Tai hại khi học trò quá lệ thuộc vào học thêm

(Dân trí) - Lười động não, tư duy, bài tập nào khó là chờ giải quyết ở lớp học thêm thay vì tự mày mò, tìm hiểu - có những em học sinh đang mất khả năng tự học và giải quyết vấn đề khi quá lệ thuộc vào việc học thêm.

Học mà không cần nghĩ

Chị Trần Ngọc Liên, có con học bậc THCS ở quận 10, TPHCM cho hay trước đây chị cũng cho con đi học thêm triền miên với suy nghĩ để cháu đạt kết quả học tập tốt hơn, nhất là lo ngại giờ học trên lớp không đáp ứng nổi chương trình cũng như việc thi cử chuyển cấp sau này của con.

Điểm số học tập cháu tốt nhưng dần dần chị nhận ra con gái mình rất hời hợt và thiếu nghiêm túc, kiên nhẫn với việc học. Cháu có tâm lý ỷ lại giờ học thêm nên khá xem nhẹ giờ học chính và cả việc tự học ở nhà. Bài tập khó chỉ mày mò chút ít không làm được là cháu “buông”, nói để đến lớp học thêm… nhờ cô giải.


Nhiều học trò mệt mỏi vì việc học vất vả nhưng hiệu quả không cao (Ảnh minh họa)

Nhiều học trò mệt mỏi vì việc học vất vả nhưng hiệu quả không cao (Ảnh minh họa)

Với cách học như vậy, chị Liên thấy con đang mất đi khả năng tự học, có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời mà những điểm 9, điểm 10 của vài năm học không thể bù đắp nổi. Chị giảm dần lịch học thêm của con rồi tiến đến ngưng hẳn, cháu chỉ học ở giờ chính khóa và tự học ở nhà. Bài nào không hiểu thì tự tìm tài liệu, hoặc sự hỗ trợ từ bạn bè thầy cô.

Nhà giáo Phạm Đình Thực, nguyên giảng viên Trường ĐH Sài Gòn chia sẻ, việc học luôn đòi hỏi sự động não, vất vả và khổ luyện. Muốn hiểu bài thật sự, chính học sinh phải tự suy nghĩ, tự động não, tư duy để hiểu vấn đề, đó mới là kiến thức thật sự của mình. Không thể có chuyện muốn thành tài, muốn giỏi mà học hành nhàn nhã, không vất vả được.

Nhưng việc trẻ đi học thêm như hiện nay là nhồi nhét, sự vất vả không cần thiết vì không phát huy được khả năng tự học của con trẻ mà ngược lại. Giờ gặp một bài khó là các em và cả phụ huynh kêu nào là chương trình nặng, kêu nào là "đánh đố". Cứ gặp bài khó đi học thêm là thầy cô chỉ cho dạng này, dạng kia rồi chỉ cho cách giải ngay.

“Cái gì các em cũng được “mớm” sẵn, thầy cô làm hộ cho hết rồi thì cần gì phải động não. Trong khi trí tuệ của con trẻ dồi dào và kỳ diệu lắm, chúng ta không phát huy hết được mà còn các em ỷ lại, lười tư duy”, ông giáo Thực chua chát.

Phải “thoát” khỏi sự phụ thuộc

Đại biểu HĐND TPHCM Cao Minh Anh chia sẻ, ông rất lo ngại với việc dạy thêm, học thêm như hiện nay. Như con ông, đi học thêm là cô giáo cho bài tập rồi giải luôn, học sinh học mà khỏi phải nghĩ nguy hiểm vô cùng. Lên lớp cô cho dạng bài giống như vậy là làm được ngay thôi. Điểm số cao nhưng đổi lại khả năng tự học, lập luận đang bị triệt tiêu.

“Hơn nữa thời gian để học quá nhiều, các em không còn có khoảng trống để khởi động lại bản thân, để giải trí, để tự tìm tòi, học hỏi”, ông Anh nói.

Học sinh cần nhất là khả năng tự học, tự tìm tiếp cận với tri thức
Học sinh cần nhất là khả năng tự học, tự tìm tiếp cận với tri thức

Sự học suy cho cùng là giúp người học có thể tự lập, tự suy nghĩ, động não và xử lý các vấn đề trong cuộc sống. Bản chất của giáo dục là tự lập và sáng tạo và muốn hay không việc dạy học thêm đại trà như hiện nay đang tước đi khả năng động não của học trò. Bất kể sự phụ thuộc nào, nhất là sự phụ thuộc về nhận thức, trí tuệ đều có thể biến mình thành nô lệ.

Khi TPHCM đưa ra chủ trương về cấm dạy thêm, học thêm trong trường học, hầu hết các ý kiến vẫn đang bàn theo hướng không dạy thêm, học thêm là không được. Sự ỷ lại của học sinh lại đang tiếp tục bị nuôi dưỡng.

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục THPT, Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng cần đặt ra tình huống: Bây giờ không học thêm không dạy thêm nữa thì phải làm gì? Học trò phải tăng cường học, còn người thầy tập trung hướng dẫn cho các em phương pháp và khả năng tự học. Điều kiện, hoàn cảnh khó khăn thì càng phải nỗ lực, phải cố gắng tự học.

Con trẻ lệ thuộc việc học vào học thêm, còn giáo viên cũng đang phải lệ thuộc vào dạy thêm để sống. Âu đó là cái gốc “cần nhổ” của vấn nạn dạy thêm, học thêm.

Học thêm làm học trò mất hứng thú trên lớp

Tôi thấy, ở lớp học thêm giáo viên thường cho học sinh làm nhiều bài tập, làm lại các bài tập, lắp ráp công thức có sẵn, nhồi nhét kiến thức, tính tính toán toán, có thể làm tăng điểm số cho các em học sinh …Tuy nhiên, đó không phải là nỗ lực của các em mà có, mà đó là sự nhồi nhét kiến thức, bắt các em ghi nhớ máy móc, rập khuôn, chính điều này làm cho học sinh mệt mỏi, gây sự nhàm chán và triệt tiêu tính sáng tạo, tính chủ động của học sinh. Chính dạy thêm làm cho học sinh mất hứng thú khi học ở lớp, thiếu tính tự giác,thụ động, lười tư duy. Chúng ta cần đào tạo ra các thế hệ học sinh tích cực, tự giác, năng động, sáng tạo, có sức khỏe, có thẩm mỹ và đạo đức tốt

Ông Phan Văn Anh, chuyên viên Sở Ngoại vụ Đà Nẵng

Dạy học lơ mơ rồi lại phải đi học thêm

Học thêm cần phân loại đối tượng người học, người dạy rõ rang ai là người cần học thêm và ai có thể dạy thêm. Trường học mà có tỷ lệ học sinh đi học thêm quá cao là không ổn, điều này phản ánh chất lượng giờ học chính khóa. Học dạy thêm cần phân loại đối tượng. Ngành giáo dục cần phải có biện pháp để quản lý, đánh giá chất lượng giờ học chính khóa chứ không thể để tình trạng thầy và trò dạy - học lơ mơ rồi lại phải kéo nhau đi dạy thêm học thêm.

Ý kiến của bà Hoàng Thị Khánh, nguyên Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trong buổi làm việc với Sở GD-ĐT TPHCM.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)