Học chữ không khó, tính ỷ lại mới đáng sợ

(Dân trí) - Việc không biết chữ trước đi học nếu có gặp khó khăn thế nào đi chăng nữa cũng không đáng sợ bằng tính ỷ lại của một đứa trẻ.

Trước phong trào, lo lắng của phụ huynh cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1, bà Phạm Thị Chinh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Hòa B, Dĩ An, Bình Dương cho biết, bà hoàn toàn phản đối việc trẻ học chữ trước khi vào lớp 1. 

"Hai con tôi đều không học chữ trước, con cháu trong nhà rồi người thân, phụ huynh, tôi đều nhắn nhủ không nên học chữ trước. Việc ép một đứa trẻ trước 6 tuổi ngồi học, luyện chữ là phản khoa học và là sai lầm của phụ huynh", vị hiệu trưởng nhấn mạnh. 

Học chữ không khó, tính ỷ lại mới đáng sợ - 1

Khó khăn vì không học chữ trước không đáng sợ bằng tỉnh ỷ lại, chủ quan của một đứa trẻ.

Bà Chinh phân tích, việc học chữ trước thì khi vào lớp 1 trẻ sẽ chủ quan, ỷ lại, mất hứng thú học tập, thiếu kiên nhẫn. Nhiều đứa trẻ vội vàng nghĩ là mình giỏi, hình thành cách học không tập trung, về lâu dài rất khó khắc phục, rất có hại cho trẻ. 

Không học chữ trước có thể gặp những khó khăn nhất định nhưng chắc chắn, khó khăn nào đi nữa, bà Chinh khẳng định, không đáng sợ bằng tính ỷ lại của một đứa trẻ. 

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, chương trình ở lớp Lá, trẻ đã được nhận diện, làm quen với 29 chữ cái và các số tự nhiên từ 0 - 10 tuy chưa học ráp vần đọc hoặc viết. Quy định trẻ chỉ nên học chữ khi 6 tuổi bước vào lớp 1 là hợp lý. 

Việc học sinh biết chữ trước có thể có những lợi thế ban đầu như tiếp thu sẽ nhanh, dễ nắm bắt bài học, giáo viên có thời gian tổ chức thêm các hoạt động vui chơi, rèn thêm các kĩ năng cho các em. Tuy nhiên, tác hại cũng nhìn thấy được là khi đã biết nên vào lớp, cô giáo dạy lại từ đầu trẻ sẽ không tập trung, ít hăng hái học tập, thậm chí trẻ thấy mọi việc nhàm chán, quá đơn giản nên thiếu nỗ lực, cố gắng. 

Điều mà phụ huynh lâu nay thường không để ý là nếu trẻ cầm bút quá sớm mà không được hướng dẫn đúng cách thì cơ tay, xương tay của trẻ bị ảnh hưởng vì phải gồng nhiều để giữ bút đi nét trong khi viết. Tư thế ngồi, cách đặt vở, cầm bút, đường nét không đúng, giáo viên phải "nắn lại" rất kỳ công và khó khăn. 

Cấm giáo viên phàn nàn về học sinh lớp 1

Bà Phạm Thị Chinh cho hay, đúng là nhiều phụ huynh nặng tâm lý sợ nghe cô giáo mắng vốn, phàn nàn vì con không biết chữ trước.

Thế nên, các nhà quản lý phải chú ý đến vấn đề này. Ở trường mình, bà cấm giáo viên phàn nàn với phụ huynh về học trò lớp 1 chưa biết đọc, biết viết. Trường chỉ đạo, giáo viên phải dạy từ đầu, kể cả những em biết rồi vẫn phải bắt đầu theo cách chưa biết. 

Học chữ không khó, tính ỷ lại mới đáng sợ - 2

Trẻ cần tâm lý, kỹ năng sẵn sàng đến trường hơn là việc biết chữ trước (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, đâu đó cũng có những giáo viên thế này thế nọ. Theo bà Chinh, phụ huynh hoàn toàn có thể phản hồi, có thể trao đổi thẳng thắn với cô là bé bây giờ mới vào lớp 1 để bắt đầu học chữ.

Còn tâm lý con không theo kịp bạn bè thì phụ huynh phải tự mình tháo gỡ. Phụ huynh không mạnh dạn buông bỏ thì chính mình tạo áp lực cho bản thân và cho con. 

"Chương trình lớp 1 đọc, viết, làm toán rất đơn giản. Tất cả mọi đứa trẻ phát triển bình thường đều phát âm và đọc được, chỉ sau một học kỳ là ổn. Con không học trước, về kèm cặp con thêm, cho con tập viết thêm, không có gì phải căng thẳng", bà Phạm Thị Chinh chia sẻ. 

Ông Nguyễn Quang Vinh chỉ ra một số vấn đề trẻ lớp 1 thường gặp phải như chuyển từ môi trường vui chơi, chạy nhảy trong lớp sang ngồi vào bàn theo tiết học; không có khả năng tập trung trong giờ học...

Điều ít phụ huynh quan tâm là nhiều trẻ thiếu tự tin rất khó trong việc kết bạn ở giai đọan đầu nên trẻ dễ có cảm giác lạc lõng, bị bỏ rơi; một số em rơi vào tâm lý thụ động do cha mẹ thường làm thay mọi việc, hạn chế khả năng tự phục vụ...

Phụ huynh cần chú ý điều này để chuẩn bị tâm lý, các kỹ năng cơ bản cho trẻ bước vào môi trường học tập. 

Hoài Nam