Nghệ An:

Rơi nước mắt cảnh giáo viên vùng cao lội bộ hàng chục cây số đến trường sau lũ

(Dân trí) - Con đường duy nhất vào trường đã bị cơn lũ giữa tháng 8 xóa sổ hoàn toàn. Các thầy cô giáo Trường Tiểu học Mường Típ 1 (xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) phải đi bộ hàng chục cây số, cắt núi, lội suối để vào trường kịp năm học mới.

Cơn lũ trung tuần tháng 7 khiến con đường độc đạo nối thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn vào các xã Tà Cạ, Mường Típ, Mường Ải bị hư hỏng nặng. Việc khắc phục, sửa chữa đang gấp rút được triển khai thì cơn bão số 4 ập vào gây mưa lớn và lũ xuất hiện trên sông Nậm Típ.

Sau 2 cơn lũ liên tiếp, người ta không còn nhận ra đây là từng có một con đường - đường duy nhất nối trung tâm huyện Kỳ Sơn đến các xã biên giới Tà Cạ, Mường Ải, Mường Típ
Sau 2 cơn lũ liên tiếp, người ta không còn nhận ra đây là từng có một con đường - đường duy nhất nối trung tâm huyện Kỳ Sơn đến các xã biên giới Tà Cạ, Mường Ải, Mường Típ

Dòng nước lũ cuồn cuộn đổ về, cuốn phăng những đoạn đường còn lại, đất đá trên núi ầm ầm đổ xuống. Con đường độc đạo vào các xã vùng biên này hoàn toàn bị xóa sổ, cắt đứt đường đến trường của hàng trăm thầy cô giáo vùng biên trước thềm năm học mới. Hầu hết các thầy cô giáo này đều từ miền xuôi lên đây dạy học, có người bám trụ với nghiệp gieo chữ ở vùng biên đã hơn 10 năm trời.

Để chuẩn bị cho lễ khai giảng, đón học sinh, các thầy cô giáo quyết định hành quân bộ vào trường. Vai mang hành lý, giáo án, thực phẩm dự trữ, các giáo viên vượt núi cao, vượt những bãi đá, cắt rừng tới trường. Để đảm bảo an toàn, các thầy cô giáo thường đi theo từng tốp để hỗ trợ, giúp đỡ nhau.

12 năm gắn bó với công việc dạy học ở Trường Tiểu học Mường Típ 1, chứng kiến bao mùa mưa lũ đi qua nhưng cô Lê Thị Hằng (quê huyện Nam Đàn, Nghệ An) không nghĩ con đường đến trường năm nay lại gian nan và hiểm nguy đến thế.

“Đường bị xóa sổ, nhiều khi phải trèo lên núi, nhắm hướng mà đi. Một bên là núi, một bên là vực, phía dưới nước lũ đục ngầu cuồn cuộn chảy, chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là cả người, cả sách vở, lương thực rơi xuống. Chân sưng tấy, trầy cả da vì lội bùn lẫn đất đá.

Dưới bùn đất đặc quánh, trên đầu trời nắng đến ngộp thở, cứ đi được khoảng 10 phút lại phải nghỉ lấy sức. Vừa mệt, vừa sợ, vừa tủi thân, nước mắt với mồ hôi thi nhau chảy nhưng chỉ biết động viên nhau cùng cố gắng để đến được tới đích”, cô Hằng chia sẻ.

Bản thân cô Hằng mang bệnh tim nên việc vượt núi, vượt suốt dường như là quá sức. Các thầy cô giáo dìu nhau qua từng chặng, từng chặng đường trong hành trình tưởng như dài vô tận ấy. Một bên là vực sâu hay những bãi đất lầy lội, đặt chân xuống bùn quết lấy không thể rút lên, các giáo viên mò mẫm tìm đường theo kinh nghiệm hoặc dẫm vào dấu chân của những người đã đi trước phòng bất trắc xảy ra.

Đi qua bản Xốp Típ - nơi mái đồi đổ ập xuống trong cơn lũ tối ngày 17/8 cuốn trôi quán tạp hóa khiến 2 người đàn ông chết và mất tích, cô Nguyễn Thị Thu Hiền (quê TP Vinh) bị vấp ngã vào vũng bùn. Vừa lồm cồm bò dậy thì nữ giáo viên này bị lăn xuống vực.

"Nói thật lúc đó tôi nghĩ mình chết rồi, chân đau nhói. Định thần lại, vừa đau, vừa tủi, thế là òa khóc nức nở. Hai đồng nghiệp đi trước khá xa nghe tiếng kêu vội vã quay lại nhưng vực rất sâu, tôi không dám để mọi người mạo hiểm vì mình. Tôi cố gắng bò từng đoạn, níu lấy những đoạn rễ cây còn sót lại, nhích dần lên. Gần đến nơi, hai đồng nghiệp giúp kéo lên. Thoát chết, ba chị em quên cả đau, cả mệt, nhìn nhau cười mà nước mắt vòng quanh", cô Hiền tâm sự.

Nếu như ngày thường, họ mất tầm 2 tiếng rưỡi đến 3 tiếng chạy xe máy cho cung đường dài 35km này thì sau cơn lũ, phải mất 2 ngày 1 đêm kể từ khi xuất phát mới vào được điểm trường chính. Đường vào đã gian nan nhưng không biết đến bao giờ đường được sửa sang để có thể đi xe máy ra để về nhà để thăm gia đình và các con mỗi dịp cuối tuần như trước…

Vai mang ba lô, nữ giáo viên vượt qua những mái đồi trơ sỏi đá để đến trường sau ngày lũ
Vai mang ba lô, nữ giáo viên vượt qua những mái đồi trơ sỏi đá để đến trường sau ngày lũ
Trên vai của thầy Ốc Văn Tình - giáo viên Trường Tiểu học Mường Típ 1 ngoài đồ dùng sinh hoạt, giảng dạy là một ít cá khô để ăn dần
Trên vai của thầy Ốc Văn Tình - giáo viên Trường Tiểu học Mường Típ 1 ngoài đồ dùng sinh hoạt, giảng dạy là một ít cá khô để ăn dần
Có những đoạn các giáo viên phải bò lên núi tìm đường đi
Có những đoạn các giáo viên phải bò lên núi tìm đường đi
Con đường mòn hình sau sau lũ chênh vênh bên miệng vực khiến người can đảm nhất cũng chỉ dám ngồi xổm nhích từng bước
Con đường mòn hình sau sau lũ chênh vênh bên miệng vực khiến người can đảm nhất cũng chỉ dám ngồi xổm nhích từng bước
Mạo hiểm đi trên chiếc cầu tạm bằng thân cây để vượt qua suối dữ
Mạo hiểm đi trên chiếc cầu tạm bằng thân cây để vượt qua suối dữ
Hay dựa vào nhau lội qua những đoạn suối đục ngầu nước cuồn cuộn chảy
Hay dựa vào nhau lội qua những đoạn suối đục ngầu nước cuồn cuộn chảy
Sau lũ, con đường biến mất, chỉ sót lại những tảng đá chênh vênh bên bờ suối
Sau lũ, con đường biến mất, chỉ sót lại những tảng đá chênh vênh bên bờ suối
Bữa ăn trên đường đến trường của các giáo viên Trường Tiểu học Mường Típ 1 sau lũ là những chiếc bánh hay vắt xôi chấm muối vừng mang theo
Bữa ăn trên đường đến trường của các giáo viên Trường Tiểu học Mường Típ 1 sau lũ là những chiếc bánh hay vắt xôi chấm muối vừng mang theo
Vượt gian khổ, hiểm nguy, các thầy cô giáo đến trường chuẩn bị cho năm học mới đã cận kề
Vượt gian khổ, hiểm nguy, các thầy cô giáo đến trường chuẩn bị cho năm học mới đã cận kề

Hoàng Lam

Ảnh: T.H