Nên nâng mức vay bằng mức học phí đối với sinh viên sư phạm

(Dân trí) - Góp ý về chính sách tín dụng đối với sinh viên sư phạm trong Luật Giáo dục sửa đổi, nhóm nghiên cứu của Học viện Tài chính vừa đưa ra 3 phương án.

Chiều 18/1, Học viện Tài chính, Văn phòng Chương trình khoa học giáo dục tổ chức tọa đàm khoa học về tài chính cho giáo dục trong Luật Giáo dục sửa đổi.

Một trong những vấn đề đại biểu quan tâm là học phí sư phạm. Theo đó, các ý kiến đều đồng ý không nên tiếp tục cấp bù học phí cho sinh viên sư phạm; đồng thời đề cập đến chính sách tín dụng, chính sách học bổng cho sinh viên sư phạm; các chính sách việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi ra trường, thu nhập của giáo viên...

Đối với chính sách tín dụng sư phạm – một điểm mới trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi – nhóm nghiên cứu của Học viện Tài chính đã có báo có tác động về vấn đề này.

Theo báo cáo, trên thực tế, Việt Nam đang thực hiện một chính sách tín dụng HSSV bằng nguồn NSNN để cho vay ưu đãi đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn nhằm đảm bảo cơ hội học tập.

 Dù đã thực sự đem lại cơ hội học tập cho HSSV và đảm bảo công bằng xã hội, tuy nhiên, chính sách hiện nay đã bộc lộ những bất cập trong bối cảnh cơ chế tài chính cho giáo dục đang có những thay đổi nhanh chóng. Vì thế, đã đến lúc phải nghiên cứu một cơ chế tín dụng giáo dục theo hướng hỗ trợ tốt hơn cho việc học tập của người học.

Đề xuất phương án xây dựng chính sách, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 phương án. Cụ thể:

Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành về tín dụng HSSV với mục tiêu hỗ trợ cho HSSV thuộc các hộ gia đình nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đang học tập tại các cơ sở giáo dục.

Phương án 2: Quy định về tín dụng HSSV trên cơ sở áp dụng chính sách ưu đãi (ưu đãi về lãi suất và thời gian trả nợ) đối với HSSV là các đối tượng chính sách hoặc trong các lĩnh vực ưu tiên trong Luật Giáo dục; nâng mức cho vay bằng với mức học phí của các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư.

Phương án 3: Quy định về tín dụng HSSV trên cơ sở áp dụng chính sách ưu đãi đối với HSSV thuộc đối tượng ưu tiên đào tạo trong Luật Giáo dục; hình thành cơ chế vay trả linh hoạt, để vừa đảm bảo việc hiện chính sách an sinh xã hội, vừa giúp tăng trách nhiệm của người vay trong việc sử dụng các khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, phương án 2 là có nhiều tác động tích cực nhất mặc dù phương án này gây nên áp lực về tiền vốn cho Chính phủ để thực hiện phương án. Nhưng so sánh về lợi ích của HSSV và Nhà nước thì phương án này vẫn là lựa chọn tối ưu, phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta trong giai đoạn 5 năm tới.

Bên cạnh đó, phương án 2 không có các tác động về thủ tục hành chính, cũng như không xung đột với các quy định pháp luật hiện hành.

Để khắc phục hạn chế của phương án 2, nhóm nghiên cứu khuyến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu dịch chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên cắt giảm từ các cơ sở giáo dục đại học bổ sung cho Ngân hàng Chính sách Việt Nam.

Điều này không làm thay đổi cơ cấu chi NSNN cũng như cơ cấu chi cho lĩnh vực giáo dục. Do vậy thẩm quyền quyết định thuộc về Chính phủ.

Góp ý dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi về vấn đề tín dụng đối với sinh viên sư phạm, GS.TS. Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, cho rằng, việc thực hiện cho vay tín dụng bảo đảm sự bình đẳng như các ngành khác. Đây là điểm mới.
Tuy nhiên trong thực tế, nếu tính về đầu tư, một học sinh giỏi sẽ chọn lựa ngành khác để khi ra trường thu nhập cao hơn.

Chẳng hạn, một học sinh dự kiến thi vào ngành Công nghệ thông tin, sư phạm và cử nhân, khi tính toán về kinh tế lâu dài, chắc chắn thi cử nhân Công nghệ thông tin mà không thi Sư phạm, nếu học sinh đó không quá đam mê với nghề. Đây là một cảnh báo cần lưu ý.

Vì vậy, GS Nguyễn Văn Minh cho rằng, trên cơ sở dự báo nhân lực, việc làm; chính sách học bổng và yêu cầu đối với sinh viên sư phạm cần ban hành sớm; còn nếu chỉ đặt ra vấn đề cho vay tín dụng rất khó để cải thiện tình hình.

Nguyễn Nhung