào tạo văn bằng 2 như trường ĐH Đông Đô.

“Rõ ràng cơ quan quản lý trực tiếp là Bộ GD&ĐT đã buông lỏng quản lý, đồng thời không công khai minh bạch thông tin để xã hội giám sát. Cho nên cũng phải xem lại cơ chế tự chủ. Điều kiện như thế nào mới giao quyền tự chủ cho các trường chứ không thể để trường đó tự tung, tự tác” - ông Khuyến nói.

Ông Khuyến cho rằng, lỗi ở đâu xử lý ở đó. Lỗi người học thì xử lý người học. Bộ GD&ĐT cũng phải nhận trách nhiệm về buông lỏng quản lý chứ không phải phân cấp cho trường thì trường phải chịu trách nhiệm.

Trao đổi với PV Dân trí, một vị giáo sư nguyên hiệu trưởng của một trường đại học lớn tại Hà Nội cho biết, việc Bộ GD&ĐT không cấp phép đào tạo văn bằng 2 nhưng lại bán phôi bằng, về bản chất Bộ bán bằng nhưng không kiểm tra, giám sát. Như vậy rõ ràng là tiếp tay cho cái sai. Đó là sự thật hiển nhiên, không thể biện minh.

Vấn đề tiếp theo là Bộ “cố tình” không công bố danh sách các trường được cấp phép đào tạo văn bằng 2, như vậy là không minh bạch thông tin theo quy định hiện hành (Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT).

Trong khi đó, về nguyên tắc, Bộ phải có trách nhiệm giải trình các hoạt động cũng như về vai trò quản lý nhà nước của Bộ về công tác GD&DT, để xã hội và các cơ quan có liên quan giám sát hoạt động của Bộ.

Vị hiệu trưởng này cho rằng, việc để cho trường Đại học Đông Đô và có thể một số trường đại học khác đào tạo theo kiểu mua bán bằng cấp như vậy, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GD&ĐT đã buông lỏng quản lý làm ảnh hưởng uy tín của các trường đại học đào tạo tử tế khác.

"Về người học, họ biết rõ việc mua bán bằng, chính họ đã tiếp tay cho các sai phạm của trường ĐH Đông Đô. Vì vậy, các bằng cấp do trường ĐH Đông Đô cấp phải được coi là bằng giả, phải bị thu hồi và họ phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm đạo đức người học" - vị hiệu trưởng này nhấn mạnh.

Vụ trường ĐH Đông Đô: Thể hiện sự buông lỏng kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý! - 2

Một tấm văn bằng 2 của trường ĐH Đông Đô bị cơ quan công an thu giữ. (Ảnh: Công an cung cấp)

Như báo chí đã đưa tin về sai phạm nghiêm trọng của trường ĐH Đông Đô là đào tạo 17 ngành văn bằng 2 khi không được phép.

Theo đó, trường ĐH Đông Đô đã tổ chức thi đầu vào, thi hết học phần, thi tốt nghiệp cho các học viên chỉ trong thời gian từ 1 đến 2 ngày và được cấp bằng tốt nghiệp ngoại ngữ sau 3 đến 6 tháng, kể từ lúc nộp hồ sơ mà không phải đi học.

Ngày 17/8, Bộ GD&ĐT đã trả lời báo chí về sai phạm ở trường ĐH Đông Đô. Theo đó, Bộ GD&ĐT khẳng định: Chưa nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo văn bằng 2 của Trường ĐH Đông Đô nên Bộ chưa có văn bản cho phép trường được đào tạo văn bằng 2.

Từ năm 2016 đến năm 2018, Trường ĐH Đông Đô có thực hiện báo cáo thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Nhưng trong báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016 đến 2018 gửi về Vụ GDĐH của trường không có thông tin về việc đào tạo văn bằng 2.

Do trường ĐH Đông Đô không gửi hồ sơ xin phép đào tạo văn bằng 2, nên Bộ GD&ĐT cũng không yêu cầu trường báo cáo (theo quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT).

Thông tư số 19 đã giao cho các trường chủ động in phôi bằng. Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục ĐH do có khó khăn trong việc tổ chức in phôi văn bằng (về cơ sở vật chất, về nhân sự quản lý việc in phôi VBCC, số lượng phôi VBCC ít…) nên đề nghị được Văn phòng Bộ cung cấp phôi VBCC. Như vậy, Văn phòng Bộ là đơn vị cung cấp phôi VBCC như các cơ sở in phôi VBCC khác.

Dân trí tiếp tục cập nhật thông tin về sai phạm của trường ĐH Đông Đô.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm