Nhận xét của các Bộ trưởng Giáo dục châu Phi về SGK Việt Nam

(Dân trí) - “Tất cả trẻ em vùng sâu vùng xa ở Việt Nam đều có sách khi tới trường. Giá sách rất rẻ. Chúng ta học tập được rất nhiều qua kinh nghiệm của Nhà xuất bản Giáo dục để có được giá sách giáo khoa rẻ và mọi em học sinh đều có sách”.

Đó là nhận xét của Bộ trưởng Giáo dục Ghana tại hội thảo “Trao đổi học tập của các nhà hoạch định chính sách giáo dục châu Phi tại Việt Nam”, diễn ra tại Hà Nội vào ngày 26 và 27/6/2006.

 

50 nhà hoạch định chính sách, trong đó có 6 vị Bộ trưởng giáo dục từ 6 nước châu Phi, sau khi thăm Singapore đã tới thăm Việt Nam và tham dự cuộc hội thảo trên.

 

Vì sao chọn Singapore và Việt Nam?

 

Châu Phi - Lục địa đen  - cách chúng ta nửa vòng trái đất. Không chỉ khác về địa lý, mà khác nhiều phương diện. Một điểm giống nhau ở chỗ cách đây hai ba chục năm, cả hai đều nghèo nàn, lạc hậu.

 

Đến nay, Việt Nam đã khá hơn, nhưng nhiều người châu Phi, nhất là các nước vùng cận Sahara, đói nghèo vẫn ngự trị, trẻ em thất học, và nếu em nào có được đi học thì việc kiếm được một bộ sách giáo khoa là điều không đơn giản. Ngân hàng Thế giới (WB) đã đầu tư khá nhiều vào khu vực giáo dục này, nhưng kết quả còn rất hạn chế.

 

Ngân hàng Thế giới muốn tạo điều kiện cho các vị lãnh đạo ngành giáo dục các nước châu Phi học tập kinh nghiệm về giáo dục ở một số nước trên thế giới. Sau khi khảo sát, WB chọn Singapore, một nước có nền giáo dục vào loại hàng đầu châu Á. Song học ở Singapore cũng khó, vì mức sống ở đây khá cao. Cần phải tìm thêm một nước thuộc dạng nước nghèo nhưng có nền giáo dục tốt. Đó chính là Việt Nam.

 

Theo đánh giá của WB, trong số các nước nghèo, Việt Nam rất thành công trong lĩnh vực giáo dục: xoá mù thành công, phổ cập giáo dục tiểu học thành công và đang tiến tới phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nói cách khác, hầu như tất cả trẻ em Việt Nam đều được đi học, và nói chung đều học hết bậc tiểu học và đa số còn tiếp tục học trung học cơ sở. Tất cả các em học sinh đi học đều có sách giáo khoa. Nạn thiếu sách, nhiều em chung nhau một bộ sách đã lùi vào dĩ vãng.

 

Ngày 27/2/2006, ông Birger Fredriksen ở WB đã sang Việt Nam, gặp Bộ Giáo dục và Đào tạo, gặp Nhà xuất bản Giáo dục, nghe ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Tổng Giám đốc NXBGD giải thích nguyên nhân. Thấy rất thuyết phục, WB tổ chức một đoàn các Bộ trưởng và các nhà lãnh đạo ngành giáo dục, các nhà hoạch định chính sách giáo dục của 6 nước châu Phi: Cameroon, Ethiopia, Ghana, Madagascar, Modambique và Losotho cùng đại diện các tổ chức quốc tế: WB, UNESCO, DFID tới Singapore và Việt Nam để học tập kinh nghiệm.

 

Tại hội thảo, đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có những tham luận về tổng quan giáo dục Việt Nam; Chiến lược giáo dục cho mọi người: Thành công và thách thức; phát triển giáo viên; đánh giá kết quả học tập của học sinh; phát triển THCS và THPT; hệ thống tài chính cho giáo dục ở Việt Nam.

 

Giá sách giáo khoa trên thị trường đắt hay rẻ?

