Dạy thêm tại TPHCM: Nên phân loại đối tượng để cư xử cho đúng mực
(Dân trí) - Bên cạnh các ý kiến về việc nên hay không nên cấm dạy thêm trong trường học thì nhiều người cũng nêu quan điểm cần sòng phẳng với dạy thêm, học thêm để bớt đi những tiếng thở dài.
Điều này được ghi nhận từ các đại biểu, các quản lý trong đợt khảo sát của Ban văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM về tình hình dạy thêm, học thêm tại một số địa bàn ở thành phố.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục THPT, Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, cấm dạy thêm, học thêm trong trường học là một chủ trương chung của thành phố. Dù chủ trương này có khó cỡ mấy thì trước hết giáo viên và các trường học phải cố gắng thực hiện nghiêm túc vì đã là thầy cô giáo phải gương mẫu.
Phải phân loại đối tượng để có cư xử sao cho đúng mực. Kể cả với quản lý, khi đưa ra văn bản chỉ đạo không thể nói cho phụ huynh hay học sinh mà là cho giáo viên. Ai không hiểu thấy những văn bản chỉ đạo này người ta sẽ nghĩ: “Ông thầy, ngành giáo dục bây giờ phải có những văn bản để điều chỉnh như thế”, rất tổn hại đến giáo dục.
Theo ông Tân, các đối tượng liên quan cần đặt vào tình thế khi không có điều kiện để dạy thêm, học thêm thì nên làm gì. Học trò, thầy cô cũng đừng nên kêu ca mà nên đặt tình huống bây giờ điều kiện để dạy thêm, học thêm không nhiều thì học sinh phải tăng cường tự học, người thầy tập trung hướng dẫn các em phương pháp tự học. Càng khó khăn, càng hoàn cảnh thì càng phải cố gắng tự học.
Đối với phụ huynh cũng cần có sự tiếp cận phù hợp, nói rõ với phụ huynh về thông tin trường lớp, về các kỳ thi. Ở THCS các em học tốt thì không cần phải đi học thêm thì các em khả năng sẽ đủ sức vô những trường THPT nào. Còn nếu con trẻ, bố mẹ ganh đua để vào những trường quá sức thì sẽ phát sinh nhu cầu đi học thêm, đó là do chúng ta chọn lựa. Khi đã chọn lựa như vậy thì không có lý do gì mà kêu ca về dạy thêm, học thêm.
“Nếu phụ huynh và học sinh chọn đúng con đường vào đời với năng lực của mình thì tôi thấy áp lực học thêm không lớn”, ông Tân nói.
Đại biểu HDND TPHCM Nguyễn Mạnh Trí nêu quan điểm cần phải có những giải pháp cụ thể với dạy thêm, học thêm.
Đại biểu HĐND TPHCM Nguyễn Mạnh Trí - giảng viên Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch nói rằng, ông đồng tình với nhu cầu học thêm và dạy thêm là có thật. Nhưng cần có khảo sát cụ thể về nhu cầu học thêm. Theo quy luật tự nhiên số lượng kém vào giỏi nằm ở hai đầu tương đương nhau và số lượng học sinh trung bình nằm ở khúc giữa sẽ nhiều nhất. Tỷ lệ nhu cầu học thêm đúng nghĩa là để nâng cao theo kịp chương trình thì sẽ ít, không thể nhiều. Còn tỷ lệ mà lên đến 50%, thậm chí 80-90% thì rất băn khoăn.
Chúng ta cần xác định bao nhiêu nhu cầu học thêm vì phụ huynh không có thì giờ đón con sau giờ học, bao nhiêu cho nhu cầu bồi dưỡng kiến thức để đặt ra vấn đề phải chăng chương trình quá nặng nề.
Và cái băn khoăn cần phải trả lời là đến bao giờ giáo viên có thể sống được bằng nghề? Các nhà quản lý phải tìm cách làm sao để giáo viên có thể sống bằng nghề mà không phải lệ thuộc vào việc dạy thêm, học thêm. Liệu có cách nào để giáo viên sống được mà không phải dạy thêm, học thêm không?
Nhiều hiệu trưởng, quản lý ở TPHCM bày tỏ hiện đề thi do Phòng GD-ĐT ra nên rất khó xảy ra việc giáo viên cho điểm thấp học sinh vì không đi học thêm. Ông Trí phản biện lại rằng ngoài việc đề thi chung thì còn có bài kiểm tra một tiết, kiểm tra 15 phút trên lớp điểm thi cũng rất có giá trị. Hơn nữa, quản lý có thể kiểm soát về điểm số, không có chuyện đánh rớt nhưng trên lớp giáo viên có thái độ, lời nói, nhận xét… cũng ảnh hưởng các em rất nhiều.
Ông Trí đưa ra gợi ý: “Trao cho học sinh phương pháp học tập và tăng thu nhập cho giáo viên là hai vấn đề cốt lõi cần phải giải quyết. Và những giải pháp đưa ra phải sát và thực tế để tránh ức chế cho nhà giáo cũng như tránh sự hoang mang cho phụ huynh, học sinh”.
Trong đợt khảo sát của Ban văn hóa - xã hội HĐND TPHCM về tình hình dạy thêm, học thêm, lãnh đạo nhiều trường học cho biết nhiều học sinh sau giờ tan học nhưng bố mẹ không kịp đón nên họ có nhu cầu gửi con thêm thời gian. Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động cho các em như tổ chức các câu lạc bộ, thể thao, năng khiếu, ôn tập bài vở… tùy vào khả năng và sở thích, tính cách của các em.
Tại buổi làm việc với địa bàn quận 1, cô Hồ Thị Ngọc Sương, hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (quận 1) nói rằng học thêm xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh. Đối với bậc THCS, bố mẹ nào cũng muốn con mình thi đậu vào lớp 10 công lập, còn THPT thì đậu vào đại học. “Như con tôi vẫn phải đi học thêm, mặc dù chẳng ai dám trù dập con hiệu trưởng”, bà Sương nói.
Đã xét trên cơ sở nhu cầu cầu thì có lẽ đã đến lúc cả người dạy và người học cần bớt than thở về việc dạy thêm học thêm. Còn quản lý nếu áp dụng chiêu không quản được thì cấm mà chưa giải quyết vấn đề tận gốc rễ, e rằng phải chuẩn bị thêm nhiều phương án “chống” biến tướng.
Hoài Nam
(Hoainam@dantri.com.vn)