Khánh Hòa: Xét tuyển vào lớp 10 năm học 2017-2018 vì nhiều ưu điểm

(Dân trí) - Theo Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, năm học 2017-2018, Khánh Hòa tiếp tục xét tuyển vào lớp 10 THPT vì nhận thấy có nhiều ưu điểm.

Học sinh THPT ở TP Nha Trang, Khánh Hòa - Ảnh: Viết Hảo
Học sinh THPT ở TP Nha Trang, Khánh Hòa - Ảnh: Viết Hảo

Chiều 14/12, tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Khánh Hòa Khóa VI (2016-2021), trả lời chất vấn của đại biểu về việc cử tri cho rằng nên đổi hình thức xét tuyển vào THPT bằng hình thức thi tuyển, ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết, vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chọn phương thức tuyển sinh lớp 10 năm học 2017-2018 là xét tuyển.

Theo ông Lê Tuấn Tứ, phương thức nào cũng có ưu điểm và nhược điểm riêng nhưng phải cân nhắc, lựa chọn phương thức tuyển sinh ưu điểm nhất để tổ chức cho phù hợp với địa phương.

Trên cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh Khánh Hòa, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, căn cứ vào đời sống của người dân, căn cứ vào việc quản lý các điểm dạy và học của ngành GD-ĐT, cũng như tạo quyền lợi cho học sinh trong học tập, thi cử; và chủ trương của UBND tỉnh Khánh Hòa hiện nay là giảm bớt các kỳ thi, giảm áp lực thi cử cho học sinh. Do đó, việc chọn phương thức xét tuyển vào THPT ở Khánh Hòa năm học tới là phù hợp.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa, ưu điểm của xét tuyển vào lớp 10 ở Khánh Hòa là kiểm tra, kiểm soát được quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; bảo đảm được giáo dục toàn diện, tức là “vừa dạy chữ, vừa dạy người”, tránh học lệch môn. Tại địa phương này, trong những năm qua, số học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 và số tuyển vào lớp 10 là xấp xỉ nhau.

“Ở Khánh Hòa, với học sinh học lực trung bình là có thể vào học các trường công lập trên địa bàn, giảm áp lực thi cử cho phụ huynh, học sinh; giảm tốn kém cho Nhà nước và một phần tốn kém cho phụ huynh”, ông Lê Tuấn Tứ nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa, lấy ví dụ qua 4 năm xét tuyển, mỗi năm tỷ lệ học sinh giỏi THCS ở địa phương này chỉ tăng 1-2%, chứ không phải tăng đột biến. Cụ thể, năm học 2012-2013 là 24%, 2013-2014 là 27%, 2014-2015 là 28% và 2015-2016 là 30% học sinh giỏi ở cấp THCS.

“Đối với Khánh Hòa, số lượng học sinh giỏi như thế là quá ít vì hiện nay điều kiện học tập của chúng ta rất là tốt, như về cơ sở vật chất, về trang thiết bị thì tỉnh đã đầu tư rất nhiều, hơn nữa sự quan tâm của phụ huynh đến việc học là hết sức chu đáo. Từ đó, tỷ lệ tăng học sinh giỏi tăng hàng năm như thế là hợp lý”, Giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa nhìn nhận.

Trước đó, năm học 2016-2017, Trường THPT Lý Tự Trọng (TP Nha Trang) đã mở thêm 2 lớp, với 717 em thay vì 630 chỉ tiêu ban đầu vì số học sinh đạt điểm tuyệt đối 41,5 điểm (mỗi năm học sinh giỏi được tính 10 điểm, 1,5 điểm nghề giỏi) đổ xô xét tuyển vào trường.

Điểm chuẩn vào lớp 10 trường này là 41,5 điểm, với điểm trung bình năm lớp 9 là 8,2 điểm trở lên. Tuy nhiên, bình luận trên báo Dân trí, một phụ huynh ở Nha Trang nói rằng, dù học giỏi 4 năm liên tiếp nhưng sẽ trượt nếu không có điểm nghề giỏi.

Viết Hảo