“Trường Thực nghiệm, hóa ra là...”

(Dân trí) - Những năm gần đây, cảnh xếp hàng, chen lấn để mua đơn xin vào lớp 1 Trường Thực nghiệm (Hà Nội) được coi là thước đo sức “nóng” của thương hiệu trường. Nhưng rồi khi con chính thức vào trường, không ít phụ huynh thốt lên rằng “Hóa ra là…”.

“Trường Thực nghiệm, hóa ra là...”
Phụ huynh chầu chực từ sáng sớm để mua đơn dự tuyển vào lớp 1 Trường Thực Nghiệm.
 
“Cũng bình thường thôi!”

Đây là câu cửa miệng của không ít các bà mẹ khi đang hoặc có con từng học Trường Thực nghiệm.

Hỏi kỹ hơn, có thể bạn sẽ nhận được những chia sẻ kiểu: “Trường lớp gì mà tự do thái quá. Trong giờ học mà học sinh chạy lung tung trong lớp, nói chuyện rào rào mà cô chẳng nhắc nhở gì cả”; “Học sinh mà chẳng biết sợ cô. Mẹ đứng nói chuyện với cô mà cứ lại gần sờ sách vở, hỏi lung tung…”.

Đặc biệt, nhiều bà mẹ phàn nàn rằng cô dễ quá. Con viết chữ mình chưa ưng mà cô vẫn cho điểm cao. Trong khi ở trường tư thục nọ, học sinh viết đẹp hơn thế nhiều mà cao nhất cũng chỉ được điểm 8”.; “Lớp 2 mà còn viết sai chính tả nhiều hơn cả lớp 1”...

Nhưng phàn nàn phổ biến nhất của các bậc phụ huynh là: “Các cô chẳng chú trọng học viết chữ gì cả. Chữ con xấu kinh khủng”…

Vậy là chuyện học thêm luyện chữ đẹp, luyện viết nâng cao để bớt sai chính tả có đất để phát triển. Những góp ý mong cô giáo nghiêm khắc trong kỷ luật, chấm điểm chặt chẽ hơn với con mình để “cháu còn nỗ lực”… cũng thường xuyên được phụ huynh gửi gắm.

“Chương trình học hay nhưng chưa đủ!”

Những bà mẹ nói trên thường là những phụ huynh có con thứ 2 học trường Thực Nghiệm. Một mặt, họ rất ủng hộ phương pháp giáo dục giúp trẻ tư duy độc lập, lối sống chia sẻ, trung thực; nhiều sinh hoạt ngoại khóa hấp dẫn… của nhà trường. Nhưng bên cạnh đó, họ nhận thức rất rõ rằng nếu chỉ học ở đây, con họ sẽ khó vào những trường danh tiếng.

Vậy là, ngay sau khi con chính thức trở thành học sinh của Trường Thực Nghiệm, việc đầu tiên của các phụ huynh là phải tìm các lớp học thêm Toán, Văn theo chương trình của Bộ GD-ĐT. Bởi nếu không, học hết lớp 5, với những kiến thức của chương trình thực nghiệm, trẻ sẽ khó có cơ hội vào những trường hàng đầu ở Hà Nội. Sự lo xa này bắt nguồn từ những trường hợp thực tế, đó là con em họ có điểm Toán, Văn tại Trường Thực Nghiệm rất xuất sắc nhưng khi các con thi vào Trường Hà Nội - Amsterdam, Giảng Võ thì cũng gần đứng đầu nhưng là... từ dưới lên.

Các bậc phụ huynh có con học Trường Thực Nghiệm cho rằng bởi chương trình học ở trường khá nhàn nên tối các con có học thêm, ngày nghỉ đi nâng cao kiến thức thì cũng là hợp lý, vừa với sức của trẻ.

Chẳng thế, nhiều bố mẹ đưa lời khuyên: “Cần mua sách giáo khoa của Bộ GD để trẻ làm quen, nâng cao những kỹ năng mà chương trình Thực nghiệm không dạy”.
 
“Trường Thực nghiệm, hóa ra là...”
Phụ huynh chen chúc trước cổng trường Thực Nghiệm chờ mua đơn dự tuyển.
 
