Vụ trường ĐH Đông Đô: Chờ ý kiến của Bộ để hủy kết quả đầu vào với nghiên cứu sinh?
(Dân trí) - Vào thời điểm hiện tại, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có ý kiến chính thức nào liên quan đến những người sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh để dự tuyển đào tạo tiến sĩ. Tuy nhiên, nhiều trường đang tiến hành rà soát lại việc các nghiên cứu sinh sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh để chủ động xử lý khi các cơ quan chức năng có kết luận cuối cùng.
Nhiều trường đại học rà soát nghiên cứu sinh sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ tiếng Anh
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, trong danh sách 27 nghiên cứu sinh trúng tuyển tại Học viện Khoa học xã hội công bố vào cuối tháng 4/2019 có nhiều nghiên cứu sinh sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh hệ đại học chính quy của Trường đại học Đông Đô để đủ điều kiện dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí ngày 23/8, ông Vũ Mạnh Dũng – Chánh văn phòng Học viện Khoa học xã hội cho hay: Học viện đang tiến hành rà soát về các nghiên cứu sinh sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh để dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ. Bước đầu rà soát cho thấy có 7 trường hợp sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh hệ đại học chính quy của trường Đại học Đông Đô.
Cũng theo ông Dũng, mặc dù rà soát nhưng Học viện chưa có hướng xử lý số nghiên cứu sinh này bởi phải chờ ý kiến chính thức từ Bộ GD-ĐT. Chỉ khi Bộ GD-ĐT công bố các văn bằng này không có giá trị thì học viện mới căn cứ để hủy kết quả đầu vào của nghiên cứu sinh.
“Thực tế bằng tiếng Anh của họ là bằng thật, phôi bằng xịn, bởi vậy Học viện phải công nhận họ đủ điều kiện đầu vào. Hiện tại chúng tôi chỉ cảnh báo học viên, nếu Bộ không công nhận văn bằng 2 tiếng Anh của Trường Đại học Đông Đô, Học viện sẽ hủy kết quả trúng tuyển đầu vào”, ông Dũng nói.
Không chỉ Học viện Khoa học xã hội mà nhiều trường đại học khác cũng đang tích cực tiến hành rà soát ở khâu này để chủ động xử lý khi có thông tin chính thức từ Bộ GD-ĐT.
“Hiện chúng tôi mới chỉ nắm được thông tin vụ việc qua báo chí còn thông tin chính thức từ Bộ GD-ĐT thì chưa có. Bên cạnh đó do chưa biết trường nào được phép văn bằng 2 ngôn ngữ Anh hợp pháp nên mọi công tác rà soát là để phòng ngừa.
Nhà trường cũng chủ động yêu cầu các nghiên cứu sinh viết cam kết về văn bằng đã nộp dự tuyển đầu vào đào tạo tạo tiến sĩ, nếu một trong các văn bằng đó không được công nhận thì nhà trường sẽ hủy kết quả”, lãnh đạo của một trường đại học biết.
Trong khi các trường đang khẩn trương tiến hành rà soát thì nghiên cứu sinh như ngồi trên lửa. Hiệu trưởng của một trường đại học lớn ở Hà Nội thông tin:
“Ngay sau có thông tin văn bằng 2 ngôn ngữ Anh của Đại học Đông Đô chưa đảm bảo tính pháp lý thì có nghiên cứu sinh lo lắng gọi điện nhờ tôi tư vấn. Tôi có khuyên học viên là cần chờ ý kiến cuối cùng của cơ quan chức năng, còn nếu có khả năng thì chủ động dự thi ngay để có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng đầu vào dự tuyển đào tạo tiến sĩ để nộp bổ sung khi cần đến”.
Vì sao văn bằng 2 ngôn ngữ Anh được nhiều nghiên cứu sinh sử dụng?
Nếu trước năm 2017, Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ và Thông tư số 05/2012/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 02 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 5 năm 2009 đưa ra điều kiện về chứng chỉ ngoại ngữ dự tuyển đầu vào đào tạo tiến sĩ “khá mềm”.
