Thanh Hóa: Không thu tiền ra đề thi, coi thi và chấm thi ở trường phổ thông

(Dân trí) - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa vừa có công văn về việc thực hiện dạy làm quen tiếng Anh đối với trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi và học sinh lớp 1, lớp 2; hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; kiểm tra định kỳ ở tiểu học, THCS, THPT năm học 2018-2019.

Theo đó, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục trực thuộc triển khai thực hiện nghiêm các văn bản pháp luật về thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách năm học 2018-2019 theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT.

Cùng với đó là tích cực chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để triển khai, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, dạy ngoại ngữ (từ lớp 1) vào năm học 2019-2020.

Các nhà trường thực hiện nghiêm túc theo chương trình của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT đã hướng dẫn, không thu tiền của học sinh đối với việc tổ chức dạy tiếng Anh và dạy song ngữ (từ lớp 3 đến lớp 9), dạy làm quen tiếng Anh đối với trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi và học sinh lớp 1, lớp 2; thực hiện dạy tiếng Anh (từ lớp 3 đến lớp 9).

Việc tổ chức thí điểm dạy song ngữ phải chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ của giáo viên bộ môn, khả năng học và tự nguyện của học sinh. Các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung chỉ đạo, đánh giá kết quả việc dạy và học, rút kinh nghiệm sau một năm triển khai, thực hiện thí điểm, chưa tổ chức đại trà trong năm học 2018-2019 và không thu tiền của học sinh.

Khuyến khích tổ chức dạy trên tinh thần tự nguyện của học sinh và không được thu tiền đối với việc tổ chức dạy thí điểm, làm quen tiếng Anh cho học sinh lớp 1, lớp 2, các nhà trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

Không mở rộng thêm số trường đang thực hiện thí điểm, chờ chương trình và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT đối với việc tổ chức dạy thí điểm, làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non 5-6 tuổi.

Học sinh có nhu cầu, đăng ký học tại các Trung tâm ngoại ngữ, tin học đã được Sở GD&ĐT cấp phép hoạt động theo quy định tại Thông tư số 03/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.

Đối với việc tổ chức hoạt động hoạt động giáo dục kỹ năng sống (GDKNS) cho học sinh, các nhà trường phải tập trung nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục trong và ngoài giờ chính khóa, trong đó có hoạt động GDKNS cho học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, của Sở GD&ĐT trong từng năm học.


Học sinh có nhu cầu học kỹ năng sống thì đăng ký học tại các đơn vị hoạt động GDKNS (địa điểm học tại các trung tâm) được Sở GD&ĐT Thanh Hóa cấp phép hoạt động. (ảnh minh họa)

Học sinh có nhu cầu học kỹ năng sống thì đăng ký học tại các đơn vị hoạt động GDKNS (địa điểm học tại các trung tâm) được Sở GD&ĐT Thanh Hóa cấp phép hoạt động. (ảnh minh họa)

Học sinh có nhu cầu, đăng ký học tại các đơn vị hoạt động GDKNS (địa điểm học tại các trung tâm) được Sở GD&ĐT cấp phép hoạt động.

Về khoản thu kiểm tra định kỳ đối với học sinh tiểu học, THCS và THPT, các trường tiểu học, số lần kiểm tra các môn trong năm học thực hiện theo Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/9/2016 của Bộ GD&ĐT về sửa đổi, bổ sung một số điều quy định đánh giá học sinh tiểu học. Các nhà trường chỉ thu tiền giấy thi phục vụ học sinh; không thu tiền ra đề thi, coi thi, chấm thi.

Các trường THCS, THPT, số lần kiểm tra các môn trong năm học thực hiện theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ GD&ĐT về việc đánh giá xếp loại học sinh THCS và THPT. Các nhà trường hướng dẫn cho học sinh chuẩn bị giấy thi, không thu học sinh tiền giấy thi, ra đề thi, coi thi và chấm thi.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, đối với các lớp tiểu học đã tổ chức học 2 buổi/ngày (không vượt qua 7 tiết/ngày), các nhà trường không được tổ chức dạy thêm vào tiết thứ 8 trong ngày.

Trước đó, do hoạt động GDKNS trong các trường học còn nhiều bất cập nên Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã yêu cầu các nhà trường trên địa bàn toàn tỉnh dừng từ ngày 16/10/2017.

Duy Tuyên