“Mình đã không chọn nhầm”

Trong khi đó, một số phụ huynh khẳng định rằng "Mình đã không chọn nhầm" khi cho con học Trường Thực Nghiệm bởi những ưu điểm nổi bật của chương trình học, sinh hoạt ngoại khóa cũng như cách rèn nếp sống của trường.

Cụ thể, về cơ sở vật chất, mỗi lớp chỉ khoảng 40 học sinh. Đây thực sự là lý tưởng nếu so với sĩ số của các trường công lập có tiếng hiện nay trong khi học phí lại chỉ tương đương.

Chương trình học không hề mang tính nhồi nhét, học vẹt. Cụ thể, thay vì học mặt chữ, tập viết các nét cơ bản, trẻ lớp 1 sẽ được học đồng dao, từ các bài đồng dao học từ đồng âm, tách tiếng, từ tiếng lại tách ra vần rồi mới tới chữ cái... Với môn Toán, trẻ được học về phần tử, tập hợp… trước khi học viết chữ số… và khi học phép toán, trẻ được “trao” cho những kỹ thuật mang tính tư duy như bản chất của phép cộng là tập hợp của các phần tử, hay trong giải phương trình, cần phải xác định được đâu là toàn thể, đâu là bộ phận…. Nghe thì có vẻ cao siêu, rất khó nhưng đối với trẻ lại trở nên vô cùng đơn giản, thích thú hơn nhiều so với học thuộc từng chữ cái rồi mới ghép lại thành vần, hay học thuộc bảng cộng 10 rồi mới làm phép cộng…

Quan trọng hơn là từ những tiết học này, trẻ hào hứng với việc học hành, say sưa học tập bởi mỗi bài học đều rất gần gũi với cuộc sống của trẻ (những đề văn hè vừa rồi em đã làm gì? Tết này em đã đi đâu?...). Học sinh của trường cũng thường hát vang cùng nhau những bài đồng dao hay những bài thơ hay trong sách giáo khoa… Từ những bài văn tưởng tượng tự do về rừng, về biển, các em chia sẻ với bố mẹ mơ ước được thực sự tới những nơi đó…

Giáo viên không chỉ có kỹ năng giảng tốt, thường xuyên sáng tạo trong bài giảng (cho học sinh đóng kịch, học ngoài trời, có nhiều giáo cụ trực quan…) mà còn có thái độ rất công bằng, dân chủ. Mọi học sinh đều được tôn trọng, yêu quý như nhau. Học sinh có cơ hội được ngồi tại các vị trí trong lớp bằng hình thức đảo tổ, đảo bàn theo tuần, theo tháng. Việc bầu các chức danh trong lớp sẽ do các học sinh tự thực hiện dưới sự hướng dẫn của giáo viên….

Về tình cảm thầy trò, các em thường xuyên thể hiện sự yêu quý, gần gũi với thầy cô. Trẻ hồn nhiên hỏi thăm sức khỏe, tặng cô cái kẹo, chiếc bánh… mà mình có trên tay.

Đặc biệt, nếu như kỹ năng sống mới chỉ được “thổi bùng” lên trong những năm gần đây thì dưới mái trường Thực nghiệm, môn học này đã có từ cách đây hơn 30 năm. Học sinh của trường đều thân thiện, lễ phép, hòa đồng với các bạn, trung thực trong học tập, vui chơi; biết chia sẻ, yêu thương….

Nhưng điều thú vị hơn cả là nhiều học sinh xin tự học tại nhà thay vì đi học thêm bởi trẻ cảm thấy mệt mỏi với việc học thụ động trong khi bản thân tự biết cách tạo ra sự hứng thú, tự xây dựng cho mình tác phong tự lập, tự học, tự tìm hiểu... Đây cũng chính là cốt lõi của "công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại" mà không phải bố mẹ nào cũng nhận ra.

Rõ ràng là cùng một ngôi trường, cùng một công nghệ nhưng vẫn luôn tồn tại rất nhiều ý kiến khác nhau. Điều này phụ thuộc vào quan niệm của cha mẹ trong mục tiêu học tập, tương lai của con cái. Và dường như cũng chẳng có thước đo nào chính xác nhất bởi trường Thực nghiệm nói riêng và nhiều trường điểm khác nói chung sẽ luôn là “mơ ước” của phụ huynh này nhưng lại là nỗi thất vọng của phụ huynh kia…

Nhân Hà