 

Nhưng bài tham luận gây ấn tượng nhất cho các vị khách châu Phi là bài tham luận về những kinh nghiệm và thành công trong việc xuất bản - in - phát hành sách giáo khoa do Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Nguyễn Đăng Quang trình bày.

 

Việt Nam đã tự lực biên soạn được sách giáo khoa ở tất cả các cấp học, đã tự in đủ sách giáo khoa và đã cung cấp sách giáo khoa tới tận tay các em học sinh ở mọi miền đất nước kể cả miền núi cao hẻo lánh. Việc in và phát hành sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục tự đảm nhiệm, không cần tài trợ của Chính phủ cũng như của các tổ chức quốc tế.

 

Một điểm gây ngạc nhiên cho các vị khách châu Phi là giá sách giáo khoa ở Việt Nam quá rẻ. Một bộ sách giáo khoa lớp 1 có 6 cuốn, giá chỉ 37.4000 đồng; một cuốn sách tiếng Việt lớp 1 tập 1 dày 172 trang, in 4 màu toàn bộ mà giá chỉ 9.800 đồng tức khoảng 60 cent Mỹ. Giá rẻ bất ngờ này thực sự gây xốc cho các vị khách, nhất là khi Nhà xuất bản Giáo dục không có sự tài trợ của Nhà nước hay các tổ chức quốc tế trong việc in và phát hành sách giáo khoa.

 

Nhiều vị khách nói: cái giá không thể tin được. Nhưng đó là sự thật. ở châu Phi 1 cuốn sách giáo khoa có giá 10 USD, có khi tới 20 USD. Ông Quang đã phải giải thích kĩ càng về các nguyên nhân, các biện pháp giảm giá thành... mà Nhà xuất bản Giáo dục đã tiến hành nhưng thực sự đó là giá rẻ đến mức khó tin.

 

Các Bộ trưởng nói gì?

 

“Bài trình bày tuyệt vời, rất ấn tượng, đã nêu một tấm gương về mặt quản lý sách giáo khoa trong tất cả những nơi mà tôi đã được chứng kiến. Tôi thực sự rất ngưỡng mộ”.

 

“Bài trình bày của ông Quang vào buổi chiều. Tưởng rằng giờ đó mọi người dễ buồn ngủ. Nhưng khi nghe trình bày, mọi người như tỉnh hẳn. Làm thế nào mà Nhà xuất bản Giáo dục đã phát triển bền vững, những năm trước đây thiếu sách giáo khoa trầm trọng, in ấn khó khăn, nay đã thay đổi hoàn toàn.

 

Việt Nam đã tự biên soạn được sách giáo khoa. Tất cả trẻ em vùng sâu vùng xa đều có sách khi tới trường. Giá sách rất rẻ. Việc in và phát hành sách giáo khoa do chính Nhà xuất bản Giáo dục thực hiện, không có sự tài trợ của Chính phủ hay các tổ chức quốc tế. Chúng ta học tập được rất nhiều qua kinh nghiệm của Nhà xuất bản Giáo dục để có được sách giáo khoa rẻ và mọi em học sinh đều có sách”.

 

“Giá rẻ không thể tin được”...

 

Có thể nói không ngoa rằng những thành công của nền giáo dục Việt Nam, của việc xuất bản sách giáo khoa ở Việt Nam đã được thế giới đánh giá rất cao, một tấm gương để nhiều nước học tập. Thế nhưng, thật là nghịch lí, mấy năm gần đây, ta lại được nghe nhiều ý kiến khác nhau: giáo dục còn đầy rẫy những sự bất cập, thiếu sót, nhược điểm, có người còn nói là hỏng từ gốc. Còn về sách giáo khoa, thì nào là bất cập, nào là đắt ?!..

 

Phải chăng có không ít người còn quá khắt khe khi nhìn nhận về thấy những thành công thực sự trong giáo dục cũng như trong việc xuất bản sách giáo khoa ở Việt Nam.

 

Bảo Chân