Diễn đàn giáo dục Việt Nam - New Zealand
Khi Giáo sư New Zealand tự tin đọc tục ngữ Việt
(Dân trí) - Tất thảy mọi người tham dự Diễn đàn Giáo dục Việt Nam – New Zealand đều thích thú và thán phục khi Giáo sư Neil Quigley, hiệu phó trường ĐH Waikato, tự tin đưa câu tục ngữ Việt “Một kho vàng không bằng một nang chữ” vào bài phát biểu của mình.
Vào sáng nay (5/8), diễn đàn Giáo dục Việt Nam - New Zealand lần thứ hai do Cơ quan Giáo dục New Zealand và Bộ GD&ĐT Việt Nam phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Diễn đàn là nơi để Bộ trưởng, lãnh đạo, cơ quan giáo dục và các trường ĐH của hai nước đối thoại, thảo luận, hoạch định chiến lược hợp tác và đẩy mạnh giáo dục giữa hai quốc gia.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng GD&ĐT Việt Nam Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Giáo dục Đại học, kỹ năng và nghề nghiệp New Zealand Steven Joyce đã ký kết bản Thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa hai Bộ giai đoạn 2015-2020.
Bản Thỏa thuận này sẽ đưa ra khuôn khổ về hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giáo dục vì lợi ích của đôi bên. Về phía New Zealand, bản thỏa thuận sẽ tạo cơ hội cho các trường ĐH, học viện của nước này xây dựng nền móng và đẩy mạnh liên kết giáo dục với các trường tại VN và thúc đẩy số lượng SV Việt Nam theo học tại New Zealand.
Về phía Việt Nam, bản thỏa thuận hứa hẹn sẽ cải thiện chất lượng giáo dục VN nói chung và nâng cao trình độ kỹ năng nguồn nhân lực nói riêng. Bản thỏa thuận cũng góp phần xây dựng khuôn khổ cho nhiều chương trình đào tạo giáo dục giữa hai quốc gia trong tương lai, giúp xây dựng các cơ chế hợp tác giáo dục giữa New Zealand và Việt Nam một cách bền vững nhất.
Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa hai Bộ trưởng
Chia sẻ tại diễn đàn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Đây là hoạt động có ý nghĩa nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - New Zealand. Đây là minh chứng cho mối quan hệ hết sức tốt đẹp giữa hai nước trong các lĩnh vực nói chung và giáo dục, đào tạo nói riêng.
New Zealand đã giúp đỡ rất có hiệu quả trong đào tạo tiếng Anh cho đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo Việt Nam, đã hỗ trợ kỹ thuật cho việc nâng cao chất lượng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, chuyển giao nhiều kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc đổi mới, gắn kết đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực hỗ trợ quốc tế, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước...”.
Cũng tại diễn đàn, bản Thỏa thuận hợp tác giáo dục và du lịch giữa tỉnh Quảng Ninh và trường ĐH Công nghệ Auckland cũng đã được ký kết.
Giáo sư Neil Quigley (trái) - Hiệu phó trường ĐH Waikato (New Zealand) có lời dẫn bằng tục ngữ Việt đầy thú vị.
Đồng thời, đại diện của một số trường New Zealand, Việt Nam cũng như cựu DHS Việt Nam tại New Zealand cũng có dịp chia sẻ cảm xúc cũng như định hướng hợp tác giáo dục trong thời gian tới.
Đáng chú ý trong bài phát biểu của mình, Giáo sư Neil Quigley, hiệu phó trường ĐH Waikato (New Zealand) khi diễn giải về sứ mệnh quan trọng của giáo dục đã tự tin dẫn một câu tục ngữ Việt Nam “Một kho vàng không bằng một nang chữ”.
Không dừng lại đó, vị giáo sư này còn trích dẫn nguyên vẹn tiếng Việt câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” để nói về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như yêu cầu đổi mới, thiết kế chương trình học của trường ĐH nhằm giúp SV tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan tuyển dụng trong nước và quốc tế.
Những trích dẫn tiếng Việt rất phù hợp với hoàn cảnh của Giáo sư Neil Quigley đã khiến tất thảy mọi người có mặt trong hội trường cảm thấy thích thú, thán phục và không ngần ngại dành tặng Giáo sư những tràng pháo tay giòn giã.
Hợp tác giáo dục là một phần quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam – New Zealand. Trong hai năm gần đây, hơn 2.000 SVVN sang New Zealand du học mỗi năm (tăng 90% so với năm 2008) và số lượng SV Việt Nam đứng thứ 11 trong số SV các nước tới New Zealand học tập.
New Zealand hiện cung cấp khoảng 150 suất học bổng toàn phần cho bậc sau ĐH cho Việt Nam giai đoạn 2011-2016 và tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo tiếng Anh cho cán bộ VN. Hiện có khoảng 455 cán bộ VN sang New Zealand học theo chương trình này.
Vũ Phong