Cụ thể: Người dự tuyển có chứng chỉ trình độ ngoại ngữ tương đương cấp độ B1 hoặc bậc 3/6 trở lên theo Khung tham khảo Châu Âu chung về ngoại ngữ, trong thời hạn 2 năm tính đến ngày dự tuyển nghiên cứu sinh, do một trung tâm khảo thí quốc tế có thẩm quyền hoặc một trường đại học trong nước đào tạo ngành ngoại ngữ tương ứng trình độ đại học cấp theo khung năng lực tương đương cấp độ B1 Bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài;
Chứng chỉ trình độ ngoại ngữ tương đương cấp độ B1 hoặc bậc 3/6 trở lên theo Khung tham khảo Châu Âu chung về ngoại ngữ, trong thời hạn 2 năm tính đến ngày dự tuyển nghiên cứu sinh, do một trung tâm khảo thí quốc tế có thẩm quyền hoặc một trường đại học trong nước đào tạo ngành ngoại ngữ tương ứng trình độ đại học cấp theo khung năng lực tương đương cấp độ B1.
Trước khi bảo vệ luận án, nghiên cứu sinh phải có chứng chỉ trình độ ngoại ngữ tương đương cấp độ B2 hoặc bậc 4/6 trở lên theo Khung tham khảo Châu Âu chung về ngoại ngữ, trong thời hạn 01 năm tính đến ngày trình hồ sơ bảo vệ luận án cấp cơ sở, do một trung tâm khảo thí quốc tế có thẩm quyền hoặc một trường đại học trong nước được đào tạo ngành ngoại ngữ tương ứng trình độ đại học cấp theo khung năng lực tương đương cấp độ B2.
Khi thông tư 08/2017/TT-BGDĐT ra đời, thì quy định về chứng chỉ ngoại ngữ đầu vào dự tuyển đào tạo tiến sĩ được “siết chặt” hơn rất nhiều.
Cụ thể người dự tuyển phải có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc Chứng chỉ IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển.
Khi chứng chỉ khó có thể đạt được thì nhiều người tính đến phương án học văn bằng 2 ngôn ngữ Anh đại học chính quy bởi theo quy định dự tuyển đầu vào đào tạo tiến sĩ thì chỉ cần có bằng tốt nghiệp đại học các ngành ngôn ngữ nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp.
Mặc dù quá trình học này có thể kéo dài khoảng 18-24 tháng (nếu học đúng quy định) nhưng bù lại giá trị của văn bằng là vĩnh viễn, không hạn chế về hạn định như các chứng chỉ.
Tuy nhiên, với phương thức “sản xuất” bằng tốt nghiệp văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh nhanh như trường Đại học Đông Đô vừa qua thì không khó hiểu khi nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để nhanh chóng sở hữu được tấm bằng này.
Có bằng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh chính quy không chỉ có lợi cho các nghiên cứu sinh khi đăng ký đầu vào đào tạo tiến sĩ mà ngay cả đối với thi tuyển công chức, nâng ngạch cũng chiếm nhiều lợi thế.
Theo đó, những người có bằng tốt nghiệp ngoại ngữ sẽ được miễn thi ở các kì thi này.
Liên quan đến vấn đề quyền lợi của sinh viên và người đã tốt nghiệp văn bằng 2 ngôn ngữ Anh của trường Đại học Đông Đô, trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, vụ trưởng Vụ GD đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết với những người học thật, thi thật, đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện tuyển sinh đầu vào cũng như điều kiện đầu ra khi tốt nghiệp, quá trình tổ chức, quản lý đào tạo theo đúng quy chế, có hồ sơ lưu minh chứng đầy đủ..., nhà trường phải đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người học theo đúng quy định.
“Tuy nhiên, vụ việc đang trong giai đoạn điều tra, do đó phải chờ kết luận cuối cùng của các cơ quan có thẩm quyền. Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT sẽ có các phương án xử lý phù hợp với các quy định hiện hành”, bà Phụng thông tin.
Nguyễn Hùng